Đau khổ đến tận cùng nhưng Quân buộc phải ở lại với mẹ vì lúc đó bố Quân đã mất do bệnh nặng. Năm năm sau, định mệnh đã cho Quân gặp gỡ mà thực chất là giải cứu một người con gái Việt Nam bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ một ông già tám mươi tuổi.
Những gì đang có với anh Quân như một giấc mơ |
Sau lần giải cứu ấy hai người đã nên duyên chồng vợ. Trải qua biết bao thử thách, khổ đau họ vẫn vững vàng ở bên nhau, tiếp sức mạnh cho nhau để gây dựng nên một mái ấm hạnh phúc.
Mười ba tuổi vượt biên tìm mẹ
Ngôi nhà của vợ chồng anh Cao Văn Quân và chị Nguyễn Thị Tuyền nằm sâu hun hút trong con đường đất chạy dọc thôn Bắc Mã 2 (xã Bình Dương, huyện Đông Triều, Quảng Ninh). Nó giản dị và khiêm tốn hơn rất nhiều ngôi nhà khác trong thôn Bắc Mã, nhưng số phận của đôi vợ chồng sống trong căn nhà đó lại rất… không bình thường.
Năm Cao Văn Quân 10 tuổi, anh đã phải chứng kiến cảnh gia đình mình ly tán. Bố anh làm cán bộ xã, mẹ anh gánh hàng rong đi buôn chuyến ở Móng Cái về Đông Triều, sáng đi, chiều về. Một buổi chiều gió mùa Đông Bắc tràn về, mấy anh em Quân chờ mãi mà không thấy mẹ về như thường lệ. Một ngày, hai ngày trôi qua, rồi một tuần trôi qua, dù mới chỉ là một cậu nhóc, anh đã biết mẹ mình gặp chuyện chẳng lành. Đó là những năm đầu của thập niên 80, khi nạn buôn người qua biên giới mới bắt đầu xuất hiện. Có người trong thôn nói với bố con anh, rất có thể mẹ anh đã bị bắt cóc đem bán qua biên giới.
Mẹ anh biến mất không hề có bất cứ tin tức nào, bố anh đi lấy vợ mới. Anh sống với bố và dì. Nhưng chỉ sau đó 2 năm, bố anh mất sớm vì bệnh tật, dì anh bỏ đi nơi khác sinh sống. Anh trở nên bơ vơ, vừa đi học, vừa kiếm củi, vừa làm thuê kiếm tiền tự nuôi thân. Nhưng ngay sau ngày bố mất, Cao Văn Quân đã thấm thía thực sự nỗi bất hạnh khi không có bố mẹ bên cạnh. Anh thường xuyên chẳng có gì ăn. Có hôm đói đến lả người, anh phải bò ra ngoài đồng vặt lá rau má ăn sống.
3 năm sau ngày mẹ mất tích, Cao Văn Quân tình cờ gặp một người đàn bà quê ở Sao Đỏ - Hải Dương từng đi buôn với mẹ anh, giờ lấy chồng ở Trung Quốc. Bà ta nói bà ta đã gặp mẹ anh ở vùng Kiến Trì, Quảng Đông, Trung Quốc. Nghe được tin đó, Quân lập tức lên đường sang Trung Quốc. Hành trình mang theo chỉ với duy nhất một bộ quần áo mặc trên người, không một xu dính túi, tiếng Trung Quốc một chữ bẻ đôi cũng không biết. Nhưng tình mẫu tử và khao khát gặp lại mẹ đã khiến cho cậu bé 13 tuổi không hề có một chút sợ hãi khi bước vào cuộc phiêu lưu của đời mình. Trước khi đi, anh đã tự hứa với lòng chừng nào chưa tìm được mẹ, anh sẽ không trở về.
Người đàn bà ở Sao Đỏ đưa Quân sang Trung Quốc trên một con tàu nhỏ vượt vùng biển Móng Cái cùng hai cô gái trẻ khác. Nhưng bà ta không giúp anh bằng lòng tốt đơn thuần. Sang đến Kiến Trì, Quảng Đông, 2 cô gái được bà ta bán cho những người đàn ông Trung Quốc đang cần cưới vợ.
Riêng anh không bán được, bà ta nói: "Mày phải làm thuê trả nợ cho vợ chồng tao để bù chi phí tao đưa mày sang đây. Chừng nào trả xong nợ, mới được đi tìm mẹ". Ở giữa đất Trung Quốc xa lạ, không tiền bạc, không người thân, không nói được một câu tiếng Trung nào, Cao Văn Quân đành phải ở lại đó làm thuê trừ nợ suốt một năm trời. Đến lúc trả xong nợ, bà ta mới đưa anh đến một ngôi làng trong một khu rừng cách chỗ anh ở chỉ vài quả đồi. Từ xa anh đã nhìn thấy dáng của mẹ mình đang lúi húi quét dọn trong ngôi nhà ấy. Cứ ngỡ không bao giờ còn có cơ hội tìm được mẹ, nên khi nhìn thấy mẹ rồi Quân cứ lao vào mẹ ghì chặt mà khóc trong niềm hạnh phúc khôn nguôi.
Sau khi bị lừa sang Trung Quốc, mẹ anh bị bán cho một người đàn ông ở Kiến Trì, Trung Quốc. Ban đầu, mẹ anh còn nuôi ý định bỏ trốn, nhưng lần nào định trốn về Việt Nam với con cái, bà cũng bị gia đình chồng bắt nhốt lại đánh đập. Sợ nếu bà trốn thì số tiền bỏ ra sẽ mất trắng, nên gia đình chồng bà thấy bà đi đâu, dù là đi tắm hay đi vệ sinh cũng cho người đi theo dõi từng bước. Dần dần bà cũng không còn đủ sức nuôi ý định trốn về, dù trong lòng lúc nào cũng nhớ thương chồng con vô hạn, đến lúc gặp lại con trai, biết tin chồng mất, ý định trở về càng mất dần đi trong lòng bà.
Thương mẹ, Cao Văn Quân ở lại đó, ngày ngày đi làm thuê kiếm tiền với ý định chuộc mẹ ra. Nhưng đến lúc dành gần đủ tiền chuộc, mẹ anh đã nói với anh rằng: "Bố con đã mất, chồng mới của mẹ giờ cũng đã tin tưởng mà đối xử tốt với mẹ nên mẹ muốn ở lại đây sống". Vì không muốn xa mẹ một lần nữa nên Quân cũng đành ở lại với mẹ nơi đất khách quê người.
“Mua vợ” nơi đất khách quê người
Năm 1993, 5 năm sau khi anh sang Trung Quốc, một hôm anh được một người làng kể: "Có một nhóm mấy cô gái Việt Nam bị bán sang đây, đang sống ở trong ngôi nhà kia. Một cô gái nhất định không chịu lấy một ông lão 80 tuổi nên bị đánh đập rất dã man. Cậu xem có cách nào cứu cô ta không, không họ sẽ đánh cô ta đến chết mất".
Mái ấm lụp xụp những năm về trước
Nghe tin, anh mon men tìm đến ngôi nhà nơi cô gái đang bị giam giữ, tìm cách tiếp cận với cô, nói chuyện với cô. Cô gái trẻ mới chỉ 20 tuổi, cao ráo, xinh xắn. Cứ nghĩ đến cảnh cô gái ấy sẽ phải trở thành vợ một ông lão 80 tuổi khiến anh nhói lòng. Nghĩ mình đã đến tuổi lấy vợ, anh quyết định tham gia vào cuộc "đấu giá" với những người đàn ông khác để "mua" cô về làm vợ. Anh đã mua được cô với giá 3.000 tệ - một số tiền rất lớn thời điểm đó, nhất là với một chàng trai nghèo chỉ sống bằng nghề làm thuê như anh. Đó là toàn bộ số tiền công làm thuê trong 2 năm trời của anh. Cô gái mà anh mua chính là vợ anh bây giờ - chị Nguyễn Thị Tuyền.
Chị Tuyền quê ở Bắc Giang. Nhà nghèo nên chị phải bỏ học từ sớm đi làm thuê kiếm tiền giúp bố mẹ. Một hôm có người hàng xóm ngay cạnh nhà rủ chị và 3 cô gái khác sang Trung Quốc gánh hàng thuê về Việt Nam, hứa sẽ trả giá cao. Tin lời ngon ngọt, các chị lên đường mà chẳng biết mình sắp trở thành nạn nhân của bọn buôn người.
Sang đến nơi, chẳng thấy hàng đâu để gánh về, chỉ thấy mình bị bắt nhốt lại và đem ra cho những người đàn ông ngã giá, mua bán, còn người hàng xóm đã biến mất, chị mới biết mình đã bị lừa. Những kẻ buôn người dùng vũ lực đe dọa các chị, buộc các chị phải ngoan ngoãn nghe lời. 3 cô gái đi cùng chị vì sợ bị đòn nên lần lượt bị bán cho 3 ông già. Chỉ riêng chị, có nhan sắc nhất và được một ông già 80 tuổi có nhiều tiền trả giá cao nhất, nhưng chị vẫn kiên quyết không chịu lấy ông ta. Bị bọn buôn người bắt ép, chị lao vào góc tường đập đầu tự tử. Ông già 80 tuổi từ bỏ ý định mua chị, còn chị thì bị bọn buôn người đánh cho một trận thừa sống thiếu chết. Chúng đánh chị nhưng vẫn chừa cái mặt chị ra, để chị vẫn đủ xinh đẹp khi đưa ra làm một món hàng trong các cuộc mua bán.
Sau khi mua được chị, anh đưa chị về nhà mẹ và bố dượng để sinh sống. Sau ngày hôm đó, anh chị trở thành vợ chồng, chẳng có đám cưới, chẳng có cỗ bàn, chẳng đăng ký kết hôn. Cô con gái đầu lòng của anh chị ra đời sau đó 1 năm.
Hạnh phúc nảy mầm trong bất hạnh, khổ đau
Anh Quân và chị Tuyền trong ngôi nhà khang trang của mình
Năm 1994, một năm sau khi kết hôn, anh quyết định đưa chị về Việt Nam. Người chồng Trung Quốc của mẹ chị sợ nếu anh chị về thì mẹ anh cũng sẽ tìm cách bỏ về theo nên nhất quyết đòi giữ con gái của anh chị lại. Trong hoàn cảnh đó, mẹ anh đã động viên anh chị về Việt Nam và hứa sẽ chăm sóc cho cháu nội đàng hoàng, tử tế.
Khi ở bên Trung Quốc, anh chị cứ thế về ở với nhau, chẳng đám cưới, chẳng mâm cao cỗ đầy, chẳng xin phép cha mẹ hai bên. Anh cứ áy náy mãi về sự thiệt thòi ấy của chị và thương chị vô cùng. Nên lúc về Việt Nam, anh đã đưa chị đi đăng ký kết hôn và tổ chức một đám cưới nhỏ để chị một lần trong đời được làm cô dâu, được đứng bên cạnh anh vái lậy gia tiên, được cha mẹ chúc phúc.
Trở về Việt Nam, vợ chồng anh dựng một căn lán nhỏ ngay cạnh bìa một khu rừng ở huyện Yên Thế, tỉnh Hà Bắc (nay thuộc Bắc Giang). Ở vùng đất nghèo ấy, kiếm đủ cái ăn là cả một thách thức, nhất là với những người chẳng có nghề nghiệp vốn liếng, cũng chẳng có đất đai như anh chị. Cô con gái thứ hai ra đời lại nay ốm mai đau. Ngồi nói chuyện với chúng tôi, anh chị vẫn rùng mình nhớ về những ngày tháng nghèo khó trong căn lán nhỏ bên bìa rừng đó. Xung quanh đó cơ man nào là rắn rết. Nhiều đêm vợ chồng con cái đang ngủ rắn trườn cả qua người.
Thấy cuộc sống ở Yên Thế khó khăn, anh chị bàn với nhau quay lại Đông Triều quê anh sinh sống. Về đến Đông Triều, anh được người họ hàng cho một mảnh đất ruộng đã không làm từ lâu để làm nơi lập nghiệp. Anh chị lại dựng một căn lán. Chị Tuyền nói với chúng tôi rằng, nếu chúng tôi vào nhà anh chị những năm đó sẽ chỉ thấy trong nhà có một manh chiếu rách và một cái giường mục nát. Mà cái giường đó cũng là của hàng xóm vứt đi, chị thấy thế xin về.
Bắt đầu cuộc sống ở quê cũ với hai bàn tay trắng, anh chị đều dặn nhau phải cố gắng. Sáng chiều, cả anh và chị đi làm thuê, buổi trưa về nhà, chị lại tranh thủ đi lấy rau nấu cám lợn cám gà. Đến tối chị về nấu cơm đợi chồng, ăn cơm xong xuôi, hai vợ chồng lại ra ngoài khu ruộng của mình cùng nhau cuốc đất, cày bừa. Có những đêm trăng sáng, chị trải một cái bao tải cho đứa con gái nhỏ ngồi lăn lê bò toài bên bờ ruộng, còn anh chị thì cứ mải miết cày cày cuốc cuốc tới tận đêm khuya.
Cuộc sống khó khăn không cho phép vợ chồng anh chị lùi bước. Chính bởi nghị lực phi thường ấy mà mười năm về trước anh chị đã được mời tham gia chương trình "Người xây tổ ấm". Giờ đây, ngoài cô con gái đang sống bên Trung Quốc cùng bà nội, anh chị cũng vừa lên chức ông bà ngoại khi con gái thứ hai lấy chồng sinh con. Cậu con trai út đang tuổi đi học, ngoan ngoãn, hiền lành. Chúng tôi rời ngôi nhà ấy với một cảm giác ấm áp và yên lòng khi nghĩ rằng cuối cùng số phận cũng đã thôi thử thách hai con người ấy. Hạnh phúc đã thực sự nảy mầm trong mất mát, khổ đau…
CSTC
.