Ông là Nguyễn Quang Ái (67 tuổi), ở làng Đông Triều, xã Quỳnh Dị, huyện Quỳnh Lưu.
Kỳ nhân làng Đông Triều
Nguyễn Quang Ái sinh ra vốn lành lặn, khỏe mạnh. Thế nhưng, trong một lần đau mắt, do không được chữa trị đến nơi đến chốn, lại không được kiêng cữ đúng cách, đôi mắt cậu bé Ái mờ dần rồi mù hẳn khi chưa thể cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc đời qua đôi mắt. Mất đi đôi mắt nhưng bù lại, Ái có giọng hát trầm ấm, truyền cảm.
Ái thường tự hát cho mình và mọi người trong nhà nghe. Cho đến một lần, đoàn văn công trên tỉnh về làng diễn, Ái nghe tiếng sáo réo rắt gọi bạn nên đã mê mẩn. Nén lòng không được, Ái mạnh dạn mượn người nhạc công chiếc sáo để xem rồi về nhà xin tiền mẹ mua cho mình một cây sáo. Làm quen với âm nhạc bắt đầu từ cây sáo, sau đó bén duyên sang cả đàn bầu, rồi dần chinh phục được các loại nhạc cụ khác như kèn Amonica, nhị, trống, ghi ta và cả đàn ooc-gan.
Năm 20 tuổi, khả năng chơi nhạc của Ái đã vượt ra khỏi cái thôn Đông Triều nhỏ bé, vượt ra khỏi đất Quỳnh Dị và được mời dạy nhạc cụ dân tộc cho các tổ dân ca của các xã lân cận và được mời vào ban nhạc phục vụ tại Đền Cờn. Bố mẹ mất, anh chị em phải lo cho gia đình riêng, Ái bỏ công việc tại ban nhạc phục vụ lễ hội Đền Cờn, bắt đầu cuộc sống mưu sinh bằng tiếng đàn, tiếng hát của mình.
Vợ chồng ông Ái, bà Sáu
Cứ thế, chàng trai mù ấy vác trên vai lỉnh kỉnh những đàn, những sáo bước vào nghề hát rong mưu sinh. Bước chân của Ái đã rong ruổi qua hết các tỉnh Bắc Trung bộ để kiếm kế sinh nhai. Đàn hay, hát giỏi, Ái chẳng bao giờ phải lo đói cơm. Và cũng chính bước đường mưu sinh ấy đã đưa đến cho ông những cuộc tình duyên kỳ lạ.
Chuyện tình với 3 bà vợ
Mù lòa, nghèo khó nhưng âm nhạc đã đưa tâm hồn người đàn ông này thăng hoa cùng với những mối tình rất lãng mạn của mình. Ông Nguyễn Quang Ái kể, trên bước đường mưu sinh bằng nghề hát rong, ông đã gặp và yêu người vợ thứ nhất của mình. Bà là người bình thường như những người phụ nữ khác.
Mến mộ tài năng và cảm thương hoàn cảnh của ông đã chấp nhận “theo không” ông. Không có đám cưới, cũng không có lễ rước rình rang, hai người về ở với nhau trong khốn khó. Ở với nhau được 2 năm, thấy bà không sinh được con, ông giải thoát cho bà đi tìm hạnh phúc mới.
Trong những tháng ngày lang thang lấy âm nhạc làm kế sinh nhai ấy, tiếng đàn, tiếng hát, tiếng sáo nhị của ông đã khiến cho một người đàn bà khác phải lòng anh nghệ sỹ lang thang.
“Bà ấy cũng dân nông thôn thuần chất, thật thà, chất phác. Chúng tôi sống với nhau hạnh phúc tròn 2 năm thì bà ấy bỏ đi. Một sáng thức dậy, tôi không còn nghe tiếng vợ nữa. Biết là người đã ra đi, tình phụ đấy, nhưng tôi cũng không buồn, chỉ thấy xót xa cho số phận của mình và thương vợ hơn”, dõi đôi mắt mờ đục vào cõi xa xăm, người nghệ sỹ mù hoài niệm.
Rồi người phụ nữ thứ 3 đến với ông, chính là vợ ông bây giờ. Khi đó ông cũng đã hơn 40 tuổi, còn bà mới ngoài 30. Bà Sáu quê ở Nông Cống (Thanh Hóa). Số phận bà cũng hẩm hiu. Lấy chồng và có một đứa con gái thì chồng bỏ đi theo một người đàn bà khác. Nghèo khó, bà lưu lạc vào Nghệ An làm thuê để nuôi con.
Lần đó, ông Ái được mời tới đàn hát cho công nhân công trường nghe. “Tôi thương ông ấy mù lòa, cô độc nên muốn gắn bó để san sẻ với nhau. Chính tôi là người ngỏ lời với ông Ái trước”, bà Sáu thật thà tâm sự.
Đón nhận tình cảm mới, trong lòng ông cũng sân siu, nỗi đau phụ rẫy vẫn còn nguyên, chẳng biết rồi bà ấy có bỏ mình đi hay không. Nhưng rồi, bằng lòng thương cảm, hai con người ở tận cùng cái khổ ấy đã đến với nhau. Dù để sống chung dưới một mái nhà, hai ông bà đã gặp rất nhiều trắc trở, nhất là sự phản đối của người thân bà Sáu ở quê.
Cũng cưới nhau, cũng đưa dâu, cũng lại mặt như bao đám cưới của mọi cặp đôi khác. Rồi, hai ông bà đã có với nhau 3 đứa con chung. Bà không muốn ông phải lang thang khắp nơi kiếm kế sinh nhai như trước nên ông bỏ nghề hát rong.
Một ông chồng mù, 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, bà phải chạy vạy đủ nghề để có thể nuôi sống cả gia đình. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, nay con cái đã trưởng thành, có gia đình riêng, căn nhà nhỏ chỉ có ông với bà.
Trước khi chia tay căn nhà tồi tàn nhưng có hai trái tim vàng đúng nghĩa, người đàn bà nhân hậu này còn níu tay tôi tâm sự ruột gan. Rằng, bà đến với ông một phần vì mến mộ tài năng, một phần vì cảm phục nghị lực vươn lên số phận, một phần vì thương cảm cho hoàn cảnh của ông ấy. Mấy chục năm sống với nhau, ông Ái ôm đàn, ôm sáo còn nhiều hơn ôm vợ, ôm con nhưng được sống với nhau trong cõi đời này như thế với bà đã là hạnh phúc, là giàu có hơn mọi người rồi.
Âm nhạc đã trở thành một phần máu thịt không chỉ của chồng, mà bao nhiêu năm làm vợ, làm mẹ, cơ cực trăm bề một mình bà gánh chịu, song âm nhạc cũng đã trở thành một phần không thể thiếu trong chính cuộc đời của người đàn bà nhân hậu, đảm đang này.
Thiên Thảo
.