Văn hóa - Giáo dục
Bảo tồn và phát huy nhạc lễ cổ truyền
(Congannghean.vn)-Nhạc lễ là một trong những loại hình nghệ thuật đặc sắc, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Theo các nghệ nhân, nhạc lễ không chỉ là nghi lễ của con người đối với thần thánh, trời đất mà còn thể hiện tình cảm giữa con người với con người, sự tri ân với những người đã khuất. Những năm qua, công tác bảo tồn nhạc lễ tại các lễ hội vẫn được quan tâm, tuy nhiên cũng gặp phải không ít khó khăn.
Về Đô Lương ghé thăm đền Quả, theo chân anh Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng ban Văn hóa xã Bồi Sơn, chúng tôi đến với câu lạc bộ (CLB) đàn hát dân ca của xã mà người khởi xướng là các cụ cao niên trong làng. Anh Cường cho biết: CLB đàn hát dân ca được thành lập trên tinh thần tự nguyện của các cụ cao tuổi trong xã. Ngoài việc tập luyện các nhạc cụ dân tộc để phục vụ lễ hội và các ngày lễ lớn, các cụ còn say sưa với các điệu dặm, ví phường vải, ví đò đưa hay hát ru, tứ hoa, vè, hò đập đất, kéo gỗ... Từ khi thành lập đến nay, CLB thu hút trên 30 cụ tham gia. Người ít tuổi nhất năm nay cũng gần 70, người cao tuổi nhất đã ngoài 85. Mặc dù đều ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng với tình yêu và đam mê, các cụ vẫn hăng say tập luyện để phục vụ mỗi dịp lễ hội.
Bảo tồn nhạc lễ góp phần giữ gìn nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc |
Hiện nay, CLB có nhiều loại nhạc cụ như đàn bầu, măng-đô-luyn, trống, nhị, sáo, song loan, đàn nguyệt. Mỗi loại đều mang một đặc tính riêng biệt về âm trầm, bổng, lúc du dương, lúc lại réo rắt. Để có thể sử dụng thuần thục các loại nhạc cụ này, người biểu diễn phải có sự am hiểu cũng như tập luyện kiên trì. Tuy là những nghệ sỹ không chuyên nhưng các cụ đã để lại trong lòng du khách những ấn tượng khó quên, bởi những bài nhạc lễ được thể hiện một cách chuyên nghiệp.
Cụ Lê Văn Huân năm nay đã 85 tuổi nhưng vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động của CLB. Từ nhỏ, cụ rất yêu thích những loại nhạc cụ dân tộc. Cụ chia sẻ: “Âm nhạc được ví như cái hồn của lễ hội, bởi nếu không có nó thì sẽ mất đi tính trang nghiêm và hấp dẫn. Vào mỗi lễ hội đền Quả Sơn, trong nghi thức tế lễ, nhạc lễ đóng vai trò quan trọng. Theo bước chân của người tiến lễ, một khúc nhạc được vang lên. Giữa đất trời linh thiêng, âm nhạc như hòa vào lòng người, tạo nên âm hưởng đặc biệt, nhắc nhở mọi người tưởng nhớ đến công lao to lớn của các bậc tiền bối”. Lễ hội đền Quả Sơn, ngoài phần lễ được tổ chức trang trọng, mang nghi thức cổ lễ thì phần hội với các trò chơi dân gian như chọi gà, đua thuyền, đánh cờ thẻ… cũng thu hút nhiều người tham gia.
Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp, ban, ngành, những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng đã được khôi phục. Tuy nhiên, việc truyền nghề cho các thế hệ sau đang là một “bài toán” cần lời giải. Thực tế, hiện nay, hầu hết những thành viên trong ban nhạc lễ đều là những người cao tuổi. Việc truyền nghề cho các thế hệ trẻ gặp rất nhiều khó khăn bởi hiện nay, sự phát triển của các dòng nhạc thị trường đã lấn át loại hình âm nhạc truyền thống. Một bộ phận giới trẻ không còn mặn mà với các loại nhạc cụ dân tộc.
Bên cạnh đó, hiện nay, phần lớn các loại nhạc cụ dân tộc đã hư hỏng, trong khi để đầu tư một loại nhạc cụ thì đòi hỏi kinh phí rất lớn. Chính vì vậy, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ban, ngành trong việc bảo tồn loại hình nhạc lễ và nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Phan Tuyết