Văn hóa - Giáo dục

Những cô giáo trẻ miệt mài gieo chữ nơi vùng cao

08:51, 17/10/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Những cô giáo chỉ mới ngoài đôi mươi, vừa ra trường đã phải  trèo đèo, lội suối tìm đường vào bản nhận công tác. Ở nơi mà cuộc sống của người dân quanh năm đói nghèo, không có cái ăn, sự học còn vô vàn gian nan. Khó khăn chồng chất nhưng các thầy cô vẫn thầm lặng, miệt mài bám trường, bám lớp để gieo chữ nơi bản nghèo.

Điểm Trường Tiểu học Lượng Minh ở bản Minh Tiến tập trung học sinh người dân tộc Thái và Khơ Mú ở 4 bản: Minh Tiến, Đửa, Minh Thành và Chăm Puông. Đây là 4 bản thuộc diện khó khăn nhất của xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. Cách đây vài tháng, khi con đường mới chưa được thi công, muốn vào bản, phải vượt 2 khe suối, nhưng nay quãng đường đó đã giảm đi một nửa, mặc dù vẫn rất khó khăn trong việc đi lại. Đã hơn 5 năm cắm bản nhưng mỗi lần đi qua suối, cô giáo Nguyễn Phương Thanh vẫn không khỏi sợ hãi. Quãng đường từ nhà cô ở Cửa Rào (xã Lượng Minh) đến trường là 50 km và phải vượt qua một con suối. Hàng ngày, cô chạy xe cả đi lẫn về 100 km. Sáng dậy từ lúc 5 giờ vào trường dạy học, khi về đến nhà thì trời đã tối mịt, có những hôm thời tiết xấu, cô phải ở lại trường.

 Bố mẹ học sinh phải thuê thuyền chở các con vượt 17 km lòng hồ để đến điểm trường Xốp Cháo
Bố mẹ học sinh phải thuê thuyền chở các con vượt 17 km lòng hồ để đến điểm trường Xốp Cháo

Theo chân cô giáo Thanh, cô chỉ cho chúng tôi chỗ cô từng bị rơi xuống suối. Đó là vào ngày đầu tiên cô đi dạy, trên đường từ trường về nhà, vì không biết đường, lại đi một mình vào hôm nước suối lên cao, đường trơn nên cả người và xe máy trượt ngã xuống suối. Cô Thanh nhớ lại: “Khi đó, tôi chỉ biết ngồi khóc, vì nghĩ cảnh thân gái một mình, không có ai giúp đỡ. Lúc đó tôi đã nghĩ tới việc xin chuyển trường”. Thế nhưng, tình yêu với bản làng và học sinh nơi đây đã giúp cô vượt qua mọi khó khăn. Đến nay, đã tròn 5 năm kể từ ngày cô gắn bó với bản, nơi đây trở thành ngôi nhà thứ hai của cô, với lũ trẻ được xem như những đứa con của mình.

Cô Thanh là giáo viên dạy môn Mỹ thuật của Trường Tiểu học Lượng Minh, được phân công dạy 9 lớp ở 7 vùng. Trước đây, Trường có 2 giáo viên dạy Mỹ thuật nhưng nay chỉ còn một mình cô nên công việc lại thêm phần vất vả. Vì địa hình phức tạp, cách trở, đi lại khó khăn nên các thầy cô dạy học theo kiểu “cuốn chiếu”, nghĩa là khi đã hoàn thành chương trình dạy tại bản này thì lại đến bản khác.

Vì bản chưa có điện nên  mỗi tối, cô Thanh phải dùng đèn pin để soạn bài
Vì bản chưa có điện nên mỗi tối, cô Thanh phải dùng đèn pin để soạn bài

“Các em không hiểu tiếng Kinh, đọc chưa thông thạo nên việc tiếp thu còn hạn chế. Đặc biệt, môn học Mỹ thuật phải sử dụng các từ ngữ chuyên ngành nên các em gần như không hiểu, vì vậy, tôi phải cố gắng diễn tả để các em hiểu và làm theo yêu cầu”, cô Thanh chia sẻ. Ở những vùng sâu, vùng xa này, học sinh đi học đã là một điều khó khăn, đó là chưa kể tới việc mua sắm sách vở, đồ dùng học tập. Thế nên, không chỉ cô Thanh mà mỗi tháng, các thầy cô đều trích tiền lương để mua sách vở, đồ dùng thiết yếu cho học sinh. Nếu phụ huynh có tiền thì gửi trả lại cho cô giáo, còn nếu không thầy cô cũng không yêu cầu trả lại.

Rời bản Minh Tiến, chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình vượt núi, vượt lòng hồ thủy điện với quãng đường hơn 17 km và 2 km đường rừng để vào bản Xốp Cháo. Cuộc sống của đồng bào Khơ Mú nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của con chữ, với hy vọng mong các con có cuộc sống no đủ hơn. Vào đầu tuần, những ông bố thuê thuyền từ bờ hồ cho con vào trường và mang theo cả gạo, thức ăn. Bản Xốp Cháo, Cà Moong vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ nằm tách biệt và như bị cô lập với thế giới bên ngoài: Không điện lưới, không sóng điện thoại, không có đường. Mỗi khi lũ về, mưa lớn, nước suối dâng cao, điểm trường Xốp Cháo, Trường Tiểu học xã Lượng Minh bị nhấn chìm trong biển nước.

Điểm Trường này có 3 lớp, trong đó có cả lớp ghép, gồm 3 thầy cô giáo. Trong đó có cô giáo duy nhất là Cụt Thị Xáo (SN 1994), giáo viên dạy lớp 2 vừa nhận công tác cách đây hơn 1 tháng. Nhà cô Xáo ở bản Côi, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, nhà trường đã tạo điều kiện cho cô công tác ở gần nhà chồng. Chồng cô là Công an viên xã Lượng Minh, làm việc ở trung tâm xã, cứ 2 tuần mới về nhà một lần. Vì vậy, vừa đi dạy, cô phải đảm nhiệm cả việc chăm lo con cái, phụng dưỡng bố mẹ chồng thay cho chồng. “Ở trường này, có thầy đã cắm bản 30 năm. Tôi mới về nhận công tác, lại được ở gần nhà thế này là quá tốt rồi. Vì còn trẻ nên còn nhiều điều tôi phải học hỏi đồng nghiệp đi trước, nhất là phương pháp dạy để học sinh có thể tiếp thu một cách dễ dàng và nhanh nhất”, cô Xáo tâm sự.

Không chỉ Xốp Cháo, Minh Tiến mà còn nhiều bản nữa ở xã Lượng Minh chưa có điện, vì vậy, các thầy cô giáo phải dùng đèn pin để soạn bài. Trong những căn lều xiêu vẹo, trống hơ trống hoác, ngoài mấy thanh gỗ được đóng tạm vào lều dùng làm giá sách và chiếc tủ đựng quần áo thì chẳng có thứ gì đáng giá. Mặc cho những cơn gió lạnh đầu đông rít qua khe cửa, họ vẫn lặng lẽ, miệt mài bên trang giáo án. Dù còn nhiều khó khăn nhưng tôi tin rồi đây, trên mảnh đất này, sẽ có nhiều đứa trẻ trưởng thành và trở về quê cống hiến, tiếp tục gieo chữ, gieo cả những ước mơ tươi sáng để bản bớt nghèo, bớt khổ; như cô Xáo, cô Thanh. Bởi nơi đây, có những thầy cô đang thầm lặng hy sinh, miệt mài thắp sáng niềm tin con chữ cho những học sinh nghèo.

Huyền Thương

Các tin khác