1. Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã hội xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân về ý thức chấp hành đầy đủ, nghiêm túc những quy định về đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc; yêu cầu các gia đình động viên con em cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước để hưởng chính sách ưu tiên tái tuyển dụng của phía bạn.
2. Chính quyền các xã, phường, thị trấn không xác nhận hồ sơ và các thủ tục, giấy tờ cần thiết của những lao động đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc khi những lao động này có anh, em ruột thịt đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
3. Đối với những xã, phường, thị trấn có lao động bỏ trốn cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 3 người trở lên thì lao động của địa phương đó sẽ không được tiếp nhận hồ sơ dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép (EPS).
4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc sau khi hoàn thành hợp đồng tìm được việc làm mới thông qua tư vấn giới thiệu tại Hàn Quốc.
Công văn trên đã được các cấp chính quyền thực hiện nghiêm túc nhưng tỷ lệ lao động bỏ trốn vẫn không giảm. Thực tế cho thấy, các giải pháp cần xoay quanh hai vấn đề là xử lý nghiêm lao động bỏ trốn và tạo điều kiện thuận lợi cho lao động về nước đúng hạn trở lại Hàn Quốc. Ngoài việc nước sở tại xử phạt lao động bỏ trốn lên tới 700 triệu đồng và có thể bị phạt tù 12 tháng, Nhà nước ta cũng nên có các chế tài xử lý cứng rắn hơn.
Tọa đàm về xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc
Theo ông Phùng Đức Thuật, cán bộ Phòng Lao động Thương binh và Xã hội thị xã Cửa Lò thì gia đình phải làm đơn cam kết không để con em mình bỏ trốn khi có lao động xuất ngoại, mặt khác nên tạm giữ một phần tiền lương của lao động, khi họ về nước sẽ thanh toán đầy đủ. Khi lao động bỏ trốn cần nhanh chóng thông báo về gia đình và địa phương để có biện pháp tuyên truyền, vận động kịp thời.
Cùng với những giải pháp phòng chống lao động bỏ trốn, UBND tỉnh Nghệ An cùng các cấp chính quyền địa phương đã tổ chức khá nhiều buổi thảo luận, đối thoại xung quanh vấn đề xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc.
Chỉ trong năm 2011, UBND tỉnh đã tổ chức 3 buổi toạ đàm lớn ở Vinh, Cửa Lò và Nghi Lộc. Các buổi toạ đàm đã ghi nhận được nhiều ý kiến từ người lao động hồi hương, người lao động từng bỏ trốn, người nhà của lao động, lãnh đạo các địa phương.
Tất cả các ý kiến đều khẳng định, nếu lao động được bảo đảm quyền lợi sau khi hồi hương thì tình trạng bỏ trốn sẽ chấm dứt. Từ những ý kiến đó, chính sách ưu đãi đối với lao động về nước đúng hạn đã bắt đầu được thực hiện.
Kể từ tháng 7/2012, những lao động về nước đúng hạn sau 3 tháng có thể trở lại Hàn Quốc làm việc thay vì 6 tháng như trước đây. Cũng từ tháng 7/2012, lao động làm việc trung thành với một doanh nghiệp Hàn Quốc trong năm năm đều có thể trở lại lao động trong chính doanh nghiệp đó mà không cần phải trải qua kỳ thi tiếng Hàn hay giáo dục định hướng.
Chính sách này phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của người lao động, đây là sự ưu đãi từ phía Hàn Quốc nhưng nếu thực trạng lao động bỏ trốn không giảm thì chính sách này có thể bị thay đổi.
Ông Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Lao động Nghệ An bỏ trốn đang gây ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu lao động ở địa phương. Hiện nay, lao động vẫn có thể xuất ngoại nhưng có khó khăn hơn. Kỳ thi tiếng Hàn dành cho lao động dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 10 tới. Nhưng nếu thực trạng lao động bỏ trốn diễn ra quá phức tạp thì mọi thứ có thể thay đổi”.
Lao động Nghệ An bỏ trốn tại Hàn Quốc thực sự đang là vấn nạn gây nhức nhối không chỉ cho các cơ quan chức năng mà còn cho những lao động muốn xuất khẩu lao động để làm ăn chân chính. Hi vọng với những chính sách ưu đãi, lao động Nghệ sớm “thức tỉnh” để đảm bảo quyền lợi cho chính bản thân và lao động ở quê nhà.
Ngọc Hùng
.