(Congannghean.vn)-Vừa qua, Bộ Y tế đưa dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia, trong đó quy định cấm bán rượu bia từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau để lấy ý kiến lần đầu. Khi dự thảo luật được đưa ra, Bộ Y tế đã vấp phải sự phản ứng của dư luận về tính khả thi cũng như phạm vi ảnh hưởng của quy định này tới đa số người dân và doanh nghiệp. Để dự thảo luật được thông qua, Bộ Y tế sẽ phải nghiên cứu và trình dự thảo một cách hợp lý và thuyết phục.
Dự thảo này được đưa ra lấy ý kiến xuất phát từ thực tế tỉ lệ sử dụng rượu bia ở nước ta đang tăng rất nhanh, bình quân mỗi người sử dụng 4 lít/năm và đến năm 2015 có thể lên tới 7 lít/năm. Theo thống kê tại Việt Nam, khoảng 70% số vụ tai nạn giao thông do lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông và 70% số người chết trong các vụ tai nạn này ở lứa tuổi từ 15 đến 44, ảnh hưởng lớn tới nguồn lao động chính. Uống rượu bia sau 22 giờ còn ảnh hưởng tới an ninh trật tự, là nguyên nhân dẫn đến phạm tội, thương tích. Đây cũng là nguyên nhân của 70% bạo lực gia đình...
Theo thống kê, trung bình mỗi năm gần đây, Việt Nam tiêu thụ 3 tỉ lít bia, tương đương 3 tỉ đô la Mỹ. Chưa kể đến những chi phí cho tiêu thụ rượu và chi phí gián tiếp để giải quyết những hậu quả do lạm dụng rượu bia cao gấp 4 lần mức đóng góp mà ngành sản xuất rượu bia đóng cho ngân sách. Hiện nay đã có 168 quốc gia trên thế giới, trong đó có 9 quốc gia ASEAN có quy định thời gian cấm bán rượu bia. Đa số là cấm từ 20 giờ hoặc 22 giờ đến 6 hoặc 8 giờ sáng hôm sau. Khảo sát tại những nước này cho thấy, sau một thời gian cấm, hầu hết người dân đều dần chấp hành quy định và tỉ lệ sử dụng rượu bia có xu hướng giảm.
Muốn cấm bán rượu bia sau 22 giờ thì sẽ cần phải thay đổi thói quen tiêu thụ rượu bia của người dân |
Để hạn chế tình trạng lạm dụng rượu bia dự thảo luật của Bộ Y tế đưa ra 3 phương án. Một là: Không được bán rượu bia trong khoảng thời gian sau 22 giờ đến 6 giờ hôm sau tại một số địa điểm theo danh mục và lộ trình quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và yêu cầu phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia. Hai là: Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định việc cấm bán rượu bia tại một số địa điểm trong khoảng thời gian phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và yêu cầu phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia. Ba là: Chưa quy định thời gian cấm bán rượu bia trong dự thảo luật.
Khi dự thảo luật được đưa ra lấy ý kiến đã xuất hiện nhiều phản ứng trái chiều trong nhân dân cũng như những nhà nghiêu cứu luật. Thực tế cho thấy, việc sử dụng rượu bia bất cứ giờ nào đã là một thói quen ăn sâu vào trong tiềm thức của nhiều người. Đây là nhóm quan hệ xã hội pháp luật khó điều chỉnh nhất, cần thời gian điều chỉnh dài hơn so với các nhóm quy phạm khác nên chắc chắn tác động của luật trong đời sống không cao và phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức tự điều chỉnh của người dân. Để người dân thực hiện là rất khó vì những thói quen không dễ dàng từ bỏ. Do đó, cần sự nỗ lực cao về tuyên truyền, nhận thức, tổ chức, thanh, kiểm tra và xử lí vi phạm. Và điều quan trọng nhất là dự luật sẽ không đi vào cuộc sống nếu không có sự đồng tình ủng hộ của người dân. Khi nhu cầu của người dân đang có thì các điểm bán rượu sẽ “chấp” luật để kinh doanh.
Việc xử phạt sẽ dễ đối với những điểm bán rượu bia như đại lý, quán nhậu, quán bar … nhưng tại các điểm bán nhỏ, người dân bán cho nhau thì sẽ như thế nào khi rượu họ tự nấu đang được bán khắp ngõ xóm. Việc cấm bán sau 22 giờ nhưng không cấm người dân uống sau 22 giờ, vậy người dân sẽ dễ dàng lách luật bằng cách mua trước khoảng thời gian đó và đưa về nhà uống. Mặt khác, lực lượng nào sẽ phải chờ đến sau 22 giờ để tiến hành kiểm tra xử phạt và mức xử phạt như thế nào cũng cần phải nghiên cứu cụ thể. Cũng sẽ rất khó khăn khi quy định cấm ở từng địa điểm hay cấm cả địa bàn. Được biết, trước đây Bộ Y tế cũng đã ban hành quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng nhưng đến nay, quy định này vẫn chưa đi vào cuộc sống khi người dân vẫn vô tư hút thuốc nơi công cộng mà chưa có ai bị xử phạt. Người dân sợ rằng dự luật này cũng sẽ khó triển khai và đi vào thực tiễn như quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng.
Để dự luật được thông qua, Bộ Y tế sẽ còn rất nhiều việc phải làm như hoàn thiện dự luật, xin ý kiến của các Bộ, ngành liên quan… Nếu được Quốc hội thông qua thì luật sẽ có hiệu lực trong năm 2016.
.