Văn hóa - Giáo dục

Ký ức ngày rực lửa

09:09, 02/09/2015 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Cách đây vừa tròn 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đất nước bước sang trang sử mới, dân tộc Việt Nam được sống trong độc lập, tự do. 70 năm đã trôi qua nhưng khí thế sục sôi, hào hùng của những ngày thu Cách mạng tháng Tám vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức những thế hệ đi trước.

Ông Hà Văn Tải (86 tuổi), 67 năm tuổi Đảng, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Tỉnh ủy viên, Chánh văn phòng Tỉnh ủy: “Đảng ta thật là vĩ đại!”

Đầu năm 1945, khi ấy tôi mới 15 tuổi, là học sinh Trường Quốc học Vinh (nay là Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng). Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Tôi bỏ học về quê ở làng Phúc Thọ, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành tham gia cách mạng. Tại đây, tôi được đồng chí Lê Cửu, cán bộ Việt Minh giao nhiệm vụ đi viết khẩu hiệu dán lên tường những nhà địa chủ để họ ủng hộ người nghèo, người bị đói. Sau đó tôi đi tập hợp thanh, thiếu niên, học sinh trong xã tập diễu hành, hô vang các khẩu hiệu để chuẩn bị cướp chính quyền.

Ông Hà Văn Tải kể lại không khí lúc nhân dân vùng lên cướp chính quyền
Ông Hà Văn Tải kể lại không khí lúc nhân dân vùng lên cướp chính quyền

Ngày 18/8/1945, tất cả già trẻ, gái trai trong làng kéo vào nhà Lý trưởng Phạm Thức cướp chính quyền. Cuộc cướp chính quyền diễn ra nhanh gọn, Lý trưởng đầu hàng trong tiếng hò reo, cổ vũ của bà con nhân dân. Sau đó, đoàn người kéo sang làng bên cạnh tiếp tục đấu tranh. Ngày 25/8, tại xã Giai Lạc, hàng nghìn người dân nối đuôi nhau hơn 2 km mang theo gậy gộc, giáo mác rầm rập tiến về huyện lỵ Hưng Nguyên, dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Cửu. Tôi được giao nhiệm vụ làm trưởng đoàn thanh thiếu niên, học sinh.

Dẫn đầu đoàn, miệng hô vang: “Việt Minh muôn năm!”, “Việt Nam độc lập muôn năm!”, hàng vạn người phía sau cùng đồng thanh hô vang. Đến thị trấn, từng đoàn người từ các xã gặp nhau, đã đông nay càng đông, đã khí thế nay càng sục sôi ý chí, quyết giành chính quyền về tay nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Phan Vinh, tất cả mọi người vùng lên, quan huyện đầu hàng giao lại chính quyền cho Ủy ban khởi nghĩa, cho nhân dân. Quân khởi nghĩa bắn 3 phát súng chỉ thiên, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên tung bay kiêu hãnh trong niềm vui sướng, hân hoan của mọi người. Ngày 2/9/1945, ở quê nhà, tôi nghe mọi người truyền tai nhau, tại Quảng trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Ông Trần Văn Diệu (92 tuổi) trú tại khối 15, thị trấn Hưng Nguyên: “Nhớ lời kêu gọi tổng khởi nghĩa của Bác”

Đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông Trần Văn Diệu            vẫn vẹn nguyên ký ức những ngày thu tháng Tám, ông luôn nâng niu những kỷ niệm về Bác
Đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông Trần Văn Diệu vẫn vẹn nguyên ký ức những ngày thu tháng Tám, ông luôn nâng niu những kỷ niệm về Bác

Lời hiệu triệu ngắn ngủi nhưng đã lay động cả dân tộc Việt Nam sau hơn 80 năm dài chìm trong nô lệ, lầm than. Tôi được anh trai Nguyễn Văn Lựu dẫn dắt vào Việt Minh. Sau đó tôi tham gia vào Đoàn Thanh niên cứu quốc, tham gia rải truyền đơn, viết khẩu hiệu, chống phát xít. Với những đóng góp cho cách mạng, tôi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cứu quốc rồi được bổ sung vào Đội Thanh niên cảm tử. Cuối tháng 7, tôi được giao nhiệm vụ cải trang đi điều tra hoạt động của lính Nhật. Mỗi người một nhiệm vụ chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa. Khởi nghĩa nổ ra ở Vinh, tôi cùng các bạn trong Đội được phân về các xã và khu phố bổ sung làm tổ trưởng bảo vệ Ủy ban khởi nghĩa tuần hành thị uy cướp chính quyền.

Ngày 21/8/1945, cùng với hàng vạn quần chúng công nông ở Vinh - Bến Thủy, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Việt Minh, đoàn biểu tình đã xuống đường tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Hoàn thành nhiệm vụ, tôi trở về khu phố làm đội trưởng đội tự vệ.

Đại tá Trần Văn Thực, nguyên Trưởng phòng Bảo vệ an ninh Quân khu 4: “Nhớ Bác trong ngày Tết Độc lập”

Ngày 2/9/1945, mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc mở ra kỷ nguyên mới: độc lập, tự do cho dân tộc. Và cũng chính trong ngày Tết Độc lập, 24 năm sau, ngày 2/9/1969, dân tộc Việt Nam phải gánh chịu một nỗi đau lớn, một sự mất mát lớn không thể nào bù đắp, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Khi đó tôi đang chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Ngày 28/8/1969, Bộ Tư lệnh mặt trận nhận được thông báo của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương. Bức điện chỉ vỏn vẹn mấy dòng: Bác ốm nặng, chắc khó qua khỏi. Đồng thời giao nhiệm vụ cho cán bộ an ninh mặt trận chuẩn bị công tác tư tưởng trấn an nhân dân, binh sỹ trong trường hợp Bác qua đời.

Thông tin mật chuyển về, chỉ có anh em ở Bộ Tư lệnh mặt trận biết. Không nói ra nhưng ai cũng nặng trĩu lo âu. Chúng tôi một mặt chuẩn bị cho anh em đón Tết Độc lập, một mặt cử cán bộ đến từng đơn vị, từng ấp chiến lược, từng vùng địch tạm chiếm, vùng địch hậu để làm công tác tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân. Chúng tôi đón Tết Độc lập trong nỗi phấp phỏng lo âu và điều không mong đợi nhất cũng đến: Bác Hồ qua đời. Trong giờ phút đau thương ấy, mỗi người lính đã biến đau thương thành hành động cách mạng, biến đau đớn thành sức mạnh chiến đấu, quyết tâm sớm giải phóng đất nước để Tổ quốc sớm được thống nhất, Nam - Bắc sum họp một nhà như Bác mong muốn.

70 năm đã trôi qua, non sông đã thu về một mối, đất nước đang từng ngày thay da đổi thịt, từng bước phát triển. Có được ngày hôm nay chính là nhờ sự lãnh đạo tài tình của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hôm nay, đất nước tưng bừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, trong ngày hội lớn của dân tộc, chúng con càng thêm nhớ Bác.

Huyền Thương (ghi)

Các tin khác