Văn hóa - Giáo dục

Về với làng chèo Lăng Thành

08:24, 12/11/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Làng chèo Lăng Thành (xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) được biết tới như “địa chỉ đỏ” của nghệ thuật hát chèo miền Trung. Về với vùng lúa Yên Thành, hỏi làng chèo Lăng Thành thì già trẻ, gái trai ai cũng biết và có thể kể vanh vách một vài vở chèo họ đã từng được xem.

Xưa, xã Lăng Thành có tên gọi là Quỳ Lăng, vùng đất địa linh nhân kiệt, từ lâu đã nổi tiếng với sự hiếu học, là cái nôi của nghệ thuật hát chèo miền Trung, cũng là nơi sinh ra nhiều nghệ nhân chèo.

Trong ký ức của người dân nơi đây vẫn còn in đậm hình ảnh những nghệ nhân chèo cổ của làng với giọng ca làm xao xuyến lòng người. Giờ đây, trong làng từ những người trẻ đến các cụ già cũng chẳng ai biết làng chèo mình có từ bao giờ.

Men theo con đường làng, chúng tôi tìm gặp ông Đậu Xuân Bách (66 tuổi) ở xóm 3, xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, người có niềm say mê hát chèo từ nhỏ. Ông Bách cho biết: “Từ khi tôi sinh ra đã được nghe ông cha hát những làn điệu chèo làm lay động lòng người. Tôi cũng chỉ nghe người đời truyền lại, làng chèo có từ xa xưa. Ngày còn bé, thấy các anh, các chị tập trung hát chèo, tôi ngồi nghe rồi lẩm bẩm hát theo. Khi bước sang tuổi 20, tôi chính thức gia nhập vào đoàn chèo của làng, đi biểu diễn khắp nơi”.

Ông Bách cùng vợ say sưa hát chèo
Ông Bách cùng vợ say sưa hát chèo

Vào năm 2000, hoạt động của làng chèo Lăng Thành bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Đội chèo theo đó mà tan rã, các hoạt động biểu diễn không còn được duy trì. Vì niềm đam mê với nghệ thuật chèo, không muốn làng chèo bị mai một, bà Hoàng Thị Loan (55 tuổi) ở xóm 7, xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đã cùng với ông Bách đứng lên khởi xướng lại.

Không kể ngày nắng hay mưa, cả hai ông bà đi đến từng nhà mời các anh, chị gia nhập câu lạc bộ chèo. Với sự nhiệt tình, cùng với niềm đam mê chèo của người dân nơi đây, năm 2007, câu lạc bộ chèo được thành lập, với hơn 30 thành viên.

“Trước khi quyết định thành lập câu lạc bộ, tôi không nghĩ lại được mọi người ủng hộ và tham gia nhiệt tình như vậy. Có những người lấy chồng ở xã khác cũng xin gia nhập. Tôi thật sự rất vui mừng và biết rằng quyết định thành lập câu lạc bộ chèo là đúng đắn và có ý nghĩa”, bà Loan chia sẻ.

Theo bà Loan, để thể hiện thành công một vai diễn, ngoài việc đọc, nghiên cứu kỹ kịch bản, người diễn viên phải có niềm đam mê thật sự để nhập tâm, hoá thân vào vai diễn. Giờ đây, đối với bà Loan, chèo đã trở thành liều thuốc tinh thần. Mỗi khi ngân lên những làn điệu chèo, bà cảm thấy mọi mệt nhọc dường như tan biến, tâm hồn cũng thanh thản hơn.

Được thừa hưởng vốn liếng hát chèo từ những người bố, người mẹ vốn là những “diễn viên” chèo của đội chèo Lăng Thành, nên mặc dù đã bước sang tuổi xế chiều nhưng những làn điệu mà ông Bách và bà Loan ngân lên vẫn còn làm say đắm lòng người.

Không chỉ dừng lại ở việc thể hiện thành công các vai diễn, ông Bách còn tham gia viết, dàn dựng các vở chèo. Có thể kể đến như: Hoạt cảnh chèo làm theo pháp luật, Đồi quê yêu dấu, Sáng mãi niềm tin… Với những cống hiến vì sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật chèo, ông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Chiến sỹ văn hóa, được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng và nhiều Bằng khen khác.

Với niềm đam mê những làn điệu chèo mượt mà, thiết tha của bộ môn nghệ thuật giàu truyền thống, những “diễn viên” chèo trong câu lạc bộ làng chèo Lăng Thành đang từng ngày say sưa luyện tập để có thể truyền lại nét sinh hoạt văn hóa này cho các thế hệ cận kề, với mong muốn bảo tồn làng chèo có lịch sử phát triển lâu đời và lưu giữ những điệu chèo trong lòng người nghe.

Đặng Duyên

Các tin khác