Văn hóa - Giáo dục

'Không ép buộc, không cào bằng khoản thu xã hội hóa'

09:15, 06/11/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Đó là chủ trương của ngành giáo dục Nghệ An trước tình trạng lạm thu đầu năm học mới ở một số trường học. Các khoản thu đầu năm học mới luôn là gánh nặng lớn của các phụ huynh, nhất là khoản thu xã hội hóa. Nhiều năm trở lại đây, các trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai công tác vận động xã hội hóa một cách hiệu quả, góp phần tạo chuyển biến cho công tác dạy và học. Tuy nhiên, không ít cơ sở giáo dục vẫn còn “nhập nhèm” trong các khoản thu, tự ý đề ra nhiều khoản thu trái quy định khiến phụ huynh bất bình.

Sau khi nhận được phản ánh của các phụ huynh Trường Tiểu học Nghĩa Xuân 2, huyện Quỳ Hợp về việc nhà trường huy động đóng tiền xã hội hóa mang tính bắt buộc với số tiền lên đến 1.080.000 đồng, lãnh đạo UBND huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã thành lập đoàn thanh tra tiến hành xác minh sự việc trên. Kết quả thanh tra cho thấy, việc triển khai thu tiền xã hội hóa của nhà trường chưa đúng quy trình, còn mang tính bắt buộc, chưa đúng với tinh thần tự nguyện.

  Kết luận của đoàn thanh tra cho thấy, Trường Tiểu học Nghĩa Xuân 2, huyện Quỳ Hợp triển khai việc thu chi chưa đúng quy trình tự nguyện            trên tinh thần ép buộc
Kết luận của đoàn thanh tra cho thấy, Trường Tiểu học Nghĩa Xuân 2, huyện Quỳ Hợp triển khai việc thu chi chưa đúng quy trình tự nguyện trên tinh thần ép buộc

Trước đó, nhà trường đã triển khai thu các khoản phí đầu năm học, gồm tiền bàn ghế, tiền bán trú, tiền học tăng buổi... với tổng số tiền trên 3,4 triệu đồng; trong đó đáng chú ý là khoản thu xã hội hóa 1.080.000 đồng. Sau khi có kết luận thanh tra, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với UBND xã Nghĩa Xuân yêu cầu nhà trường chấm dứt việc thu các khoản thu trên, đồng thời trả lại tiền cho những phụ huynh đã nộp.

Không chỉ riêng Trường Tiểu học Nghĩa Xuân, tình trạng trên còn xảy ra tại một số trường học trên địa bàn Nghệ An đã bị phụ huynh phản ánh... Phải khẳng định rằng, nhiều năm nay, kết quả đạt được trong công tác vận động xã hội hóa ở Nghệ An rất khả quan. Nhiều địa phương đã khảo sát tình hình thực tế để từ đó có kế hoạch, hướng dẫn cụ thể về các khoản thu chi vào đầu năm học mới. Nhiều trường đã đẩy mạnh việc thực hiện vận động xã hội hóa giáo dục theo đúng quy trình, đảm bảo nguyên tắc tự nguyện và công khai. Rất đông phụ huynh có điều kiện về kinh tế đã tự nguyện đóng góp xây dựng trường lớp với số tiền lớn.

Nghị quyết 90 của Chính phủ đã quy định công tác xã hội hóa giáo dục là vận động và tổ chức sự tham gia rộng rãi của nhân dân, của toàn xã hội vào phát triển sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn một số trường tự đề ra các khoản thu ngoài quy định. Qua tìm hiểu, mức thu trung bình tiền học phí, tiền ăn bán trú, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện, tiền nước uống, quỹ cha mẹ học sinh... ở các trường là từ 1 - 4 triệu đồng. Điều mà phần lớn phụ huynh bất bình là nhiều khoản thu được cho là xã hội hóa nhưng lại dưới hình thức bắt buộc, cũng như sự nhập nhằng trong việc thu chi khiến giữa nhà trường và phụ huynh không tìm được “tiếng nói chung”. Thậm chí, đã có một số trường giao trách nhiệm vận động xã hội hóa và chỉ tiêu cho giáo viên chủ nhiệm.

Ngay từ đầu năm học 2015 - 2016, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã xác định công tác chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học là nhiệm vụ trọng tâm. Hàng năm, vào đầu năm học, Sở đã nhận được một số phản ánh của các bậc phụ huynh. Trước thực tế trên, từ tháng 8 vừa qua, Sở đã ban hành công văn hướng dẫn công tác quản lý thu chi đầu năm học; đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc, đồng thời thành lập đoàn thanh tra liên ngành tiến hành kiểm tra thực tế tại tất cả các trường học trên địa bàn.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: “Sở đã yêu cầu các trường triển khai thực hiện đúng và nghiêm túc công văn trên, nhất là thu chi theo quy định, trong đó đặc biệt chú ý tới khoản thu xã hội hóa giáo dục trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc, không định mức, không cào bằng. Trước khi kêu gọi vận động xã hội hóa, nhà trường phải lập kế hoạch các nguồn, liệt kê các danh mục cần xã hội hóa để cấp trên phê duyệt. Trong quá trình thanh, kiểm tra, đơn vị nào thực hiện không đúng quy trình thì sẽ bị xử lý nghiêm, đồng thời gửi trả lại số tiền thu sai quy định cho phụ huynh.

Huyền Thương

Các tin khác