Văn hóa - Giáo dục
Để học sinh vui đến trường
(Congannghean.vn)-Khác với học sinh ở thành phố, năm học mới đến cũng là lúc học sinh ở các vùng miền núi vùng sâu vùng xa, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi đến trường. Sự học ở những nơi này chưa bao giờ hết vất vả, gian nan bởi nhận thức, quan điểm của một số phụ huynh còn hạn chế và cũng bởi cuộc sống của bà con quanh năm đói nghèo, lạc hậu. Để kịp thời động viên, khuyến khích học sinh dịp đầu năm học mới, các chương trình hỗ trợ học sinh vùng khó khăn đã được triển khai kịp thời.
Sáng nay, em Và Y Lầu, học sinh Trường Tiểu học Tri Lễ 2 (Quế Phong) và các bạn đến trường có mang theo cơm trắng. Đã hơn 3 năm nay, được sự hỗ trợ của chương trình “Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học” (chương trình SEQAP) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh người dân tộc thiểu số ở các vùng miền núi, vùng sâu vùng xa được hỗ trợ 2 bữa ăn một tuần. Tại Trường Tiểu học Tri Lễ 2, học sinh đến trường mang theo cơm, còn thức ăn gồm thịt, cá, rau sẽ do các thầy cô nấu. Nguồn kinh phí để nấu bữa ăn trưa cho học sinh do các tổ chức quốc tế tài trợ, hỗ trợ.
Học sinh Trường Tiểu học Tri Lễ 2 (Quế Phong) ăn cơm trưa tại trường |
Sau giờ học, học sinh ngồi quây quần bên những mâm cơm có đầy đủ thức ăn đảm bảo các chất dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Với các em, những bữa ăn no đủ như thế là cả niềm hạnh phúc. “Đến trường con mới được ăn ngon, ở nhà thỉnh thoảng mới được ăn thịt nên con thích đi học lắm”, Và Y Lầu háo hức cho biết.
Chương trình “Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học” (SEQAP) được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học ở Việt Nam thông qua việc hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi sang mô hình dạy và học cả ngày ở các trường tiểu học thuộc 36 tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trong đó ưu tiên cho nhóm học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Theo đó, tổ chức học 2 buổi/ngày và ăn trưa bán trú tại trường, tạo điều kiện cho học sinh vùng khó khăn có thêm thời gian học tập, tổ chức các hoạt động tập thể, rèn luyện kỹ năng sống. Đồng thời, các em có điều kiện nắm vững kiến thức, nhờ đó chất lượng giáo dục ở các lớp dạy học 2 buổi/ngày được nâng lên đáng kể.
Ngoài những trường học nhận được sự tài trợ của chương trình này thì tất cả học sinh cấp tiểu học và THCS bán trú đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và học sinh bán trú đang học ở các trường tiểu học, THCS ở đây đều được hưởng chính sách hỗ trợ và các mức hỗ trợ theo Quyết định 85 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, học sinh bán trú được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương tối thiểu chung. Ngoài số học sinh bán trú được ở nội trú tại trường, các học sinh phải tự lo chỗ ở được hỗ trợ 10% mức lương tối thiểu 1 tháng.
Thay vì sống trong những túp lều rách nát được dựng tạm bợ xung quanh các trường, trong 2 năm trở lại đây, các em đã được ở trong những ngôi nhà khang trang. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các trường bán trú đều được xây mới và tu sửa để các em có chỗ ở mới đảm bảo, yên tâm học hành. Năm học mới này, Trường THCS Môn Sơn có gần 90 học sinh, trong đó có gần một nửa ở các bản Cò Phạt, Khe Búng, bản Cồn..., cách trung tâm xã hơn 30 km. Con đường đến trường rất gian nan, nguy hiểm nên trước đây, các em phải xin ở nhờ nhà dân và dựng lều ở gần trường nhưng nay đã được chuyển vào khu nội trú của nhà trường.
Năm học 2015 - 2016 là năm thứ 3 thực hiện Quyết định 36 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Năm nay ở Nghệ An, gạo từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến sớm hơn so với mọi năm. Học kỳ 1 này, học sinh Nghệ An được cấp 600.000 kg gạo. Không thể kể hết niềm vui sướng của cô và trò vùng khó khăn khi gạo được mang về bản. Chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với các em học sinh ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đồng thời nêu cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay chăm lo sự nghiệp giáo dục, tạo nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng cho tương lai của đất nước. Với số gạo được cấp phát, các trường nội trú, bán trú sẽ tổ chức nấu ăn cho các em học sinh. Với các trường không tổ chức nấu ăn cho các em, các thầy cô phân bổ gạo về tận nhà của từng học sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống…
Có thể nói, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đã kịp thời động viên, khuyến khích học sinh nghèo ở các vùng khó khăn có điều kiện đến lớp, để các em và phụ huynh vơi bớt những lo toan, gánh nặng khi năm học mới đến.
Huyền Thương