Đằng sau mỗi vụ án là những cảnh đời với những số phận không giống nhau và những nỗi bất hạnh, cay đắng cũng khác nhau trăm bề. Nhưng lại cùng giống nhau ở một điểm, đó là án mạng xảy ra sau một chuỗi ngày dài, thậm chí dài tới cả chục năm ròng gia đình chiến tranh nóng liên miên. Những người vợ này, trước khi trở thành kẻ sát nhân đều là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Nguyễn Thị Loan khóc ròng suốt phiên xử |
1. Nguyễn Thị Loan (57 tuổi, ở phường Đống Mác, Hai Bà Trưng, Hà Nội) khóc ròng ngay khi bước vào phòng xử án. Giữa mùa đông Hà Nội tê tái lạnh, người đàn bà co ro trong lớp áo khoác dày tối màu, cứ thế ngồi gục xuống, rũ rượi trước vành móng ngựa, nước mắt tuôn rơi. Ở hai hàng ghế đầu tiên, hai người con gái của bị cáo, cũng khóc nức nở ngay khi nhìn thấy mẹ.
Vẫn gương mặt khắc khổ. Vẫn dáng người tiều tụy, xơ xác. Giống hệt như lúc chưa bị bắt. Giống hệt như những ngày Nguyễn Thị Loan tần tảo, lê la khắp vỉa hè để bán hàng kiếm đồng lãi ít ỏi cáng đáng cả gia đình. Nhưng hôm nay, ở tòa, sau gần nửa năm tạm giam, nom Nguyễn Thị Loan u buồn hơn. "Suốt những ngày qua, ở trong trại, tôi ân hận vô cùng", người đàn bà tội lỗi này, đưa tay gạt nước mắt, bắt đầu trả lời thẩm vấn bằng những lời tạ tội với vợ con người chồng hờ đã khuất đang ngồi ở phía dưới, ngay hàng ghế đầu tiên, cách nơi bị cáo đứng rất gần, như thể chỉ với tay là đến.
57 tuổi, đã bước qua đỉnh dốc của cuộc đời, nhưng Nguyễn Thị Loan dường như chưa có một ngày hạnh phúc. Cuộc hôn nhân đầu tiên kết thúc chóng vánh sau những mâu thuẫn không thể giải quyết với chồng, Loan tay trắng ra đi ôm theo đứa con gái lúc đó còn rất nhỏ.
Rồi ít lâu sau, Loan bước lên chuyến đò thứ hai của cuộc đời. Nhưng còn bất hạnh hơn lần đầu, người chồng thứ hai đã nghiện ngập lại còn bồ bịch. Kết thúc cuộc hôn nhân lần này, Nguyễn Thị Loan lại ra đi với tài sản duy nhất là đứa con gái bé bỏng.
Rồi Loan gặp anh Hùng trong một cảnh huống khá đặc biệt. Đó là ở trại giam. Khi ấy, anh Hùng đang thụ án. Nguyễn Thị Loan tình cờ quen khi đến đây thăm nuôi người thân. Suốt những năm anh Hùng thụ án, Loan chăm sóc rất chu đáo kỹ càng. Ra tù, anh Hùng ly hôn vợ để hai người được về sống cùng nhau. Dù lúc đó, kinh tế rất khó khăn. Dù về tuổi tác, anh Hùng kém Loan tới 6 tuổi.
Nhưng những trở ngại ấy không ngăn được tình yêu cháy bỏng giữa hai người. Loan yêu thương và đối xử tốt với con riêng của anh Hùng và anh Hùng cũng yêu thương đứa con gái nhỏ của Loan với người chồng thứ hai như con ruột. Ra tù, trong khi anh Hùng chưa tìm được việc làm thì ở nhà cơm nước. Còn Loan, vẫn tiếp tục bươn bả kiếm sống ở vỉa hè để lấy tiền nuôi cả chồng lẫn đứa con riêng. Tại Cơ quan điều tra, Loan kể, người ta cứ nói ra nói vào về chuyện anh ấy là phi công trẻ, tôi là máy bay bà già nhưng thực sự thì anh ấy rất yêu thương tôi và tôi cũng muốn sống bên anh ấy trọn đời.
Những tưởng từ đây nỗi bất hạnh sẽ lùi lại ở đằng sau cánh cửa. Những tưởng bao truân chuyên của người đàn bà này sẽ trở thành quá vãng. Nhưng không, từ sau khi anh Hùng ra tù thì không hiểu sao cuộc sống bị lệ thuộc vào rượu. Bình thường, anh Hùng rất yêu thương mẹ con Loan và chịu khó làm lụng đỡ đần vợ nhưng cứ rượu vào là Hùng trở nên hung hãn bất thường. Loan và cả đứa con gái riêng đã nhiều lần phải hứng chịu vô khối trận đòn của chồng sau những cơn say rượu triền miên ấy.
Tối ngày 9/6/2012, biết tin người chồng đầu tiên qua đời, Loan rủ anh Hùng đi đám ma. Ban đầu anh Hùng đồng ý. Nhưng đến tối thấy trời mưa to nên anh Hùng lại đổi ý không đèo Loan đi nữa và cũng không muốn cho Loan đi. Nhưng Loan thì nhất mực phải đến phúng viếng "người cũ" vì dù sao thì nghĩa tử cũng là nghĩa tận.
Thấy vậy, anh Hùng chửi bới, đe: "Hôm nay mày đi tao đập chết". Loan lấy điện thoại gọi cho con gái riêng của mình là Vũ Hải Yến nói: "Mày về chở mẹ đi, thằng... giở mặt không chở tao đi nữa".
Nghe vậy, Hùng tát Loan làm rơi điện thoại xuống đất. Hai người tiếp tục xảy ra xô xát. Loan bị Hùng đánh, đá rồi túm tóc đập đầu vào cửa.
Con gái của Loan đến đón mẹ đã chứng kiến Hùng đánh đập mẹ mình vội lao vào can ngăn nhưng không được. Đã bao lần Loan nín nhịn, hứng chịu những trận thượng cẳng chân hạ cẳng tay của chồng. Nhưng lần này, dường như sức chịu đựng đã đi quá giới hạn mất rồi nên Loan chống trả. Vớ được con dao gọt hoa quả ở trên bàn, Loan đã đâm Hùng trong cơn uất ức tột độ. Nhát dao cuồng phong ấy sâu tới 12 cm khiến máu chảy xối xả. Hoảng hốt, Loan cùng con gái riêng vội vàng vã đường vào vết thương để cầm máu rồi gọi xe cấp cứu đưa chồng tới bệnh viện. Song, do vết thương quá nặng anh Hùng đã tử vong ngay sau đó.
Tại tòa, khi được hỏi, bị cáo có nhận thức được hành động phản kháng của mình là tiêu cực và trái pháp luật hay không? Loan chỉ còn biết khóc. Mãi sau, mới nói được thành lời: "Tôi thực lòng muốn chung sống như vợ chồng với anh ấy tới già, chuyện xảy ra quả là đáng tiếc, tôi rất ân hận".
2. Không phải trải qua mấy lần đò như Nguyễn Thị Loan, Đỗ Thị Minh (50 tuổi ở Thanh Oai, Hà Nội) chỉ có ông Nguyễn Trung Hòa là chồng duy nhất. Vợ chồng ở cùng làng, yêu nhau từ thuở tóc còn xanh nhưng mãi đến khi đầu bạc, hai con một trai một gái đã khôn lớn, dựng vợ gả chồng mà những cuộc chiến tranh nóng giữa hai người vẫn mãi chưa kết thúc. Cuộc sống gia đình đối với Đỗ Thị Minh là địa ngục khi mà ông Hòa triền miên say rượu, và hễ cứ say là đánh chửi vợ không thương tiếc. Đàn bà sức yếu, không chống cự được nên đành nhẫn nhục chịu đựng.
Có đận sau những trận đòn thừa sống thiếu chết, Minh sợ quá phải trốn sang ở nhờ nhà họ hàng, mỗi nhà tá túc vài ba ngày vì sợ chồng biết được sẽ tìm đến nơi để đánh. Minh nghẹn ngào kể về cuộc sống gia đình mình trong nước mắt chứa chan. Ở dưới phòng xử, hai người con của bị cáo cũng khóc khi nhìn thấy mẹ đang nức nở trước vành móng ngựa.
Đỗ Thị Minh chắp tay xin gia đình nhà chồng và các con tha thứ.
Trả lời câu hỏi của HĐXX: "Bị chồng bạo hành liên tục trong suốt một quãng thời gian dài như thế, tại sao bị cáo không ly hôn để giải thoát cho bản thân mình?". Đỗ Thị Minh nghẹn ngào khai trước HĐXX mà như quở trách chính mình: "Tại bị cáo dại, bị cáo hèn. Bị cáo cứ nghĩ là thôi thì phận đàn bà, cố gắng chịu đựng đòn chồng để gia đình không đổ vỡ, cho các con lớn khôn có đủ đầy cha mẹ. Nào ngờ ra cơ sự này".
Hồ sơ vụ án cho thấy, do bị bạo hành triền miên, Đỗ Thị Minh đã từng trình báo chính quyền địa phương, nhờ can thiệp. Tuy nhiên, khi chính quyền địa phương tới thì lo sợ chồng bị xử lý, chính Đỗ Thị Minh lại đứng ra xin tha cho chồng.
Bi kịch của Đỗ Thị Minh cũng giống với bi kịch của nhiều phụ nữ nông thôn khác mà bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết ở Bệnh viện Đức Giang, Gia Lâm, người tham gia dự án "Cải thiện chăm sóc y tế đối với nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới" của Sở Y tế Hà Nội, từng ghi nhận. Hàng chục năm làm tư vấn cho những phụ nữ bị bạo hành, ông đã ghi nhật ký cho riêng mình - cả một cuốn sổ dày - về những thân phận mà ông đã gặp:
"Mai, 35 tuổi, cử nhân kinh tế ở Thái Nguyên, bị chồng chém đứt lìa tay trái".
“Minh, 40 tuổi ở Gia Lâm, bị chồng chém vào đốt sống cổ, để lại di chứng tàn tật suốt đời”.
"Mai Thị Liên, 47 tuổi, đã sống trong bạo hành 20 năm. Cẳng chân trái bị chồng đánh gãy 3 lần
Lần này, chồng đưa bạn tình về nhà, do chị Liên không phục vụ chị ta tốt nên bị chồng nhốt và đánh gãy chân lần thứ 4".
"Lan, bị chồng đá vỡ lách, phải truyền 2 lít máu mới cứu sống".
"Minh ở Gia Lâm, bị chồng đuổi ra khỏi nhà, ba mẹ con phải ra điếm canh đê lánh nạn. Ngày trở về nhà bị đánh dập mặt, sưng mắt".
"L, luật sư ở Gia Lâm, bị chồng đánh nhiều lần vì hay đi công tác xa, vì thường sau 19 giờ mới đi làm về, lúc đó mới nấu cơm khiến chồng phải ăn bữa tối muộn".
Nhưng, giống như Đỗ Thị Minh, rất nhiều người vợ bị bạo hành đã im lặng chịu đựng. Hoặc nếu có trình báo chính quyền thì ngay sau đó sẽ lại rút đơn vì sợ người chồng sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết từng kể trong một cuộc trả lời phỏng vấn PV Chuyên đề ANTG rằng, có bà vợ đêm hôm trước bị chồng đánh tóe máu đầu, bầm dập cả chân tay, lê lết mãi mới vào được bệnh viện để cấp cứu. Lúc điều trị tại bệnh viện thì kiên quyết lắm, bảo các bác sĩ phải chứng thương cho em để em làm bằng chứng tố cáo thằng chồng vũ phu ra công an. Nhưng mấy hôm sau khi vết thương đã lành, chị này về nhà thì tình hình lại quay ngoắt 180 độ. Khi nhóm tư vấn của dự án đến nhà, từ xa thấy chị đang ngồi quạt hầu chồng uống rượu. Nhìn thấy chính quyền xã đưa nhóm tư vấn đến, chị này… co cẳng bỏ chạy. Sau này hỏi ra mới biết là chị sợ chính quyền đến xử lý chồng mình.
Sai lầm của Đỗ Thị Minh trước bi kịch của gia đình mình cũng vậy. Không dám ly hôn chồng đã đành nhưng ngay cả việc kêu gọi sự can thiệp của chính quyền địa phương cũng không nốt. Chịu đựng những trận đòn thừa sống thiếu chết của chồng hoặc chạy trốn, lánh nạn sang nhà bà con họ hàng là giải pháp duy nhất của người đàn bà này sau những cơn say xỉn của chồng.
Và rồi, sự nhẫn nhục nào cũng có giới hạn của nó. Giống như con giun xéo lắm cũng quằn, cho đến một ngày, Đỗ Thị Minh vùng lên chống trả. Tiếc thay, lại đi quá ranh giới mà luật pháp cho phép. Dồn nén những uất ức, đắng cay chất chồng của nhiều năm tháng vào những nhát kéo tấn công chồng, Đỗ Thị Minh từ nạn nhân trở thành sát nhân.
Hôm ấy là ngày 29/7/2012, Đỗ Thị Minh đi chợ bán chuối. Quá trưa, tan chợ mới về đến nhà. Giữa hè, trời nắng như đổ lửa, bà muốn vào nhà ăn cơm rồi nghỉ ngơi nhưng không được vì ông Hòa lúc đó đang say xỉn nên vừa nhìn thấy vợ đã chửi, đuổi đi. Uất ức nhưng bà Minh vẫn nín nhịn. Bà bỏ cơm, trải chiếu ra nền nhà ngủ.
Nhưng mãi đến hơn 15 giờ, ông Hòa vẫn chửi bới khiến bà Minh phải lánh sang nhà cô ruột ở gần đó.
Khoảng 20 phút sau, nghe thấy có tiếng đập phá đồ đạc ở nhà mình, bà Minh vội chạy về thì thấy ông Hòa đang cầm búa đinh đập phá cây phơi quần áo ở ngoài sân làm quần áo rơi hết xuống đất.
Bà Minh nhẫn nhịn nhặt đồ lên, van xin chồng đừng đập phá nữa. Vậy nhưng ông Hòa không chịu dừng tay. Ông vào nhà, lấy chiếc đèn dầu trên bàn thờ đem ra sân, đổ dầu vào đống quần áo và châm lửa đốt.
Đỗ Thị Minh chắp tay xin gia đình nhà chồng và các con tha thứ |
Dường như vẫn chưa hả giận, thấy bà Minh đang ngồi gần đó, ông Hòa lao đến đánh đập vợ. Lúc đó bà Minh chỉ biết ôm bụng kêu khóc. Nhưng không còn nhẫn nhục chịu đựng như mọi lần, lần này bà chạy xuống nhà ngang, vớ chiếc kéo vung lên đâm chồng nhiều nhát vào ngực. Dù được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng do vết thương quá nặng, bị thủng gan, mất máu cấp nên ông Hòa đã tử vong. Bà Minh tự mình đến Cơ quan Công an đầu thú và bị bắt giam ngay sau đó.
Ra tòa, bà chắp tay tạ tội với gia đình nhà chồng, với hai con tha thứ cho tội lỗi của bà vì bà, trong cơn uất ức không kìm nén được đã tước đoạt mạng sống của chồng. Con trai, con gái bà, những người cùng sống chung một mái nhà, từng chứng kiến những đau đớn của bà, thương cha nhưng không giận mẹ. Được phát biểu tại tòa, con trai bà xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mẹ, bởi "Bố cháu đã mất rồi, xin HĐXX giảm nhẹ cho mẹ cháu được năm nào chúng cháu sẽ bớt khổ năm đó".
Phiên tòa kết thúc, bà Minh lầm lũi bước đi trên hành lang hun hút dài ra phía cổng. Xe tù đã đợi sẵn để lại quay về trại giam. Bà Minh vẫn khóc. Giống như bà Loan, những người cảnh sát dẫn giải kể, về đến Trại rồi, nước mắt người đàn bà này vẫn chưa thôi rơi. 9 năm tù đối với bà Loan, 7 năm tù đối với bà Minh còn đằng đẵng dài. Giá như những cuộc hôn nhân đau đớn này kịp dừng lại trước giới hạn chịu đựng của mỗi người. Giá như đường ai nấy đi sớm hơn. Thì, biết đâu sẽ không có những vụ án như thế này. Và, như thế, chia ly có khi lại là cứu cánh…
ANTG
.