Văn hóa - Giáo dục
Xét tuyển đại học kéo dài,trường nghề gặp khó trong tuyển sinh
(Congannghean.vn)-Thời điểm này, các trường ĐH đang nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 của các thí sinh. Dự kiến, thời gian xét tuyển ĐH, CĐ năm nay kéo dài đến tháng 11. Bên cạnh các trường ĐH, CĐ, các trường dạy nghề cũng đã nhận hồ sơ đăng ký của thí sinh, nhiều trường trên địa bàn TP Vinh, học sinh đã nhập học. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các trường dạy nghề vẫn chưa đạt chỉ tiêu mà UBND tỉnh giao. Một trong những nguyên nhân đó là do năm nay, thời gian xét tuyển ĐH, CĐ kéo dài.
Trường nghề rộng cửa
Căn cứ Quyết định 973 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề cho các cơ sở giáo dục, năm học 2015 - 2016, tỉnh dành gần 12.000 chỉ tiêu cho các trường CĐ, trung cấp và các trường nghề trong tỉnh. So với năm học trước, con số này đã tăng gần 2.000 chỉ tiêu. Nhiều trường có chỉ tiêu lớn như Trung cấp nghề dân tộc nội trú Nghệ An (1.480 chỉ tiêu), Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (1.090 chỉ tiêu), Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghiệp Việt Đức (679 chỉ tiêu)...
Hiện nay, tỉnh ta đang có nhiều chính sách ưu tiên cho công tác đào tạo nghề nhằm phấn đấu đạt mục tiêu năm 2020, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh chiếm 61%. Vì vậy, các sinh viên, học sinh ở trường nghề cũng được ưu tiên hưởng các chính sách, chế độ theo quy định của Nhà nước, của tỉnh. Nhiều trường CĐ, trung cấp nghề trên địa bàn cũng đã mở rộng cửa với học sinh chưa có bằng tốt nghiệp THPT, đồng thời có nhiều chính sách hỗ trợ. Như Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp Vinh năm nay tuyển 400 chỉ tiêu, trong đó nhà trường tuyển 60% học sinh mới tốt nghiệp THCS.
Sau khi tốt nghiệp, 90% sinh viên Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc được các doanh nghiệp tuyển dụng |
Thực tế những năm gần đây cho thấy, số lượng cử nhân, sinh viên tốt nghiệp ĐH ra trường thất nghiệp ngày càng tăng. Năm 2014, cả nước có hơn 174.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH thất nghiệp. Riêng Nghệ An có hơn 4.000 cử nhân thất nghiệp hoàn toàn; hơn 8.000 người là cử nhân, thạc sỹ thiếu việc làm, phải làm trái nghề. Qua khảo sát, số lượng sinh viên tốt nghiệp lớn nhưng gần như không có trải nghiệm thực tế, trình độ tay nghề thấp. Trong khi đó, hiện nay, các cơ sở dạy nghề đều đã chọn đầu tư nghề trọng điểm, tăng cường khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp.
Hoạt động gắn kết giữa các cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đã được đẩy mạnh và trên 90% học viên tốt nghiệp đều có việc làm. Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc mỗi năm có hơn 1.000 sinh viên ra trường, trong đó 80 - 90% sinh viên tìm được việc làm. Năm 2014, Formosa Hà Tĩnh về tuyển dụng trực tiếp tại Trường 500 sinh viên; số sinh viên còn lại cũng được Tập đoàn Samsung, Công ty Gạch ốp lát Catalan Bắc Ninh tuyển dụng và những sinh viên này có thu nhập khá cao.
Gặp khó trong tuyển sinh
Đến thời điểm này, tại nhiều trường nghề, học sinh đã bắt đầu nhập học. Tuy nhiên, hầu hết các trường đều chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Mặc dù thời gian tuyển sinh là đến cuối tháng 12/2015 nhưng năm nay, hình thức thi và phương thức xét tuyển mới đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyển sinh của các trường nghề. Ông Nguyễn Duy Nam, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc cho biết: “Hiện nay, nhà trường đã tuyển được 600/1.090 chỉ tiêu cho 11 ngành nghề. Dự kiến đến tháng 10, Trường sẽ tuyển đủ chỉ tiêu.
Thời gian xét tuyển ĐH kéo dài, trong khi đợt 1, việc xét tuyển bộc lộ sự lúng túng khiến công tác tuyển sinh của trường gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, nhà trường vẫn đang chờ đợi các trường ĐH xét tuyển xong đợt 2, đợt 3. Một trong những nguyên nhân khiến công tác tuyển sinh của các trường nghề gặp nhiều khó khăn là công tác tuyên truyền, phân luồng kém. Điều này xuất phát từ sự đổi mới trong kỳ thi cũng như việc đăng ký xét tuyển khiến cơ quan báo chí truyền thông quá chú trọng vào vấn đề này mà không quan tâm, định hướng để học sinh nhận thức được hiệu quả của việc học nghề. Nếu chúng ta không làm tốt công tác tuyên truyền thì sẽ khó lòng thay đổi nhận thức của học sinh và phụ huynh về việc học nghề”.
Kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi, toàn tỉnh có hơn 1.400 thí sinh trượt tốt nghiệp. Với những thí sinh này thì học nghề là lựa chọn tối ưu nhất. ĐH không phải là cánh cửa duy nhất để lập nghiệp và trong thời đại hiện nay, học nghề là giải pháp thiết thực nhất. Với mục tiêu nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề, chương trình hỗ trợ học nghề sẽ tiếp tục được quan tâm. Thêm vào đó, lao động Việt Nam dự báo sẽ ngày càng được mở rộng khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập.
Huyền Thương