(Congangnhean.vn)-Cho rằng, chủ trương sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) với các trung tâm dạy nghề là không phù hợp, cán bộ, giáo viên tại các đơn vị này tiếp tục có kiến nghị đến UBND tỉnh, đồng thời giãi bày tâm trạng thấp thỏm, lo âu và không an yên trong công việc suốt thời gian qua.
Không đồng tình với chủ trương sáp nhập các trung tâm dạy nghề và TTGDTX (thực hiện theo Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV và Văn bản số 4156/UBND-TH của UBND tỉnh Nghệ An), 74 cán bộ, giáo viên của TTGDTX các huyện, thành phố và thị xã gồm Đô Lương, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nghi Lộc, Vinh và Thái Hòa tiếp tục có “tâm thư” gửi UBND tỉnh và các đơn vị chức năng.
Giờ thực hành tại một trung tâm giáo dục thường xuyên ở Nghệ An |
Được biết, từ trước năm 2015, toàn tỉnh có 19 TTGDTX cấp huyện, do Sở GD&ĐT Nghệ An quản lý. Thực hiện Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTB&XH-BGD&ĐT-BNV (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Nội vụ), các TTGDTX, dạy nghề, kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp được sáp nhập thành Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, do UBND cấp huyện quản lý, Nghệ An đã sáp nhập được 12 trung tâm, còn lại 7 TTGDTX không thực hiện được do không có trường trung cấp. Từ tháng 9/2017, Sở Nội vụ đã ban hành công văn gửi các đơn vị, đề nghị xây dựng dự thảo đề án sáp nhập 7 TTGDTX vào các trường trung cấp nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Thậm chí, cho rằng chủ trương sáp nhập này là bất cập, một số đơn vị đã có công văn đề nghị không thực hiện. Đơn cử, ngày 11/6/2018, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu Hoàng Danh Lai có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở Nội vụ Nghệ An phân tích các căn cứ pháp lý và đề nghị không sáp nhập TTGDTX Quỳnh Lưu với Trường Trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Bắc Nghệ An, mà đề nghị chỉ đổi tên TTDTX thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.
Cũng thời gian này, góp ý cho dự thảo đề án sáp nhập từng TTGDTX vào các trường trung cấp của 7 huyện, thị xã, thành phố kể trên, Sở Tư pháp Nghệ An cho rằng, tại huyện Yên Thành theo Luật không có trường trung cấp công lập thuộc huyện, vì vậy đề án đưa ra không chính xác. Trong khi đó, đối với việc sáp nhập tại TP Vinh, theo Sở Tư pháp Nghệ An thì lý do sáp nhập loại hình trường trung cấp và TTGDTX để gọi tên chung là “Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật và GDTX Vinh” là chưa hợp lý; xây dựng chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy hoạt động… chưa chính xác.
Được biết, 7 trường trung cấp nằm trong diện sáp nhập hiện có 145 biên chế, 132 hợp đồng các loại và 7 TTGDTX có 60 biên chế, 66 hợp đồng các loại. 7 TTGDTX kể trên, năm học 2018 - 2019 có khoảng 2.550 học sinh đang học văn hóa trung học phổ thông. Theo báo cáo, việc sáp nhập sẽ vẫn đảm bảo chế độ, quyền lợi cho cán bộ, giáo viên. Tuy nhiên, do trường trung cấp không có thẩm quyền, chức năng theo quy định của pháp luật để cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Theo Luật, chỉ có văn bằng chứng chỉ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nên nếu sáp nhập, rất có thể số học sinh nói trên không thể có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Ngoài ra, theo các quy định hiện nay, TTGDTX có nhiều chức năng, nhiệm vụ mà trường trung cấp không có hành lang pháp lý để thực hiện như dạy văn hóa, định hướng nghề nghiệp, phát triển hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời…
Mặc dù theo kiến nghị, việc sáp nhập các TTGDTX vào các trường Trung cấp vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, song Sở Nội vụ Nghệ An vẫn tham mưu theo hướng sáp nhập để thành lập Trường Trung cấp giáo dục nghề nghiệp - GDTX trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các chức năng, nhiệm vụ của TTGDTX không bị ảnh hưởng. Sau đó, nếu trường nào hoạt động không hiệu quả, tiếp tục giải thể, sáp nhập vào trường cao đẳng.
Trong khi đó, Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017, phần 3, mục 2.2 nêu rõ: “Sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng; giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả. Về cơ bản, trên địa bàn cấp tỉnh chỉ còn một đầu mối đào tạo nghề công lập. Sáp nhập TTGDTX, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn cấp huyện”. Trong một diễn biến khác, liên quan đến vấn đề này, ngày 12/3/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc sắp xếp, tổ chức và quản lý hiệu quả TTGDTX.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Luật Giáo dục hiện hành quy định: “Hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục chính quy và GDTX” và “mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 1 TTGDTX cấp tỉnh; mỗi huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có 1 TTGDTX cấp huyện”. TTGDTX có chức năng đảm bảo cơ hội được tiếp tục học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, kỹ năng mới đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập; là đầu mối bồi dưỡng giáo viên, thay sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục…
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện đúng các nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, các quy định của pháp luật, không sáp nhập TTGDTX cấp tỉnh, cấp huyện với trường trung cấp hoặc cao đẳng. Các địa phương cần có lộ trình phù hợp để xem xét phương án giao quyền tự chủ cho các TTGDTX theo quy định Nghị định 16/2015/NĐ-CP…
Trước đó, vào ngày 18/1/2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có Công văn số 162/BGDĐT-GDTX về việc thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp với Hội Khuyến học Việt Nam gửi Chủ tịch UBND các tỉnh đã nêu rõ: “Rà soát, đánh giá lại việc sáp nhập các trung tâm công lập cấp huyện để giúp trung tâm này ổn định, hoạt động hiệu quả; không sáp nhập TTGDTX với trường trung cấp trên địa bàn”.
.