Văn hóa - Giáo dục
Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
(Congannghean.vn)-Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức rõ điều này, tỉnh Nghệ An luôn chú trọng tới việc chăm lo xây dựng, phát triển đời sống văn hóa của nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Để cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (TDĐKXDĐSVH) thực sự đi vào cuộc sống và có sức lan tỏa trong nhân dân, ngay sau khi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc ban hành hướng dẫn triển khai cuộc vận động, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo TDĐKXDĐSVH tỉnh đã ban hành nhiều văn bản tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phong trào nhằm phát triển đời sống văn hóa, ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng một số thiết chế - văn hóa thể thao ở cơ sở gắn với các chỉ tiêu cụ thể.
Một trong những nội dung trọng tâm của phong trào TDĐKXDĐSVH là xây dựng gia đình văn hóa, thôn, làng, bản, khối phố văn hóa; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; nông thôn mới... Sự quan tâm chỉ đạo của các ngành, các cấp địa phương và sự hưởng ứng tích cực của người dân đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của phong trào ở cơ sở.
Đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc Nghệ An tưng bừng đón chào ngày Đại đoàn kết dân tộc - Ảnh: Phan Giang |
Đến năm 2015, toàn tỉnh có 617.026/752.471 gia đình văn hóa, đạt 82%; có 3.368/5.898 làng, bản, khối phố văn hóa; 13 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 553 dòng họ đạt “Dòng họ văn hóa” cấp huyện... Nội dung của cuộc vận động gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở cơ sở. Vì vậy, ở lĩnh vực nào cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật, như phong trào thể dục thể thao, xây dựng nông thôn mới, toàn dân bảo vệ ANTQ...
Trong đó, phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ đã ghi nhận nhiều kết quả nổi bật, đặc biệt là trong việc phát huy tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội của nhân dân, góp phần đảm bảo ANTT ở cơ sở. Qua đó, đã phát hiện, bắt 5.750 vụ, 7.270 đối tượng phạm tội liên quan đến ma túy; 7.408 đối tượng đánh bạc, xác định 75 xã phức tạp về ma túy để tham mưu cấp ủy, chính quyền có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn.
Song song với phong trào TDĐKXDĐSVH, sau 20 năm thực hiện cuộc vận động TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư (1995 - 2015), Nghệ An đã khơi dậy tinh thần đoàn kết mạnh mẽ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục, phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống, tạo nhiều sản phẩm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.
Trong đó phải kể đến hiệu quả của cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Toàn tỉnh đã huy động trên 300 tỉ đồng, hỗ trợ xóa nhà tạm cho 250.000 hộ nghèo, hỗ trợ người nghèo vay vốn, từng bước xóa đói giảm nghèo. Nhờ vậy, đến năm 2015, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,5%. Trong cuộc vận động toàn dân xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011 - 2015, đã huy động được 19.000 tỉ đồng, vận động nhân dân hiến 4,3 triệu m2 đất để làm đường giao thông.
Thông qua công tác tuyên truyền, đã vận động nhân dân tích cực thực hiện nếp sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Chất lượng giáo dục ngày càng được quan tâm, số lượng trường chuẩn quốc gia đến năm 2015 tăng lên 65%. Nghệ An luôn nằm trong tốp đầu của cả nước về số lượng học sinh giỏi quốc gia, giành nhiều huy chương trong các kỳ thi khu vực, quốc tế và đỗ đại học với số điểm cao. Toàn tỉnh có 4.800 chi hội khuyến học.
Phong trào TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư đã góp phần tích cực trong việc vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều mô hình như Giáo họ bình yên, đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới; Dòng họ tiêu biểu về ANTT; Đoàn Thanh niên tình nguyện đấu tranh phòng, chống ma túy được thành lập và duy trì có hiệu quả ở các địa phương.
Tính đến nay, ở cơ sở đã có gần 5.000 mô hình tự quản về ANTT. Một trong những hoạt động nổi bật là phong trào đền ơn đáp nghĩa đã huy động được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đóng góp của các nhà hảo tâm và người dân ở mọi miền Tổ quốc; với các hoạt động như chăm sóc, giúp đỡ người có công với cách mạng, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây nhà tình nghĩa...
Bên cạnh đó, cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội cũng đã góp phần bài trừ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, chống lãng phí, tiết kiệm. Nạn tảo hôn, thách cưới ở các vùng nông thôn, dân tộc thiểu số từng bước được hạn chế, giảm thiểu.
Công tác quản lý, tổ chức lễ hội được tăng cường kiểm tra, giám sát, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc giữ gìn, bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa. Các hoạt động lễ hội ngày càng phong phú, nhiều lễ hội dân gian được phục hồi.
Để các phong trào này ngày càng phát triển và có sức lan tỏa, phải kể đến vai trò to lớn của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và nhân dân, nhất là trong việc đánh giá cao vai trò của văn hóa đối với sự phát triển xã hội. Đây là động lực và điều kiện tiên quyết quyết định chất lượng và hiệu quả của phong trào. Nhiều gia đình, làng xã, cơ quan đã trở thành điểm sáng về văn hóa, nhiều điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt được nhân rộng. Phong trào TDĐKXDĐSVH đã thực sự có sức tác động mạnh mẽ, là động lực phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo ANTT và TTATXH trên địa bàn tỉnh.
Huyền Thương