Văn hóa - Giáo dục

Chuyện giáo viên băng rừng, lội suối vận động học sinh đến trường

08:08, 27/08/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Sau kỳ nghỉ hè, trong khi các thầy cô giáo và học sinh miền xuôi phấn khởi chuẩn bị bước vào năm học mới thì các thầy cô ở các trường vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Con Cuông phải bước vào thử thách đầy cam go. Họ phải vượt suối, băng rừng tới khắp các bản làng heo hút giữa đại ngàn Pù Mát để vận động con em người dân tộc thiểu số trở lại trường lớp.

Những ngày cuối tháng 8, theo chân các thầy giáo về bản Khe Khặng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông vận động các em học sinh tới lớp, chúng tôi mới thấm thía những gian nan, vất vả, đồng thời rất cảm phục tâm huyết của những người theo nghiệp gieo chữ nơi vùng biên giới. Để vào được bản Khe Khặng nơi người Đan Lai sinh sống chỉ có cách đi bằng đường sông. Từ trung tâm xã đi vào cũng phải mất hơn 2 giờ đồng hồ, đó là chưa kể nếu xuồng bị hư hỏng dọc đường thì phải qua đêm giữa rừng. Đến giữa trưa, chúng tôi có mặt tại bản Khe Khặng. Vất vả là vậy nhưng không phải lúc nào công tác “dân vận” của các giáo viên cũng đem lại kết quả.

Chuẩn bị bước vào năm học mới, thầy cô giáo vùng cao                     lại băng rừng, lội suối vào bản vận động học sinh tới trường
Chuẩn bị bước vào năm học mới, thầy cô giáo vùng cao lại băng rừng, lội suối vào bản vận động học sinh tới trường

Thầy Nguyễn Văn Hoà, Hiệu trưởng Trường THCS xã Môn Sơn đã có nhiều năm gắn bó với công tác giáo dục ở vùng cao. Thầy không thể nhớ đã bao lần lặn lội cùng đồng nghiệp đi tới từng bản vận động học sinh đến lớp. Thầy Hoà tâm sự: “Không giống như ở dưới xuôi, việc dạy học trên vùng cao gặp rất nhiều khó khăn, các thầy cô phải “dỗ” học sinh đến trường. Công tác vận động cũng gặp nhiều trường hợp “dở khóc dở cười”. Nói nặng lời thì bà con tự ái, không chịu nghe lời thầy. Như năm ngoái, tôi vào tận nhà gặp bố mẹ các em, họ không muốn cho con đến trường. Những lúc như thế, tôi phải sử dụng mọi biện pháp thuyết phục. Vận động được bố mẹ rồi thì con lại không muốn theo thầy cô đến trường học”.

Tiếp tục chuyến đi tìm hiểu tình hình học sinh vùng cao trở lại lớp học sau kỳ nghỉ hè, chúng tôi đến Trường THCS xã Châu Khê. Khi nghe chúng tôi hỏi về kỳ nghỉ hè có vui không, Hiệu trưởng Trường THCS xã Châu Khê thở dài: "Vui gì đâu. Học sinh nghỉ học nhiều quá!". Sau mỗi dịp nghỉ hè, học sinh ở các bản Khe Bu, Khe Nà, xã Châu Khê lại không muốn đi học. Học sinh nghỉ học chủ yếu là người dân tộc Đan Lai. Vì vậy, các thầy cô giáo phải thường xuyên đi vận động để học sinh tiếp tục đến lớp. Chúng tôi theo chân các thầy cô giáo đi bộ vào bản Khe Nà, là một trong những bản khó vận động các em trở lại lớp nhất.

Giữa năm học, nhiều em trốn về, các thầy cô giáo phải đi tìm, động viên mãi mới chịu trở lại lớp. Năm nay, cả bản có hơn 20 học sinh theo học trường nội trú, nhưng chỉ mới có chưa đến 10 em đến trường. Có những em đã ra tập trung nhưng sau đó lại trốn về, khiến thầy cô giáo phải đi tìm khắp bản. Trong ngày hôm đó, các thầy, cô vận động được hơn 15 em đồng ý đến lớp. Có thể nói, chuyến đầu “ra quân” vận động đã khá thành công. Những trường hợp còn lại, nhà trường sẽ tiếp tục vận động.

Qua tìm hiểu tình hình thực tế ở địa phương cũng như tâm tư của giáo viên và học sinh thì điều cản trở các học sinh vùng cao đến lớp vẫn là do nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về lợi ích của việc học vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, nguyên nhân nữa là nhà cách trường khá xa, đường đi lại hiểm trở, đời sống kinh tế của gia đình các em còn rất khó khăn. Chẳng biết đến khi nào ngành giáo dục vùng cao mới hết nỗi lo học sinh nghỉ học sau hè.

Trường Khuyên

Các tin khác