1. Ga Vinh, một địa danh như bao ga tàu khác chạy dài từ Bắc chí Nam. Trước đây, nhắc đến ga Vinh là nói đến một ổ tệ nạn, với những đại ca giang hồ được nuôi dưỡng và “thành danh”. Sau khi vấn nạn này được dẹp bỏ thì ga Vinh lại được điểm mặt là một điểm đen về ma túy, nơi tụ tập gây rối của các con nghiện có số má trên địa bàn. Tuy nhiên, đó đã là chuyện của quá vãng, khi các cơ quan chức năng vào cuộc khá quyết liệt thì sự yên bình vốn có đã trở lại.
Với đặc thù là nơi tập trung đông dòng người qua lại, khu vực ga Vinh vẫn là điểm đến của dân tứ xứ, đây thực sự là chốn dung thân lý tưởng của lao động từ khắp nơi túa về Vinh mong ước giấc mơ đổi đời. Dông dài một chút để thấy rằng, dù trong bất cứ thời đại nào và với bất cứ tầng lớp nào, chuyện mưu sinh ở khu vực ga Vinh vẫn là giấc mơ dai dẳng. Trong số đó, có chuyện chưa kể về những người bán máu…
Một góc “xóm bán máu”
2. Bán thân, bán thận, bán tóc… dù bán gì đi chăng nữa thì vẫn là việc dứt một phần trên cơ thể ra để đổi lấy bạc tiền. Nhưng nghe cứ kỳ kỳ thế nào ấy khi nói đến bán máu. Tiền nhân bảo, “giọt máu đào hơn ao nước lã”, “máu chảy ruột mềm”, máu là thứ để giám định phận người, lại là thứ không thể thiếu để duy trì sự sống cho mỗi con người. Vậy hà cớ làm sao người ta lại phải đi bán một phần sự sống của mình? Bán chứ không phải “hiến”, “cho”, “tặng” cho người đang cần nó. Tất cả chỉ vì mưu sinh, vì cuộc sống, một khi cơm áo không đùa với khách thơ thì người ta có thể làm bất cứ việc gì, miễn là có tiền.
Những người bán máu, ở đâu thì tôi không dám hồ đồ nhưng ở khu vực ga Vinh, tất thảy đều dân tứ xứ, lao động nghèo, không công việc ổn định, thậm chí cả không sức khỏe nhưng họ vẫn chọn “nghề” này để bám trụ. Đơn giản, nếu buông, họ sẽ chết đói vì không biết làm việc gì khác, điều kiện sức khỏe sau hàng tá lần bán máu cũng không cho phép họ có thể làm bất cứ việc gì. Vòng xoáy số phận cũng cuốn riết lấy những phận người ấy bắt đầu từ đấy, sau lần bán máu đầu tiên.
Chẳng biết tự bao giờ, ở khối 19 phường Đông Vĩnh (TP Vinh) tồn tại cái gọi là xóm bán máu. Cũng như trước đó, chính tại nơi đây đã tồn tại nên những tên gọi hữu danh vô thực, như xóm chạy thận, xóm giang hồ… Chỉ biết rằng, những người bán máu từ khắp Nam chí Bắc đã quần tụ về đây, cùng lập nên xóm cửu vạn này đã lâu lắm, độ vài chục năm trở lại nay. Cùng với thời gian, đội ngũ mưu sinh bằng nghề bán máu cũng giảm dần, có người kiệt quệ sức khỏe theo thời gian nên giải nghệ, có người tuổi già không ai đoái hoài nên hồi hương, chỉ còn sót lại dăm ba chục người bám trụ với nghề một cách lay lắt.
Trong vai một người cần mua máu cho người thân đang điều trị tại một bệnh viện tư trên địa bàn thành phố Vinh, tôi tìm đến xóm bán máu ở khối 19 phường Đông Vĩnh. Gặp một lão bà, tầm 70 tuổi, tên Dục. Khi biết tôi có nhu cầu về máu sống, bà này cho hay, trước đây mình cũng hành nghề này, nhưng đã nghỉ được 2 năm nay.
Anh Tịnh hốc hác gầy mòn vì nhiều lần bán máu mưu sinh |
Tôi đề đạt nguyện vọng cần nhóm máu B, bà dẫn tôi đến nhà anh Tịnh, một người đàn ông có thâm niên hàng chục lần bán máu trong một năm. Nói là nhà cho oách, chứ thực ra đó là một túp lều tạm bợ, dựng lên bên cạnh rất nhiều chỗ tá túc lúp xúp khác, là mái ấm bao năm qua của dân lao động ngụ cư quây tụ về đây hành nghề bán máu.
Quê gốc Ninh Bình, Tịnh rời nơi chôn nhau cắt rốn từ tấm bé, 20 tuổi lấy vợ, sinh được ba đứa con, vợ mất vì căn bệnh bướu cổ. Từ năm 2000 đến nay, anh nuôi con bằng nghề bán máu. Cũng bởi thường xuyên phải rút máu nên trông Tịnh gầy gò, mặt vẩu giơ xương, đôi mắt mở to hốc hác. “Nhưng vẫn phải bán thường xuyên, theo quy định thì không được bán liên tục, nhưng không rút máu thì lấy gì nuôi con. Như tháng vừa rồi, tôi bán tới 2 lần, và nếu tính từ đầu năm đến nay, bản thân đã 8 lần “bán máu”, anh Tịnh hồn nhiên “khoe” chiến tích của mình.
Sát cạnh “nhà” Tịnh là chị Thúy, là chị vợ của Tịnh, cũng sống dựa vào những bịch máu trong cơ thể. Hai vợ chồng Thúy - Tuấn bán máu đã vài chục năm nay, nuôi được cả con ăn học ngoài Hà Nội, đứa sau cũng đang mài đũng quần trên ghế nhà trường từ tiền bán một phần cơ thể của bố mẹ. Còn những anh Chiến, chị Ngọc, bà Hóa… mỗi người một thân phận, một hoàn cảnh, nhưng điểm chung là đều dân ngụ cư, vì cuộc sống cơm áo gạo tiền mà phải bon chen. Đổi lại, tài sản tích cóp được sau hàng chục năm hành nghề chẳng có gì ngoài túp lều che tứ phía, trong nhà không vật dụng nào đáng giá vài ba trăm ngàn.
Cực chẳng đã mới phải kiếm sống bằng nghề này, chứ cũng tủi và bị o ép đủ đường. Mỗi lần bán máu, thường lấy hai bịch, và số tiền được nhận về là 500 ngàn đồng. Nhưng chẳng phải người bán được nhận tất, vì phải có tỷ lệ ăn chia cho bác sỹ trực tiếp lấy máu đó. Vị bác sỹ này, trước đó người có nhu cầu thực sự nếu muốn mua được máu thì phải gặp riêng để “dàn xếp”, luật bất thành văn, nhưng không thể không thực hiện. Nói thế để thấy rằng, trong thương vụ này, kẻ được lợi nhất chính là những lương y khiếm khuyết “từ mẫu”.
3. Trở lại với câu chuyện bán máu của những lao động nghèo ở ga Vinh, trước việc bán máu rất dễ, nay bệnh viện siết chặt quản lý nên việc bán mua cũng khó khăn hơn trước. Cũng không riêng gì các bệnh viện ở TP Vinh, đội quân bán máu này đã nhẵn mặt nên vào đến Hà Tĩnh, ra tận Thanh Hóa. “Vẫn biết là tổn hại sức khỏe, và hậu họa có thể đoán định, như trường hợp của ông Sơn, bà Niêm đã chết vì suy tủy do bán máu quá nhiều, nhưng không bám trụ thì chẳng biết lấy gì để sống”, một người dân xóm bán máu cho biết.
Ở cái xóm ngụ cư lụp xụp cạnh đường tàu cũ này, hiện có khoảng vài ba chục người sống, đa phần họ đều hành nghề bán máu. Cũng bởi vậy mà đến khu vực ga Vinh, hỏi về xóm bán máu, một đứa trẻ cũng có thể chỉ đường. Mấy chục năm nay, những con người ấy với công việc ấy đã làm nên “thương hiệu”, dẫu rằng danh phận họ tạo nên nghe cứ buồn buồn. Lại nhớ đến lời của ông gác chắn barie đường tàu trên đường Lệ Ninh khi tôi hỏi đường về xóm bán máu, rằng muốn mua máu thì đừng báo trước ngày giờ, họ biết sẽ có cách làm loãng máu trước khi bán.
Đem điều này hỏi một “phu máu” ở đây thì nhận được nụ cười cay đắng, rằng thị phi muôn đời vẫn vậy, đến bán máu cũng bị điều tiếng. Nói vậy chứ người này cũng cho biết, đúng là có một số bí kíp có thể làm loãng máu trước khi rút như uống nước chanh, ăn gan lợn, uống bia rượu… nhưng đó chỉ là truyền miệng, dân bán máu, ít khi họ gian dối để trục lợi.
Thiên Thảo
.