Văn hóa - Giáo dục
Mang dân ca ví, giặm đến với đồng bào vùng cao
(Congannghean.vn)-Hàng năm, đoàn nghệ thuật Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ tổ chức 4 chuyến lưu diễn phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa. Những chuyến đi cả tháng trời, anh em nghệ sỹ băng đèo, lội suối vào bản cùng ăn, cùng ngủ với đồng bào. Ở những nơi chưa có điện chiếu sáng, phải sử dụng máy nổ, sân khấu dựng đơn sơ nhưng hễ nghe thông báo có đoàn văn công về biểu diễn, cả bản lại kéo nhau đi xem, ngồi chật kín không còn chỗ trống. Sự chào đón nồng nhiệt và tình yêu của đồng bào với dân ca cũng như anh chị em trong đoàn là động lực tinh thần to lớn để các nghệ sỹ tiếp tục cống hiến.
Chúng tôi đến Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ khi các nghệ sỹ đoàn dân ca truyền thống đang tập luyện các tiết mục để chuẩn bị cho chuyến lưu diễn ở Thái Lan. Họ vừa kết thúc chuyến biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa ở 2 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương cách đây 3 ngày.
Nghệ sỹ ưu tú Hồng Dương cho biết: Những ngày mùa thu lịch sử, hòa chung với không khí cả nước chào mừng Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, được sự chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ban giám đốc Trung tâm, 2 đoàn nghệ thuật đã có chuyến biểu diễn ở những vùng sâu, vùng xa. Một năm, đoàn có 40 buổi biểu diễn phục vụ đồng bào vùng xa. Mỗi chuyến đi kéo dài cả tháng trời, không thể kể hết những khó khăn của đoàn nhưng đi đến đâu, anh chị em cũng nhận được sự chào đón nồng nhiệt của bà con và hơn hết, đó là tình yêu đối với dân ca ví, giặm.
Những buổi lưu diễn của các đoàn nghệ thuật luôn là bữa tiệc văn hóa đối với đồng bào vùng sâu vùng xa |
Chuyến đi vừa rồi, đoàn dân ca truyền thống đi vào tận trong bản các xã Nậm Cắn, Mỹ Lý, Huồi Tụ rồi lên Mai Sơn, Nhôn Mai, Hữu Khuông... của huyện Kỳ Sơn. Đoàn có 30 người, mang theo các dụng cụ, đạo cụ, trang phục và hành lý lên xe. Vào bản, vì đường sá không thuận lợi nên phải gửi xe ở ngoài trung tâm xã. Vào đến nơi, mọi người đều mệt lử. Các bản nằm cách xa trung tâm nên phải băng đèo, lội suối. Đến những nơi sông suối, nước lên đến hơn nửa người, các nghệ sỹ nam vận chuyển đồ sang trước rồi quay trở lại cõng chị em.
Nghệ sỹ Việt Anh cho biết: “Các anh đi diễn xa nhà cả tháng thì không sao nhưng với chị em chúng tôi, trước mỗi chuyến đi đều phải lo liệu đồ ăn, mọi thứ ở nhà và cả thuốc thang phòng khi con ốm đau, nhiều người có con nhỏ thì gửi cho ông bà trông. Vào những nơi không có điện và sóng điện thoại, không liên lạc được về nhà nên lúc nào lòng cũng thấp thỏm, lo lắng. Mới đây, đoàn phải đi cả ngày trời để vào khu vực lòng hồ thủy điện biểu diễn. Lúc đó, chị trong đoàn nhận được tin người nhà mất nhưng cũng không thể về được. Khó khăn là vậy nhưng chúng tôi cũng chỉ biết động viên nhau để biểu diễn phục vụ bà con, lấy tình cảm của khán giả làm niềm hạnh phúc”.
Tại mỗi điểm, đoàn lưu lại nửa ngày. Chiều vào đến bản, các anh em lo dựng sân khấu, còn chị em phụ trách nấu cơm, lo việc hậu cần, nếu có chợ phiên thì ra chợ mua thức ăn, nếu không lại phải sử dụng đến thức ăn khô đã chuẩn bị từ trước. 19 giờ 30 phút, buổi biểu diễn mới bắt đầu, nhưng từ 17 giờ, bà con đã đùm cơm mang theo đến để kiếm chỗ. Có người còn chuẩn bị cả hoa rừng để tặng cho các nghệ sỹ. Hầu hết ở các bản này đều chưa có điện nên phải sử dụng máy nổ, sân khấu dựng đơn sơ giữa núi rừng nhưng lúc nào cũng chật kín người.
“Mỗi vùng đều có làn điệu dân ca riêng, đồng bào Thái có dân ca Thái... nhưng họ đến xem biểu diễn rất say sưa, chăm chú. Có nhiều người không hiểu tiếng Kinh và ngôn ngữ dân ca nên chúng tôi phải diễn bằng hành động, ngôn ngữ nghệ thuật và phương pháp sân khấu để họ dễ hiểu. Dù không hiểu tiếng Kinh nhưng họ lại rất am hiểu nghệ thuật và yêu dân ca”, NSƯT Hồng Dương chia sẻ. Mỗi chuyến đi như vậy lại đầy ắp kỷ niệm, đó là những lần cùng ăn, cùng ngủ với dân bản, cùng quây quần bên chum rượu cần. Để rồi mỗi khi ra về, mọi người đều quyến luyến, bịn rịn, chẳng muốn rời xa.
Sau mỗi đêm biểu diễn, anh em lại cùng tụ họp bên chum rượu cần, cán bộ, bà con nhường nhà cho văn công ngủ. Chính sự sẻ chia và tình cảm chân thành của mọi người là động lực để các anh chị em nghệ sỹ tiếp tục cống hiến và có trách nhiệm bảo tồn dân ca ví, giặm.
Huyền Thương