Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201209/22955-chuyen-nhung-nguoi-an-com-nha-vac-tu-va-hang-tong-395225/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201209/22955-chuyen-nhung-nguoi-an-com-nha-vac-tu-va-hang-tong-395225/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chuyện những người “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 15/09/2012, 14:00 [GMT+7]
22955

Chuyện những người “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”

Bằng sự kiên trì vượt qua khó khăn, vất vả và sự linh hoạt của mỗi cán bộ và cộng tác viên dân số, nhận thức của từng ngư dân, từng gia đình và cộng đồng dân cư vùng biển Nghệ An về công tác DS-KHHGĐ đã có những chuyển biến rõ rệt. 

Xã vùng biển Quỳnh Phương có 11 xóm, trong đó gần cả xã làm nghề đi biển. Toàn xã có gần 2.000 hộ với trên 8.800 nhân khẩu, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chiếm khá cao với 1.339 chị. Vì vậy, nguy cơ “bùng nổ” dân số luôn rình rập. Tỷ lệ sinh con thứ 3 của Quỳnh Phương vẫn đang ở mức cao, hơn 21%. 
Đối với người dân vùng biển, sinh đẻ nhiều đã trở thành “nếp nghĩ” ăn sâu vào tiềm thức, đẻ con trai để làm kinh tế, nhất là có nhân công đi biển, lớn lên để đỡ đần, chung vai gánh vác việc gia đình. Hơn nữa, dù không nói ra, nhưng ai cũng ngầm hiểu, đẻ thêm, đẻ nhiều để dự phòng lỡ khi biển động sóng to, rủi ro kéo đến...
 
Vì vậy, để tỷ lệ người sinh con thứ 3 giảm 0,7% so với cùng kỳ, có 4 xóm không có người sinh con thứ 3, giảm số cặp vợ chồng vi phạm các chính sách về dân số như hiện nay, chị Tô Thị Mai - cán bộ chuyên trách dân số xã Quỳnh Phương tâm sự, bí quyết đó là phải đi sâu tìm hiểu và nắm vững hoàn cảnh từng gia đình, các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ. Để từ đó có kế hoạch tuyên truyền, vận động chị em thực hiện biện pháp tránh thai một cách hiệu quả.
 
Hơn nữa, làm nghề này khó khăn vất vả lắm, không phải mình nói hay, đi một lần mà người ta nghe liền, mà phải kiên trì lui tới nhiều, tiếp cận nhiều, rủ rỉ tâm sự. Tranh thủ những lúc họp hành, hoặc đến nhà trò chuyện tâm sự nhỏ to, chị em thấy có lòng tin và thấy được điều đúng thì mới tham gia thực hiện.
 
 
Truyền thông KHHGĐ cho phụ nữ vùng biển
 
Trường hợp gia đình chị Hồ Thị Hà ở xóm 6 là một ví dụ, đã có 4 đứa con đều là gái, nên muốn sinh thêm con trai nối dõi. Chị đã nhiều lần đến nhà, kiên trì thuyết phục, đưa ra những bằng chứng cho việc sinh con nhiều sẽ khổ, vất vả như thế nào. Nhiều lần như vậy gia đình chị Hà hiểu ra và đã đồng ý thực hiện biện pháp KHHGĐ.
 
Chị Mai chia sẻ: Để giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, chúng tôi tham mưu đảng ủy, ủy ban lồng ghép trong các cuộc họp của các ban ngành đoàn thể, đi từng ngõ gõ từng nhà để vận động, đồng thời duy trì hoạt động của 2 CLB chăm sóc SKSS, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, lồng ghép vào đó để tuyên truyền các chủ trương chính sách về dân số - KHHGĐ.
 
Đặc thù nghề biển, lênh đênh sông nước, có khi đàn ông trai tráng theo thuyền bám biển vươn khơi cả nửa tháng trời. Phụ nữ thì đầu tắt mặt tối ngược các chợ bán cá, bán muối... nên cán bộ dân số muốn gặp gỡ, tuyên truyền càng khó khăn gấp bội. Để giữ vững mức sinh ổn định, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, đội ngũ làm công tác dân số xã Diễn Thành, đã phải nỗ lực rất nhiều.
 
Các chị em chuyên trách, cộng tác viên ở cơ sở đã không quản đường xa, không kể ngày đêm, lặn lội đến từng nhà, những gia đình đã có hai con trở lên hay sinh con một bề để tuyên truyền, vận động, có khi phải đi đến 2 hoặc 3 lần, thậm chí 10 lần mới gặp được.
 
Chị Phạm Thị Minh, chuyên trách dân số xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu kể: Có trường hợp một gia đình có 3 thế hệ sinh sống. Người con dâu đã sinh 2 cô con gái, tuy không muốn sinh thêm con, nhưng mẹ chồng và chồng đều muốn có thêm con trai để nối nghề đi biển của bố. Anh chồng bắt vợ tháo vòng để sinh. Ban đầu đến nhà, bà mẹ chồng tỏ ra bất hợp tác.
 
Nhưng với phương châm mưa dầm thấm lâu, chị cùng các cộng tác viên dân số xóm đã kiên trì vận động, bằng các kiến thức về dân số giải thích cho gia đình hiểu sinh ít con để nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, gia đình hạnh phúc. Và, đi đến lần thứ 10, chị đã thành công.
 
Chị Minh tâm sự: Công tác dân số đã khó, thì công tác ở xã vùng biển càng gặp khó khăn gấp bội, bởi bà con ngư dân ở đây luôn quan niệm đông con hơn đông của, sinh con trai để đi biển, nên ở các địa phương vùng biển tỷ lệ sinh con thứ ba vẫn tiếp tục gia tăng và số cặp vợ chồng có con thứ 4, thứ 5 thậm chí 6, 7 trở nên phổ biến. Để thay đổi định kiến đó là rất  khó.
Từ năm 2009, triển khai đề án 52 kiểm soát dân số vùng biển đảo, ven biển giai đoạn 2009 - 2020, 5 huyện vùng biển bao gồm Cửa Lò, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và TP Vinh đã được chọn làm chỉ đạo điểm. Thực hiện đề án 52, ba năm qua, công tác dân số ở 5 huyện miền biển trên địa bàn tỉnh ta đã có những bước chuyển tích cực.
 
Các hoạt động giao lưu văn nghệ với chủ đề như: “Công dân biển, sức khỏe biển”, “Những người con của biển”, “Công dân biển hưởng ứng đề án 52”... đã trở thành chiến dịch truyền thông rộng rãi, có sự tác động sâu sắc đến nhận thức và hành vi của công dân biển.
 
Các địa phương đã thành lập được các đội lưu động cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS tại các địa phương miền biển; triển khai các mô hình hỗ trợ, phòng chống bệnh lây qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn... đến 39/39 xã vùng biển. Nhờ đó, đến nay, tại các địa phương miền biển tình trạng gia tăng dân số được kiểm soát, chất lượng dân số được nâng cao.
 
Tuy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song quá trình thực hiện đề án 52 vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nguồn kinh phí hoạt động còn hạn chế, lại chậm trễ ảnh hưởng tới hiệu quả thực hiện chương trình.
 
Ông Nguyễn Ngọc Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm dân số - KHHGĐ huyện Nghi Lộc cho biết: Kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm giao chậm nên hiện tất cả các chương trình hoạt động của Đề án 52 ở vùng biển đang bị gián đoạn. Hơn nữa, hệ thống tổ chức bộ máy của những người làm công tác dân số ở xã chưa ổn định, cán bộ chuyên trách thiếu yên tâm, họ làm trong chờ đợi, 4 năm trời trôi qua mà vẫn chưa giải quyết được chế độ, phụ cấp cho đội ngũ CTV thấp.
 
Để giải quyết tốt vấn đề này, chúng tôi phải tập trung làm tốt công tác truyền thông vận động, để huy động sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương để giải quyết tốt công tác dân số.
Ngày lại ngày cần mẫn bám những làng chài, theo những con thuyền, không quản ngại mưa nắng những cán bộ chuyên trách dân số vùng biển lại đi tuyên truyền, vận động ngư dân làng biển sinh đẻ có kế hoạch để cuộc sống đỡ nghèo nàn, lạc hậu.
 
Vượt qua những khó khăn, vất vả ấy, những người "vác tù và hàng tổng" lại âm thầm cống hiến nhiều hơn nữa, góp phần xây dựng hạnh phúc cho mỗi gia đình và phồn vinh cho quê hương, đất nước...

Hiến Chương
.