Văn hóa - Giáo dục
Thầy giáo xóa mù chữ nơi vùng cao
(Congannghean.vn)-Mỗi lần nhắc đến thầy giáo Hà Văn Tâm, người dân 2 bản Ồ Ồ và Già Hóp thuộc xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn luôn bày tỏ sự kính trọng. Hơn 20 năm nay, thầy đã âm thầm, nhẫn nại đưa con chữ về với bản làng, góp phần xóa mù chữ nơi vùng sâu heo hút này.
Sinh ra tại mảnh đất vùng sâu, vùng xa ở xã Tam Sơn, huyện Anh Sơn, từ nhỏ, thầy Hà Văn Tâm đã thấu hiểu những nỗi vất vả, nhọc nhằn của những con người nơi đây. Đặc biệt là tình trạng học sinh phải bỏ học bởi cái đói, cái nghèo cứ đeo bám. Tốt nghiệp ngành sư phạm miền núi, thầy được phân công về Trường Tiểu học Tường Sơn, huyện Anh Sơn. Thời điểm này, 2 bản Ồ Ồ và Già Hóp còn thiếu giáo viên nên thầy Tâm đã xung phong vào tận 2 bản này dạy học.
Thầy giáo Hà Văn Tâm đến tận nhà kiểm tra việc học tập của các em học sinh |
Bản Ồ Ồ và Già Hóp là 2 bản liền kề, thuộc xã Tường Sơn, dân cư chủ yếu là người dân tộc Thái. Nơi đây có nhiều người sống tại các bản làng thuộc các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn di cư đến. Cuộc sống du canh, du cư nên cứ sau mỗi mùa đốt nương, làm rẫy, khi đất đai đã bạc màu, họ lại dắt díu nhau đi nơi khác. Những đứa trẻ nơi đây vì phải theo cha mẹ nên cũng không có điều kiện được tới trường.
Thầy Tâm chia sẻ: “Những ngày đầu bám bản với tôi là những kỷ niệm chẳng thể nào quên. Đó là những ngày cuốc bộ hơn 10 cây số, qua những con suối, con khe mới vào được với học trò. Đó là khoảng thời gian cùng với các thầy cô trong trường tìm đến nhà người dân vận động họ cho con em đến trường, là những hôm cùng bà con dựng lớp, dựng trường...”.
Việc đến từng gia đình vận động cho con em họ đến trường thật sự rất khó khăn, bởi để thay đổi được tập quán sinh hoạt của người dân nơi đây không phải là điều dễ dàng. Sau những buổi học tập thể, thầy Tâm phải lặn lội vào từng nhà dân để hỏi han, trò chuyện, thuyết phục họ tạo điều kiện cho con em được đi học. Lúc đầu, thầy gặp phải sự phản đối từ phía nhiều gia đình. Nhưng nhờ kiên trì, nhẫn nại, thầy đã giúp bà con hiểu ra những lợi ích, ý nghĩa của việc đến trường.
Được phụ huynh ủng hộ, thầy Tâm luôn miệt mài với việc dạy từng nét chữ, con số cho học sinh. Để các em tiếp thu nhanh, ngoài những tiết học trên lớp, ban đêm, thầy cùng trưởng bản đến tận từng nhà học sinh vừa để kiểm tra việc học, vừa tìm hiểu hoàn cảnh gia đình để chia sẻ, động viên. Không biết tự bao giờ, bóng dáng thầy giáo Hà Văn Tâm đã trở nên thân quen với dân bản nơi đây.
Mặc dù đã kiên trì vận động, thuyết phục nhưng một số học sinh hai bản Ồ Ồ, Già Hóp vẫn bỏ học. Thầy Tâm cho biết, mấy năm trước, ngoài điểm trường cấp 1 được xây dựng thì bậc học mầm non vẫn chưa có lớp. Học sinh phải học trong những lán tạm, ghép bằng gỗ, nứa nên vào những ngày mưa rét, các em đành phải nghỉ học. Với bậc THCS, vì ở đây chưa có phân hiệu nên nếu muốn học tiếp, các em phải ra trung tâm xã cách bản 14 km, trong khi đó trường THCS lại chưa có nội trú. Chính vì vậy, học sinh ngày càng xa rời trường, lớp. Những năm đó, hai bản Ồ Ồ và Già Hóp trở thành “điểm nóng” của cả huyện về tình trạng học sinh bỏ học.
Để giải quyết tình trạng học sinh THCS bỏ học, Phòng GD&ĐT huyện Anh Sơn đã giao cho 2 Trường THCS Tường Sơn và THCS Hội Sơn (nằm gần 2 bản Ồ Ồ, Già Hóp) tiếp nhận học sinh lớp 6 và tổ chức mô hình bán trú cho các em. Đồng thời, sau khi khảo sát thực tế, đã quyết định chuyển lớp mẫu giáo gồm 30 cháu 3 - 5 tuổi từ nơi học cũ về học tại nhà công vụ của các thầy cô. Thầy Hà Văn Tâm được Phòng GD&ĐT huyện Anh Sơn bổ nhiệm làm cụm trưởng phụ trách giáo dục cụm mầm non - tiểu học 2 điểm bản Ồ Ồ, Già Hóp. Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, theo sự chỉ đạo của Phòng GD&ĐT, thầy Tâm lại đứng ra phụ trách và cùng với một số giáo viên khác giảng dạy 2 lớp bổ túc văn hóa cho các em nghỉ học giữa chừng và lớp xóa mù chữ cho bà con trong bản. Vì thế, phong trào học tập được khơi dậy ngày càng sôi nổi.
Năm nay, tuy đã hơn 50 tuổi nhưng thầy Tâm vẫn luôn dành thời gian tiếp xúc, vận động bà con dân bản đưa trẻ đến trường để sự học nơi đây luôn được duy trì, phát triển.
Phan Tuyết