Văn hóa - Giáo dục

Phụ huynh xây dựng trường chuẩn bị cho năm học mới

09:26, 30/08/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Để chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới, từ đầu tháng 8, bà con và phụ huynh trong bản, nơi có các điểm trường Tiểu học xã Tri Lễ, huyện Quế Phong đã cùng nhau xây dựng, sửa sang trường lớp. Ai có thứ gì thì đóng góp thứ đó, mỗi người đều chung tay, góp sức vì tương lai tươi sáng của các con. Ở những bản “3 không”: Không chợ, không điện, không liên lạc này, mọi thứ đều thiếu thốn, sự học còn muôn vàn khó khăn, thế nhưng, ước mơ con chữ chưa bao giờ hết.

Quãng đường từ TP Vinh lên huyện Quế Phong dài gần 200 km. Như đã hẹn trước, chúng tôi được thầy Lương Trung Thành, giáo viên Trường Tiểu học Tri Lễ 2, điểm trường Pà Khốm dẫn vào bản. Bản Pà Khốm nằm cách trung tâm thị trấn chừng 6 km. Nơi đây được biết đến là bản “ba không”: Không chợ, không điện, không liên lạc. Đường vào bản là những dốc núi chênh vênh, hiểm trở. Ngôi trường nằm cheo leo trên những bản làng lâu đời của người Mông.

Người dân san nền đất,   sửa sang trường lớp     chuẩn bị cho năm học mới
Người dân san nền đất, sửa sang trường lớp chuẩn bị cho năm học mới

Gọi là trường nhưng thực chất nơi đây chỉ có 5 phòng học dành cho 5 lớp tiểu học. Những lớp học đơn sơ được làm bằng gỗ, ván thay vì xi măng, sắt, thép. “Vì đường sá hiểm trở, khó đi lại nên không thể vận chuyển các nguyên vật liệu để xây trường. Vì vậy, các thầy giáo và bà con dân bản đã cùng nhau lên rừng chặt cây về xây dựng trường. Do làm bằng gỗ nên dù kiên cố đến mấy thì cũng chỉ sử dụng được khoảng 5 năm. Cứ mỗi dịp đầu năm học mới, bà con lại cùng các thầy sửa sang lại phòng học, đóng lại bàn ghế cho chắc chắn”, thầy Thành cho biết.

Căn phòng nhỏ chỉ kê vừa vài cái bàn để học sinh ngồi học. Lớp đông thì có 20 em, lớp ít nhất chỉ có 10 em. Năm học vừa rồi, điểm trường này có 74 học sinh đến lớp. Năm học mới 2015 - 2016, chỉ còn 65 em. Phía sau là bếp ăn của các thầy giáo. Gọi là bếp ăn nhưng đó chỉ là một căn lều nhỏ xiêu vẹo rộng chưa đến 5m2. Vì điều kiện đường sá khó khăn nên 5 thầy giáo đều ở lại đây đến cuối tuần mới về. Những túi cá khô, lạc... được treo lủng lẳng phía trên, đó là thức ăn dự trữ mà các thầy mang vào đây từ đầu tuần. Vì bản không có chợ nên các thầy phải chuẩn bị đồ ăn từ nhà.

Trường Mầm non Pà Khốm                   sau khi hoàn thiện
Trường Mầm non Pà Khốm sau khi hoàn thiện

Cách điểm trường Pà Khốm chừng 500 m là Trường Mầm non Pà Khốm. Vì trường đã xuống cấp nghiêm trọng nên năm học này, bà con đã đóng góp nguyên vật liệu để xây mới hoàn toàn. Anh Và Dua Lầu cho biết: “Năm nào chuẩn bị khai giảng, trưởng bản và các thầy giáo đều vận động bà con đóng góp tranh tre, gỗ để dựng trường lớp. Bà con có cái gì thì quyên góp cái đó để dựng một căn nhà chắc chắn, tránh mưa, nắng cho con em học là tốt rồi. Ta đã không biết chữ rồi, giờ các con của ta phải được học chữ thôi”. Sau 1 tuần thi công, ngôi trường mới được xây dựng bằng gỗ rừng đơn sơ đã hoàn thiện, hiện nay bà con đang san nền đất và làm hàng rào. Những ngày dựng trường, cả bản vui như hội, từ già trẻ, gái trai đều hăng hái góp công góp sức.

Tiếng nói cười rộn rã khắp bản làng. Rồi đây, trên ngôi trường này sẽ luôn rộn ràng tiếng cười của những em bé người Mông, người Thái. Anh Và Bá Dê, Xóm phó, Công an viên là một trong những thành viên tích cực nhất trong việc xây dựng trường. Anh vừa đứng ra kêu gọi, tập hợp người dân giúp đỡ nhà trường, vừa nhiệt tình chở gỗ, dựng nhà. “Các cô giáo mầm non cắm bản phải chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi nhưng họ rất tận tâm với nghề, yêu thương, chăm sóc học sinh như con. Bà con ai cũng biết nên đóng góp một chút công sức để động viên các cô. Mình là cán bộ, phải gương mẫu thì bà con mới làm theo”, anh Và Bá Dê cho biết.

Từ ngày 4/8, để chuẩn bị cho năm học mới, Trường Tiểu học Tri Lễ 2 đã cử giáo viên vào các điểm trường để tổ chức ôn tập cho học sinh. Đã gần một tháng nay, các thầy gùi gạo, gùi thức ăn vào bản để cùng ăn, cùng ở với bà con dân bản và các học sinh; sáng dạy các em học chữ, ôn luyện kiến thức, chiều lại hướng dẫn các em tổng dọn vệ sinh, quét dọn trường lớp để chuẩn bị cho lễ khai giảng. Không thể kể hết những khó khăn, thiếu thốn mà thầy và trò nơi đây đang phải đối mặt. Thế nhưng, họ vẫn ngày ngày kiên trì bám trường, bám lớp, cần mẫn uốn nắn từng nét chữ cho học sinh, thắp lên niềm tin về một tương lai tươi sáng cho những thế hệ học trò người Mông, người Thái ở vùng đất xa xôi, hẻo lánh này.

Huyền Thương

Các tin khác