Văn hóa - Giáo dục
Gánh nặng cho sinh viên nghèo
(Congannghean.vn)-Từ ngày nghe thông tin học phí đại học tăng, chị Nguyễn Thị Nga quê ở xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, có con gái là tân sinh viên Đại học Khoa học Huế đã tạm gác việc ruộng đồng để vào TP Vinh làm giúp việc. Với mức lương 3 triệu đồng/tháng, chị đã cố gắng dành dụm để gửi tiền ăn học cho con. “Ở nông thôn, không phải gia đình nào cũng nuôi được con học đại học. Mỗi tháng, gia đình tôi gửi cho con 2 triệu đồng, bao gồm cả tiền ăn, tiền nhà, phí học tập và sinh hoạt. Giờ học phí tăng nên gánh nặng của vợ chồng tôi càng lớn”, chị Nga chia sẻ.
Không chỉ riêng chị Nga mà hầu hết những gia đình ở nông thôn, hộ nghèo, đối tượng công nhân lao động có con học đại học đều rất lo lắng khi nghe tin Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh tăng mức thu học phí. Với họ, con cái đỗ đại học là cả niềm tự hào, vui sướng nhưng cũng đi liền với bao nỗi lo toan, gánh nặng nuôi con ăn học. Biết bao học trò nghèo phải từ bỏ ước mơ bước chân vào giảng đường đại học vì không có tiền nhập học và trang trải cho 4 năm học.
Trường Đại học Vinh đang tính toán điều chỉnh mức thu học phí phù hợp để không ảnh hưởng lớn đến việc học tập của sinh viên |
Giờ học phí tăng đồng nghĩa với việc gánh nặng đó tăng lên gấp bội. Để đỡ đần bố mẹ, nhiều sinh viên phải đi làm thêm. Hàng ngày, ngoài giờ học chính, em Nguyễn Thị Nhung, quê ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Vinh phải đi làm giúp việc theo giờ. Nhung cho biết: “Mỗi ngày, em làm giúp việc gia đình từ 17 giờ đến 21 giờ, được trả 60.000 đồng/ngày. Nhờ vậy, em có thể đỡ đần bố mẹ phần nào trong việc trang trải các khoản sinh hoạt phí”.
Lần đầu tiên, Nghị định quy định về mức trần đối với các trường tự chủ về kinh phí. Theo mức trần học phí được quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP mới được Chính phủ công bố, bình quân học phí có thể tăng thêm hơn 10%. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/12/2015. Việc tăng học phí sẽ tăng dần và chia đều theo nhóm ngành nghề, dự kiến sẽ từ 610.000 - 880.000 đồng/tháng tùy nhóm ngành nghề. Như vậy, với mỗi năm học kéo dài 10 tháng, mỗi sinh viên sẽ phải đóng từ 6 - 8,8 triệu đồng/năm. Với những trường đại học tự chủ tài chính, học phí đối với nhóm ngành nghề sẽ tăng mạnh.
Theo đó, mức học phí bình quân tối đa chương trình đại trà trình độ đại học hệ chính quy mà các trường được phép thu dao động trong khoảng từ 11,5 - 16 triệu đồng (năm học 2015 - 2016). Mức trần tối đa năm học 2015 - 2016 ở nhóm ngành kinh tế là 17,5 triệu đồng, trong đó có những ngành học cao hơn, như nhóm ngành y dược tối đa phải đóng mức học phí lên tới gần 45 triệu đồng/năm/sinh viên. Với quy định mới này, mức tăng học phí nhóm ngành kinh tế cao gấp 3 lần, nhóm ngành y dược tăng gấp 5 lần so với hiện nay. Trước đó, một số trường đại học, cao đẳng đã tăng mức học phí ngay từ đầu năm học 2015 - 2016.
Ở Nghệ An, những năm qua, học phí của một số trường đại học, cao đẳng đều tăng theo từng năm. Với các trường đại học, cao đẳng do UBND tỉnh quản lý việc thu phí được áp dụng theo Quyết định số 59/2012/QĐ- UBND. Mức học phí với các ngành khoa học xã hội tăng dần từ 365.000 đồng/tháng (năm học 2012 - 2013) lên 430.000 đồng/tháng (năm học 2013 - 2014) và 480.000 đồng/tháng (năm học 2014 - 2015); mức học phí của ngành khoa học tự nhiên tăng từ 420.000 đồng lên 570.000 đồng/tháng. Riêng ngành y dược, học phí của năm học 2012 - 2013 là 500.000 đồng/tháng thì đến năm học 2014 - 2015 tăng lên 700.000 đồng/tháng. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã tiến hành khảo sát và lấy ý kiến ở các trường để thời gian tới xây dựng phương án học phí mới từ bậc mầm non đến bậc đại học trước khi trình HĐND tỉnh.
Từ năm 2007, Chính phủ đã ban hành Quyết định 154/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên để hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, góp phần trang trải chi phí học tập, sinh hoạt của các em trong thời gian theo học tại trường. Mức vốn cho vay tối đa với sinh viên là 1.100.000 đồng/tháng/em. Sau khi Chính phủ điều chỉnh tăng học phí, Bộ Tài chính đang chủ trì xem xét điều chỉnh mức vay và lãi suất cho vay đối với sinh viên. Ngoài điều chỉnh vay và lãi suất cho vay đối với sinh viên, Bộ Tài chính cũng xem xét lãi suất với các dự án đầu tư và các trường đại học.
Huyền Thương