Thứ Bảy, 27/02/2021, 09:47 [GMT+7]

Giáo dục chỉ là một phần...

Nhiều người có xu hướng bình luận tiêu cực về ngành Giáo dục, đổ lỗi hoàn toàn cho giáo dục về tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội.
 
Những ngày đầu năm, dư luận được phen náo nhiệt với 2 thông tin được đăng tải trên báo điện tử. Thứ nhất là câu chuyện một giáo viên ở Hải Phòng khai man về lịch trình di chuyển sau khi cô về quê chồng ở vùng dịch ăn Tết. Và thứ hai là câu chuyện kèm video clip một nam sinh chửi và tát cô giáo ngay trên bục giảng. Nhiều người có xu hướng bình luận tiêu cực về ngành Giáo dục, đổ lỗi hoàn toàn cho giáo dục về tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội.
 
Đầu tiên, cần phải làm rõ thêm về sự thật của hai câu chuyện này. Vụ việc cô giáo khai man, mọi thông tin đưa ra trên báo chí đều chính xác và cơ quan quản lý tại địa phương cũng đã có những xử lý kịp thời. Còn ở vụ việc nam sinh vô lễ, thực tế đã xảy ra từ tháng 5/2020, đã được xử lý kịp thời, rốt ráo ngay từ thời điểm đó. Và có 2 vấn đề nên được đặt ra ở đây. Thứ nhất, không thể vì một cô giáo có hành vi chưa đúng đắn mà quy kết cả nền Giáo dục. Thứ hai, chuyện cũ rích của nam sinh kia bỗng dưng được moi lại để đăng tải là do đâu, vì mục đích gì?
 
Cả hai đều là biểu hiện của sự xuống cấp đạo đức, đúng như phê phán chung của công luận. Nhưng hành vi moi móc lại chuyện cũ, vốn dĩ đã được xử lý đâu ra đó, để tạo thành luồng dư luận mới có phải là một hành vi không thể hiện sự xuống cấp đạo đức hay không? Giả sử, nếu việc lan truyền thông tin kiểu này có đến từ một sai sót nghiệp vụ đi nữa thì việc chủ thể của hành vi lan truyền không hề có một lời xin lỗi bạn đọc, cũng như đính chính lại cho chuẩn về mặt thông tin, thời điểm, kết quả giải quyết sự việc... cũng là một việc đáng tránh!
 
Mạng xã hội trở thành kênh thông tin bùng nổ, những chửi bới, thoá mạ, bôi nhọ cá nhân vẫn diễn ra hàng ngày, diễn ra thản nhiên. Sự xuống cấp đạo đức gần như trở thành một thứ phổ biến và có nhiều hành vi phi đạo đức bỗng dưng trở thành một tập quán ứng xử bình thường.
 
Nguy hại hơn, cái phi đạo đức ấy lại luôn khoác tấm áo rất đạo đức. Ví dụ cụ thể, câu chuyện của nam sinh (hoặc câu chuyện của giáo viên) kể trên lập tức được quy toàn bộ trách nhiệm cho ngành Giáo dục với những ngôn ngữ nặng nề, nhưng lại nhân danh “đạo đức”. Chưa kể, tinh vi hơn, còn có cả những lồng ghép so sánh khiên cưỡng để thông qua đó biêu rếu cả chế độ.
 
Nói thẳng ra, trong việc đạo đức xã hội xuống cấp như hiện nay, chính từng cá nhân, gia đình đều có phần trách nhiệm rất lớn. Một đứa trẻ không thể trở thành một công dân tốt nếu việc giáo dục hoàn toàn chỉ do nhà trường đảm nhận. Sự phó mặc của phụ huynh, với suy nghĩ kiểu “chúng tôi trả tiền học phí để làm gì?” mới chính là nguyên nhân cơ bản. Rất nhiều đứa trẻ hư là do sự nuông chiều, dung túng của gia đình và chúng mang thái độ “ông hoàng, bà chúa” ấy đến lớp để thể hiện với chính những người thầy của mình.
 
Chúng ta thường có xu hướng học theo văn minh phương Tây trong việc xây dựng một cộng đồng dân chủ, bình đẳng, nhưng chúng ta quên mất rằng giá trị rất cơ bản của xã hội nói chung, đặc biệt Á Đông nói riêng, là sự kính trọng dành cho những người dạy dỗ mình. Dân chủ có thể khiến giáo viên gần học sinh hơn như một người bạn lớn chứ không có nghĩa là học sinh ngang hàng với giáo viên, coi giáo viên như một người cung cấp dịch vụ đơn thuần.
 
Đừng lầm lẫn giữa phê bình với đạp bỏ, rủa xả và càng đừng nên quên rằng, chính mình cũng là một thành phần để tạo nên một xã hội có văn hoá, có giáo dục. Mỗi con người đều phải biết tôn trọng để tự trọng với chính mình.
.

Nguồn: CAND

.