Văn hóa - Giáo dục
Thư viện mở : Mô hình khơi dậy niềm đam mê đọc sách
(Congannghean.vn)-Qua 3 năm triển khai, mô hình “thư viện mở” ở cấp tiểu học trên địa bàn tỉnh thu hút rất nhiều học sinh tìm đến. Cùng với chương trình ngày hội đọc sách, mô hình đã khơi dậy niềm đam mê đọc sách, góp phần hình thành văn hóa đọc trong học sinh.
Hướng đến nền giáo dục toàn diện, chỉ đạo hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, phát triển kỹ năng cho học sinh, 3 năm qua, Sở GD&ĐT Nghệ An đã xây dựng mô hình “thư viện mở” ở bậc tiểu học. Đến nay, đã có khoảng 50% số trường xây dựng thành công mô hình. Ông Trần Thế Sơn, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Ở các trường tiểu học, ngoài tủ sách thư viện chung theo chủ trương của Bộ GD&ĐT thì mỗi trường tự sáng tạo một mô hình thư viện riêng với những tên gọi khác nhau nhưng đều có đặc điểm chung là “thư viện mở”.
Ở huyện Tương Dương, để huy động các nguồn lực xã hội hóa, Phòng GD&ĐT huyện đã vận động phụ huynh mua sách, báo đưa đến lớp cho con em mình. “Góc thư viện của lớp học” ra đời đã thu hút sự tham gia đông đảo của các em học sinh ở vùng miền núi. Sau giờ ra chơi, các em có thể tìm đọc sách ngay tại lớp học của mình. Tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, “thư viện thân thiện” được mở nhằm mục đích hình thành niềm yêu thích, đam mê đọc sách báo trong học sinh, qua đó giúp các em hiểu hơn về bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc.
Nhờ có khuôn viên rộng kết hợp với việc huy động có hiệu quả nguồn lực xã hội hóa, tại các trường tiểu học trên địa bàn huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, “thư viện mở” được xây dựng quy mô hơn. Tại Trường Tiểu học Văn Sơn, mô hình “Thư viện vườn trường” được xây dựng vào năm học 2010 - 2011 với hình thức lạ, trang trí bắt mắt đã tạo được sự hiếu kỳ, khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho học sinh.
“Thư viện vườn trường” tại Trường Tiểu học Văn Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) thu hút nhiều học sinh tham gia |
Tại khuôn viên của trường, 10 tủ sách được bố trí ngay ngắn ngay dưới tán cây xanh, với đủ loại sách từ truyện tranh đến những cuốn sách về khoa học tự nhiên, lịch sử, kỹ năng sống phù hợp với từng lứa tuổi.
Cô giáo Lê Thị Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Vào giờ ra chơi, để đọc sách, thay vì việc học sinh phải lên thư viện trường xuất trình thẻ, ghi chép tài liệu làm mất thời gian, nhà trường đã xây dựng “thư viện vườn trường”, tạo điều kiện thuận lợi để các em dễ dàng và thoải mái hơn trong việc tìm đọc sách, báo, đáp ứng nhu cầu đọc của các em. Tại “thư viện vườn trường”, nhà trường bố trí dãy ghế đá với những bức tranh được treo trên tường, gần gũi với lứa tuổi học sinh. Sách được thay 2 tuần/lần, duy trì từ 30 - 35 cuốn và có sự luân chuyển giữa lớp này với lớp khác trong khối.
Còn tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, Trường Tiểu học Quỳnh Hậu đã vận động học sinh đóng góp sách xây dựng mô hình “thư viện xanh” ngay dưới gốc cây trong sân trường. Hay như tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, một số trường đã đóng tủ sách lưu động có bánh xe để dễ dàng di chuyển trong sân trường và tiện lợi trong cất giữ sách khi mưa gió.
Có thể thấy, những cách làm này đã góp phần khơi dậy niềm đam mê, thích thú đọc sách cho học sinh tiểu học. Ngoài việc trang bị kiến thức toàn diện, thông qua việc đọc sách báo còn giúp các em hình thành, rèn luyện các kỹ năng, góp phần giáo dục toàn diện, tạo nên môi trường thân thiện và tích cực trong các trường học. Điều đó được thể hiện qua những cuộc thi kể chuyện hay ngày hội đọc sách, thu hút nhiều học sinh tham gia.
Tuy nhiên, hiện nay, có một thực tế là ở các trường học, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên quá trình xây dựng các mô hình “thư viện mở” gặp không ít khó khăn, vì vậy, cần huy động từ các nguồn lực xã hội hóa.
Nhìn chung, “thư viện mở” đã đóng góp tích cực vào việc phát triển văn hóa đọc trong học sinh. Nhận thấy hiệu quả từ cách làm này, Nghệ An là 1 trong 15 tỉnh của cả nước được chọn làm thí điểm về xây dựng thư viện và phát triển văn hóa đọc trong trường tiểu học giai đoạn 2016 - 2020.
Phan Tuyết