Văn hóa - Giáo dục
Bộn bề những khó khăn
(Congannghean.vn)- Năm học 2015 - 2016, ngành giáo dục mầm non (GDMN) quyết tâm hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Nhiệm vụ này được triển khai thực hiện đúng với tinh thần của Quyết định 239 của Thủ tướng Chính phủ, phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi sẽ hoàn thành trong giai đoạn 5 năm (2010 - 2015).
Tuy nhiên, đến thời điểm này, tại Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung vẫn gặp bộn bề khó khăn, cần sớm khắc phục để “về đích”.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn trong phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. |
Có thể thấy, Đề án 239 của Bộ GD&ĐT về phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho bậc học này. Sau khi Đề án được đưa ra, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định 63 về việc phê duyệt Đề án phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 - 2015 với mục tiêu toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015.
Để thực hiện có hiệu quả Đề án, Sở GD&ĐT Nghệ An đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, gia đình và cộng đồng xã hội liên quan đến vấn đề này. Trên cơ sở đó, các huyện, thành phố, thị xã đưa mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi vào nghị quyết phát triển kinh tế, chính trị, xã hội để đề ra kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Với những giải pháp cụ thể, thiết thực, những năm qua, cơ sở vật chất, đồ dùng học tập và đồ chơi cho trẻ tại các trường mầm non đã được đầu tư, quy mô trường lớp cũng được mở rộng.
Toàn tỉnh hiện có 524 trường mầm non, tăng 16 trường, tăng 125 lớp trẻ 5 tuổi so với năm 2011. Theo thống kê, tính đến thời điểm tháng 1/2015, toàn tỉnh có 16/21 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi đạt tỉ lệ 76,2% đến tháng 6/2015; có 431/480 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi đạt tỉ lệ 89,8%.
Ban chỉ đạo cấp tỉnh sẽ kiểm tra, công nhận mới 5 đơn vị còn lại là Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, TX Hoàng Mai và kiểm tra 16 đơn vị đã đạt chuẩn, đồng thời tiếp tục tham mưu, chỉ đạo để phấn đấu đạt mục tiêu toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, Nghệ An là một trong những tỉnh phải đối mặt với bộn bề khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi vì nhiều yếu tố khách quan.
Đơn cử như, địa hình miền núi phức tạp, điều kiện đi lại khó khăn, có nhiều điểm trường nên tại một số bản xa trung tâm, số lượng cháu 5 tuổi ít nên không thể tổ chức lớp mẫu giáo. Bên cạnh đó, nhiều trường ở thành phố, các thị trấn và một số nơi đông dân cư, do số lượng trẻ ở độ tuổi này tăng nhanh đã dẫn đến tình trạng quá tải, sĩ số trẻ của lớp vượt mức quy định (40 - 45 cháu/lớp), ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Hiện nay, định biên về cán bộ quản lý, giáo viên/lớp và nhân viên phục vụ chưa đảm bảo. Cả tỉnh vẫn còn hơn 500 lớp ghép 2 - 3 độ tuổi, tỉ lệ giáo viên chưa đảm bảo theo quy định của lớp bán trú đã ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục và phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.
Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, tính từ tháng 1/2015, toàn tỉnh có 411/524 trường có nhân viên y tế, thiếu 113 người; kế toán 516/524, thiếu 8 người; nhân viên nấu ăn chủ yếu thuê khoán, mức lương không cao, chưa đảm bảo số lượng theo quy định.
Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất các trường mầm non còn nhiều hạn chế, hệ thống lớp học, thiết bị chưa đáp ứng nhu cầu học tập và các mục tiêu phổ cập, nhất là ở một số trường vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, vẫn còn 143 phòng học tạm mượn dành cho trẻ 5 tuổi và 168 lớp thiếu thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phần lớn là các lớp ghép 2 - 3 độ tuổi, tập trung tại các huyện vùng cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong.
Để thực hiện đúng lộ trình đã đề ra, tại cuộc làm việc với Sở GD&ĐT Nghệ An, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh đã ghi nhận những nỗ lực của Sở GD&ĐT trong công tác tham mưu, phối hợp chỉ đạo thực hiện đề án phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.
Ban Văn hóa - Xã hội cũng đề nghị Sở tiếp tục phát huy vai trò cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phổ cập cấp tỉnh, tham mưu cho tỉnh về giải pháp chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ sở vật chất, tỉ lệ giáo viên theo định biên, đảm bảo công tác phổ cập bền vững.
Phan Tuyết