Văn hóa - Giáo dục

Giúp trẻ phát triển tư duy qua đồ chơi tự làm

09:02, 24/10/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trong các trường mầm non, vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ, qua đó trẻ học được những kiến thức, kỹ năng, tiếp thu bài một cách dễ dàng, có hiệu quả; trong đó đồ chơi là phương tiện không thể thiếu. Nắm bắt được tâm lý của trẻ, trong thời gian qua, tại các trường mầm non trên địa bàn tỉnh, các thầy cô giáo đã đẩy mạnh việc sáng tạo các loại đồ dùng, đồ chơi, chuẩn bị nguyên vật liệu để cùng làm với trẻ. Qua đó, giúp trẻ phát huy khả năng tư duy, sáng tạo.

Hiện nay, đồ chơi cho trẻ em được bày bán rộng rãi trên thị trường, tuy nhiên xét về phương diện giáo dục thì phần lớn lại chưa đáp ứng đầy đủ các nhu cầu và mục đích của chương trình dạy học ở bậc mầm non. Bên cạnh đó, việc mua quá nhiều đồ chơi cho trẻ cũng có ảnh hưởng nhất định tới kinh tế của phụ huynh và nhà trường.

Theo số đông các giáo viên mầm non, sau một thời gian, trẻ tỏ ra nhàm chán với các loại đồ chơi mua sẵn, trong khi đó, các đồ chơi do cô giáo tự làm, đặc biệt là việc cô giáo chuẩn bị nguyên vật liệu để trẻ tự làm lại khiến trẻ tỏ ra rất thích thú.

Tự làm đồ chơi với trẻ giúp trẻ phát triển tư duy, sự sáng tạo - Ảnh minh họa
Tự làm đồ chơi với trẻ giúp trẻ phát triển tư duy, sự sáng tạo - Ảnh minh họa

Nắm bắt được tâm lý của trẻ, trong những năm qua, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã vận động các giáo viên sử dụng các phụ, phế phẩm trong sinh hoạt để làm đồ chơi cho trẻ và chuẩn bị nguyên, vật liệu để cùng làm với trẻ. Những loại đồ chơi tự tạo trở nên gần gũi và đáp ứng kịp thời nhu cầu vui chơi của trẻ. Khi được tự tay làm ra sản phẩm, các trẻ sẽ biết trân trọng thành quả do mình sáng tạo và bỏ công sức, điều này hoàn toàn khác khi trẻ tiếp cận với các đồ chơi mua sẵn. Đây được coi là một trong những hình thức dạy trẻ biết quý trọng sức lao động ngay khi còn bé.

Tuy nhiên, để trẻ phát huy tối đa khả năng tư duy, sáng tạo thì đòi hỏi giáo viên phải nắm bắt được tâm lý, nguyện vọng của từng trẻ, phải bỏ thời gian tìm tòi những đồ dùng sinh hoạt, nguyên vật liệu có thể làm đồ chơi để cùng làm với trẻ. Trẻ ở các độ tuổi khác nhau thì sẽ có khả năng tư duy, sáng tạo, cũng như sở thích khác nhau. Chính vì vậy, các giáo viên cần phải chủ động, linh hoạt trong việc chọn lựa đồ chơi cho trẻ đảm bảo phù hợp với độ tuổi và đặc thù của từng cháu.

Điều 23 Luật Giáo dục năm 2005 yêu cầu về nội dung và phương pháp giáo dục mầm non cũng nhấn mạnh: Phương pháp giáo dục mầm non chủ yếu là thông qua việc tổ chức các hoạt động vui chơi để giúp trẻ phát triển toàn diện. Để trẻ chơi tốt thì phải có đồ dùng, đồ chơi đáp ứng cho trẻ; ngoài nguồn đồ chơi do giáo viên cung cấp thì đồ dùng, đồ chơi do trẻ tạo ra cũng vô cùng đa dạng và phong phú.

Việc sáng tạo đồ dùng, đồ chơi có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển tâm sinh lý, trí tuệ, thể lực, tình cảm, thẩm mỹ và góp phần vào quá trình hình thành nhân cách trẻ thơ. Quá trình trẻ chơi với đồ chơi tự làm giúp trẻ khám phá các đặc điểm, thuộc tính của đồ chơi, qua đó giúp trẻ hình thành sự chú ý và ghi nhớ có chủ định, góp phần vào sự phát triển trí tuệ, tích lũy các biểu tượng là cơ sở cho hoạt động tư duy, tưởng tượng, sáng tạo.

Thông qua việc tiếp cận với đồ chơi, giới thiệu về mô hình mà trẻ tự làm sẽ giúp trẻ học được cách giao tiếp. Ngoài ra, đồ chơi tự làm còn giúp phát triển thể lực, sức khỏe cho trẻ. Vì trong quá trình làm ra và chơi với các loại đồ chơi tự chế, sẽ thúc đẩy hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, hình thành trạng thái vui vẻ, sảng khoái. Không chỉ vậy, hoạt động này còn góp phần quan trọng đối với sự phát triển toàn diện về nhân cách của trẻ.

Tự làm đồ chơi vừa là nội dung, vừa là phương tiện giáo dục thẩm mỹ, phát triển thẩm mỹ có hiệu quả cho trẻ ở bậc học mầm non. Ngoài ra, quá trình làm đồ chơi còn giúp trẻ hình thành, phát triển ngôn ngữ. Không chỉ vậy, việc sáng tạo đồ dùng, đồ chơi giúp giáo viên mầm non thực hiện tốt các mục tiêu, nội dung cũng như phương pháp giáo dục trẻ thông qua giáo cụ trực quan cũng như tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ theo chương trình giáo dục mầm non qua phong trào “học mà chơi, chơi mà học”.

Đặng Duyên

Các tin khác