Văn hóa - Giáo dục
Cần bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử
(Congannghean.vn)-Gắn liền với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là một hệ thống di tích, nơi chứng kiến những sự kiện lịch sử đã xảy ra trong phong trào. Trải qua sự biến động của thời gian và thăng trầm của lịch sử, những di tích đã và đang được bảo tồn, gìn giữ và phát huy có hiệu quả giá trị vốn có của nó. Tuy nhiên, vẫn còn đó những di tích đã xuống cấp, cần được tu sửa, tôn tạo.
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Trưởng ban Quản lý di tích và danh thắng Nghệ An cho biết: Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 400 di tích liên quan đến các hoạt động cách mạng, từ tổ chức tiền thân của Đảng đến giai đoạn rút lui bảo toàn lực lượng, trong đó có 100 di tích đã trở thành phế tích. Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã lập hồ sơ khoa học 38 di tích và địa điểm di tích và đã được Bộ VH-TT&DL cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Đình Lương Sơn, nơi ghi lại chứng tích 7 chiến sỹ của làng Lương Sơn, huyện Đô Lương bị địch giết hại |
Có thể thấy, mỗi di tích, địa điểm di tích đều gắn liền với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đó là những mái đình, ngôi đền hay nhà thờ họ, những địa điểm lịch sử... Những di tích này từng là trụ sở hoạt động của chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh, là địa điểm hoạt động của cơ sở Đảng những năm 1930 - 1931. Đó cũng là nơi tập trung đấu tranh, biểu tình của nhân dân, nơi thực dân Pháp tra tấn, xử bắn các chiến sỹ cách mạng...
Từ xưa, người ta nhắc tới đình, đền như một minh chứng cho sức sống mãnh liệt về mặt tâm linh và sự gắn kết đời sống của người Việt. Đình, đền vốn là nơi vắng vẻ, linh thiêng, vì vậy, những năm hoạt động cách mạng 1930 - 1931, đình, đền trở thành địa điểm lý tưởng để hoạt động cách mạng. Tại đây, tiếng trống vang lên thúc giục, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí sục sôi tinh thần cách mạng. Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, đó là trụ sở chính quyền Xô Viết, địa điểm hội họp, in ấn, cất giấu tài liệu, treo cờ Đảng, tập trung nhân dân đi đấu tranh và là nơi làm việc công khai của chính quyền Xô Viết. Tại đây đã diễn ra nhiều buổi diễn thuyết, cuộc biểu tình đưa yêu sách với quy mô lớn.
Đình Võ Liệt ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương là nơi chi bộ Đảng ra quyết định thành lập tổ chức Nông hội đỏ, đại diện quyền lợi của người lao động, công khai giải quyết mọi công việc như một chính quyền cách mạng. Ngày 1/9/1930, nhân dân tập trung vượt sông Lam vây phá huyện đường, khiến tri huyện, nha lại hoảng sợ. Đình Lương Sơn ở Đô Lương ghi lại chứng tích 7 chiến sỹ cách mạng của làng Lương Sơn bị thực dân Pháp và bè lũ tay sai giết hại vào tháng 4/1931. Đền Chính Vị ở huyện Nghi Lộc - nơi tri huyện Nghi Lộc bị giết vào ngày 2/1/1931, nơi thực dân Pháp xử bắn 22 chiến sỹ Xô Viết năm 1931...
Ngoài đình, đền thì nhà thờ họ cũng là nơi gắn liền với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tiêu biểu như nhà thờ họ Phạm, nơi thờ liệt sỹ Phạm Hồng Thái, cơ sở hoạt động của Đảng ở huyện Hưng Nguyên; nhà thờ họ Nguyễn Duy, trụ sở của Tỉnh ủy Nghệ An năm 1930 - 1931 ở huyện Thanh Chương; nhà thờ họ Hoàng Trần, cơ sở các cấp bộ Đảng năm 1930 - 1931 ở huyện Đô Lương...
Ngoài ra còn có các địa điểm di tích như địa điểm lịch sử Tràng Kẻ ở huyện Yên Thành. Nơi đây, trong hai năm 1930 - 1931, thực dân Pháp đã xử bắn 72 chiến sỹ tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh; ngã ba Bến Thủy, TP Vinh, địa điểm đấu tranh của công nông Vinh - Bến Thủy ngày 1/5/1930; hay những địa điểm lịch sử tại làng Đỏ anh hùng ở phường Hưng Dũng, TP Vinh. Đó là dăm Mụ Nuôi, là cây Sanh chùa Nia, nhà ông Nguyễn Hữu Diên, nhà ông Nguyễn Sỹ Huyến, đều là những địa điểm gắn liền với hoạt động cách mạng sục sôi của người dân Nghệ An vào những năm 1930 - 1931.
Trải qua bao thăng trầm, biến động của thời gian, sự tàn phá của thiên nhiên, nhiều di tích đã bị xuống cấp trầm trọng: Cơ sở vật chất bị hư hỏng nặng, công tác quản lý còn lỏng lẻo… Bà Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết thêm, hiện nay, nhiều di tích về cơ bản đã được tu sửa như đình Phú Nhuận, nhà thờ họ Hoàng, nhà ông Hoàng Viện... hoặc đang chờ xin kinh phí. Việc bảo tồn di tích lịch sử gắn liền với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, trong khi đó để huy động được nguồn xã hội hóa là rất khó.
Bảo tồn các di tích lịch sử đã khó, để phát huy giá trị vốn có của nó lại càng khó khăn hơn. Thiết nghĩ, di tích gắn với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là tài sản quý giá, mỗi người dân cần có ý thức gìn giữ. Các cấp, ban, ngành có liên quan cần có đề án cùng nhân dân chung tay gìn giữ, tôn tạo, nâng cấp để lưu giữ những giá trị tốt đẹp mà cha ông ta đã để lại, xứng đáng với truyền thống cách mạng xứ Nghệ anh hùng.
Phan Tuyết