Văn hóa - Giáo dục

Ngày khai trường, nhớ lời kêu gọi chống giặc dốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh

08:53, 04/09/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, đó là sự ra đời của một nước Việt Nam mới. Đây cũng là bước ngoặt mở đầu cho những đổi thay của đất nước, trong đó có nền giáo dục. Ngay sau khi tuyên bố độc lập, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức.

Sau hàng trăm năm phải chịu ách đô hộ của thực dân phong kiến, hơn 95% dân số mù chữ. Toàn dân đứng trước nguy cơ phải hứng chịu một nạn đói mới, sau nạn đói khủng khiếp làm hàng triệu người chết. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đặt ra ba nhiệm vụ cấp bách: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm.

Bác Hồ thăm lớp học Bình dân học vụ (Ảnh tư liệu)
Bác Hồ thăm lớp học Bình dân học vụ (Ảnh tư liệu)

Theo thống kê, vào thời điểm đó, cứ 3.245 trẻ em mới có một trường học, trong khi cứ 1.000 dân thì có một nhà tù. Ngày 3/9/1945, ngay trong buổi họp Chính phủ lâm thời đầu tiên, Hồ Chủ tịch đã quán triệt: “Nạn dốt là một trong những phương pháp thâm độc mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn 90% đồng bào bị mù chữ. Thế mà chỉ cần học ba tháng là đọc được, viết được tiếng nước ta. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch chống nạn mù chữ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra các sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ và đặt ra quy định bình dân học vụ trên toàn đất nước; sắc lệnh mọi làng phải mở lớp học bình dân, trong đó lập lớp học bình dân cho nông dân, thợ thuyền vào những buổi tối; sắc lệnh học chữ quốc ngữ là bắt buộc, không mất tiền. Chiến dịch chống nạn mù chữ chính thức được phát động từ ngày 8/9/1945. Để phục vụ chiến dịch xóa mù chữ, Nha bình dân học vụ chính thức ra đời ngày 18/9/1945. Khóa huấn luyện cán bộ bình dân học vụ đầu tiên mang tên Hồ Chí Minh được mở tại Hà Nội.

Ngày 4/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi “chống nạn thất học” gửi tới toàn thể quốc dân đồng bào. Người nhấn mạnh: “…Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào bình dân học vụ… Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học”.

Sau lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào Bình dân học vụ nhanh chóng được triển khai, lan rộng trong từng thôn xóm, bản làng. Không phân biệt độ tuổi, giới tính, các tầng lớp nhân dân đều hăng hái đến lớp.

Chỉ một năm sau ngày phát động phong trào Bình dân học vụ, trên cả nước đã có 75.000 lớp học. Từ 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ vào năm 1946, tới năm 1948, con số này tăng lên 6 triệu người và đến năm 1952 là 10 triệu người. Chiến dịch xóa nạn mù chữ cơ bản đã hoàn thành.

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước bước sang kỷ nguyên của độc lập tự do nhưng công tác giáo dục vẫn được coi là một trong những mục tiêu chiến lược hàng đầu được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng. Chất lượng giáo dục, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục ngày càng được nâng cao. Phát huy truyền thống hiếu học trên quê hương cách mạng, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành giáo dục Nghệ An đã và đang có những bước đi vững chắc, gặt hái nhiều kết quả cao trong dạy và học, luôn nằm trong tốp đầu cả nước về số lượng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và đạt điểm cao trong kỳ thi Đại học.

Bên cạnh đó, luôn chú trọng đẩy mạnh các cuộc vận động lớn và các phong trào thi đua “Học tập và làm theo lời Bác”, tăng cường công tác quản lý, điều hành, khơi dậy tinh thần tự học, đổi mới phương pháp giảng dạy. Thế nhưng, tại một số địa phương, sự học vẫn còn lắm gian nan. Ở những vùng sâu, vùng xa, cuộc sống của đồng bào, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn đang gặp nhiều khó khăn, quanh năm đói nghèo, lạc hậu, tỉ lệ mù chữ và tái mù chữ vẫn còn ở mức cao. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chủ trương mở lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục từ bậc tiểu học đến THCS.

Tại Nghệ An, nhiều năm nay, ngành giáo dục đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh vận động các đối tượng mù chữ đến trường. Từ đầu năm đến nay, đã mở được gần 120 lớp xóa mù chữ. Sau những ngày lao động mệt nhọc, bà con nhân dân lại cùng nhau đến lớp để học con chữ. Khắp các bản làng rộn vang tiếng đọc đánh vần. Không khí đó, tinh thần hiếu học đó của nhân dân ta thể hiện sự quyết tâm, như hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nào.

Ngày mai (5/9) là ngày tựu trường. Một năm học mới bắt đầu bằng một lễ khai giảng có nhiều đổi mới, ngắn gọn, đúng nghi thức. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng và kỳ vọng vào một năm học mới với nhiều khởi sắc.

Huyền Thương

Các tin khác