Văn hóa - Giáo dục

Gian nan vận động học sinh Đan Lai trở lại trường

10:19, 08/10/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Vào năm học mới 2015 - 2016, theo kết quả điều tra dân số và phổ cập tiểu học, Trường THCS Môn Sơn, huyện Con Cuông có 439 học sinh, trong đó có 88 học sinh người dân tộc Đan Lai. Thế nhưng, dù đã nhập học được gần 1 tháng nhưng hiện nay vẫn còn 15 học sinh Đan Lai chưa đi học. Câu chuyện học sinh bỏ trường, bỏ lớp sau kỳ nghỉ Tết và đầu năm học mới năm nào cũng tái diễn dù cho chính quyền địa phương và nhà trường đã ra sức vận động.

Thầy Nguyễn Văn Hào, Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn vào bản, đến từng nhà vận động học sinh tới trường
Thầy Nguyễn Văn Hào, Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn vào bản, đến từng nhà vận động học sinh tới trường

Chưa có năm học nào mà học sinh Đan Lai nhập trường đầy đủ, có năm vắng đến vài chục học sinh. Năm nay, trường có 88 học sinh người Đan Lai, trong đó có 18 em ở hai bản tái định cư gần trung tâm xã, còn lại 55 em ở hai bản xa nhất là Cò Phạt và Khe Búng cách trung tâm xã hơn 30 km. 15 học sinh chưa đi học đều là con em của 2 bản này.

Nhà cách xa trường, đường tới trường lại vô cùng gian nan, phải băng đèo, lội suối, cộng với việc gia đình không đồng ý nên sau mỗi kỳ nghỉ, các em lại nghỉ học. Trước thềm năm học mới, các thầy cô đã chia làm 2 nhóm trèo đèo, lội suối vận động học sinh Đan Lai trở lại lớp học. Chính quyền xã Môn Sơn cũng cử một đoàn công tác vào từng bản, từng nhà vận động, thuyết phục từng gia đình, thế nhưng kết quả không mấy khả quan.

Thầy Nguyễn Văn Hào, Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn cho biết: Chính quyền và nhà trường rất quan tâm và tạo mọi điều kiện để các em nhập học. Cho đến nay, các đoàn đã 3 lần vào bản vận động, thuyết phục những gia đình có con trong độ tuổi đi học đến trường. Thậm chí các thầy còn theo phụ huynh lên rẫy, vào rừng nhưng vẫn không vận động được phụ huynh cho con em trở lại trường học.

Người Đan Lai có trên 1.000 hộ với hơn 3.000 khẩu, sống rải rác ở đầu các con khe, con suối trong khu vực Vườn quốc gia Pù Mát, ở các xã Thạch Ngàn, Môn Sơn, huyện Con Cuông... Do phong tục tập quán lạc hậu nên họ dựng vợ, gả chồng cho con cái từ rất sớm, vì vậy, việc học hành thường bị lỡ dở.

Để đảm bảo kế hoạch năm học 2015 - 2016, nhất là giảm thiểu tình trạng học sinh Đan Lai bậc THCS bỏ học, ngay từ đầu tháng 8, chính quyền địa phương đã giao cho các đoàn thể phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo và các trường Trung học cơ sở Môn Sơn, Châu Khê, Lục Dạ, Thạch Ngàn... tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động học sinh đến trường.

Sau mỗi chuyến vượt núi vào bản, thầy cô lại nặng trĩu những tâm tư, bởi không ít học sinh sẽ không bao giờ quay trở lại trường học. Nhận thức hạn chế cùng với phong tục tập quán lạc hậu khiến nhiều học sinh Đan Lai, đặc biệt là các em nữ bỏ học từ rất sớm.

Trong số học sinh Đan Lai trở lại trường năm nay, nhà trường vẫn chưa thực sự yên tâm bởi nguy cơ các em nghỉ học giữa chừng là rất cao. Sau 3 lần vào tận nơi nhưng vẫn chưa thể vận động hết học sinh Đan Lai trong độ tuổi đi học trở lại trường, tổ công tác đã phải gửi danh sách cho đồn biên phòng hoặc cán bộ bản để tiếp tục vận động.

Mặc khác, tìm cách nhắn với phụ huynh để các em không bỏ lỡ một năm học. Tuy nhiên, mấy ngày qua, tại Con Cuông mưa lớn kéo dài, nước suối dâng cao khiến đường vào Khe Búng, Cò Phạt gần như bị chia cắt. Con đường trở lại trường của các em lại càng xa hơn.

Thầy Hào cho biết thêm: “Để giữ được học sinh, ngoài việc đảm bảo các chế độ hỗ trợ của Nhà nước, các giáo viên phải vận động các nguồn hỗ trợ hoặc tự bỏ tiền mua cặp sách mới, dép, quần áo cho học trò. Với học sinh Đan Lai, giáo viên phải hết sức mềm mỏng vì nếu không vừa lòng, các em sẽ nghỉ học ngay.

Đối với các em còn ở trong bản, bất kỳ lúc nào các em quay trở lại trường, chúng tôi cũng sẽ sắp xếp lớp, đồng thời cắt cử giáo viên bổ túc phần kiến thức bị hổng cho các em”. Nhiều chính sách hỗ trợ, nhiều quan tâm, trăn trở của giáo viên dành cho học sinh Đan Lai là vậy nhưng xem ra cuộc vận động các em đến trường vẫn còn lắm gian nan.

Huyền Thương

Các tin khác