Văn hóa - Giáo dục
Đồng phục học sinh, nét đẹp văn hoá trường học
(Congannghean.vn)-Lâu nay, hình ảnh các em học sinh mặc đồng phục đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong trường học. Đó là hình ảnh thân thương, trong sáng, gắn liền với thuở cắp sách tới trường. Không chỉ làm đẹp thêm hình ảnh của trường, của lớp, trên hết, nó còn góp phần giáo dục nhân cách của các em.
Năm 2009, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 26 quy định về việc mặc đồng phục và lễ phục của học sinh, sinh viên. Theo đó, tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung đã thực hiện tốt điều này. Giờ đây, việc mặc đồng phục của học sinh không chỉ nhận được sự quan tâm của các trường học ở thành phố mà còn tại các trường miền núi. Hầu hết học sinh khi được mặc đồng phục của trường, của lớp đều cảm thấy tự hào bởi sự giản dị, gắn bó thân thuộc. Nó còn xóa đi ranh giới giàu nghèo, từ đó khiến các em tự tin, hòa đồng hơn với các bạn cùng trang lứa. Tại nhiều trường học, lãnh đạo nhà trường đã chủ động lựa chọn, sáng tạo những bộ đồng phục mang bản sắc riêng, tạo dấu ấn không trộn lẫn cho trường.
Nét đẹp đồng phục học sinh |
Trường Tiểu học Lê Lợi, TP Vinh là một trong những trường triển khai việc may đồng phục cho các em từ rất sớm. Vào năm học 1995 - 1996, nhà trường đã tổ chức cho học sinh may đồng phục thông qua ý kiến của các bậc phụ huynh. Đồng phục của các em thường theo suốt nhiều năm học, chỉ có một số trường hợp phải bổ sung theo năm để phù hợp với cơ thể, chứ không triển khai việc mỗi năm thay đổi đồng phục một lần. Cứ vào chào cờ đầu tuần hoặc cuối tuần vào ngày thứ 6, các em học sinh nữ lại mặc đồng phục áo trắng thắt nơ và váy, còn học sinh nam là quần soóc xanh đi kèm áo trắng có logo của trường.
“Việc mặc đồng phục góp phần xóa bỏ ranh giới giữa học sinh giàu và nghèo. Ngoài ra, đó là một nét đẹp văn hóa, thể hiện sự văn minh, lịch sự, không chỉ làm đẹp thêm hình ảnh của trường, của lớp mà còn góp phần giáo dục nhân cách của các em”, một giáo viên cho hay. Tại các trường học miền núi, dù không bắt buộc nhưng năm nào, lãnh đạo, cán bộ, giáo viên nhà trường cũng đều khuyến khích tổ chức cho học sinh mặc đồng phục khi đến trường, khuyến khích các em mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình để tôn vinh bản sắc văn hóa quê hương.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý nghĩa tốt đẹp mà đồng phục học sinh mang lại, đó cũng là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh trong năm học mới. Với nhiều khoản chi phí đóng góp thì việc thay đổi mẫu mã đồng phục theo từng năm đã trở thành mối lo ngại của nhiều bậc làm cha, làm mẹ. Bên cạnh đó, mỗi phụ huynh lại có quan điểm khác nhau về đồng phục, vì vậy, nhà trường cũng gặp khá nhiều khó khăn để đi đến sự thống nhất. Ngoài ra, hiện nay, vấn đề mà nhiều trường lo lắng là về chất liệu vải để may đồng phục tại các cơ sở may mặc...
Không thể phủ nhận ý nghĩa của việc học sinh mặc đồng phục khi đến trường. Tuy nhiên, phải tùy vào điều kiện từng trường, từng vùng miền để có cách làm phù hợp. Bên cạnh đó, rất cần sự quan tâm, nhận thức đúng đắn của các bậc phụ huynh về việc xây dựng hình ảnh của nhà trường thông qua những bộ đồng phục học sinh. Các trường cũng cần quan tâm hơn nữa tới tính tiện dụng của nó, để mỗi lần được mang trên mình bộ đồng phục, các em học sinh lại thêm phần háo hức xen lẫn tự hào.
Phan Tuyết