Văn hóa - Giáo dục

Bảo tồn nhạc cụ dân tộc

08:24, 22/10/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Nhạc cụ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nền ca nhạc dân gian ở các vùng dân tộc thiểu số. Ở miền núi Nghệ An, từ xa xưa, cha ông ta đã chế tác ra những loại nhạc cụ phù hợp với các điệu hát, qua đó đáp ứng nhu cầu thưởng thức các loại hình nghệ thuật dân gian của bà con dân bản. Tuy nhiên, theo thời gian, những nhạc cụ ấy không còn được sử dụng thường xuyên, nhiều loại đã mai một nên công tác bảo tồn nhạc cụ truyền thống là rất cần thiết.

Có thể thấy, cùng với các làn điệu dân ca, nhạc cụ được sáng tạo trong lao động, sinh hoạt lễ hội dân gian của mỗi dân tộc đã phản ánh nếp sống văn hóa tâm linh và văn hóa cộng đồng. Qua công tác điền dã, Phòng Nghiên cứu, sưu tầm của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Nghệ An đã sưu tầm được  gần 30 loại nhạc cụ của mỗi dân tộc, hiện vẫn đang được bà con nhân dân sử dụng hàng ngày.

Bảo tồn nhạc cụ truyền thống chính là gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc
Bảo tồn nhạc cụ truyền thống chính là gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc

Chúng tôi đã từng ngược lên miền Tây Nghệ An vào mùa lễ hội để được nghe điệu cồng, chiêng, tiếng khèn lá của người bạn dẫn đường... Với người dân tộc Thái, cồng, chiêng là loại nhạc cụ truyền thống đặc sắc, gắn bó với người Thái từ khi lọt lòng mẹ cho đến lúc qua đời. Cồng, chiêng được sử dụng trong các dịp lễ, tết, đám cưới, đám tang của người Thái.

Cùng với những điệu khắp, lăm, xuôi, tiếng cồng, chiêng lúc nào cũng rộn rã, khi trầm, khi bổng như mời gọi, níu bước chân những ai lên đây. Thanh âm ấy không chỉ đơn thuần phát ra từ một loại nhạc khí mà mang cái hồn linh thiêng của núi rừng, là ngôn ngữ giao tiếp của con người và giao hòa với thiên nhiên.

Ngoài cồng, chiêng, khắc gỗ cũng là một loại nhạc cụ không thể thiếu của người dân tộc Thái vào mỗi dịp vui chơi, hội hè. Có cồng, chiêng mà đệm thêm khắc gỗ sẽ tạo nên không khí vui tươi, rộn ràng, làm tăng thêm sự hưng phấn khi nhảy múa. Còn người dân tộc H’Mông lại rất hay sử dụng khèn lá. Nghệ nhân có tài sử dụng đôi môi kết hợp với chiếc lá để tạo ra thứ âm thanh theo ý muốn. Tiếng khèn lá thường vang lên trong các cuộc vui, được thổi theo các làn điệu dân ca, các bài hát mới, bắt chước tiếng chim kêu, vượn hót...

Bà Quách Thị Cường, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VH-TT&DL Nghệ An cho biết: Trong sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt các câu lạc bộ hay lễ hội dân tộc, bên cạnh các điệu hát dân ca đặc trưng của mỗi dân tộc, vùng miền thì không thể thiếu các nhạc cụ dân tộc. Người nghệ nhân vừa có thể độc tấu, vừa thể hiện cùng với các làn điệu hát.

Phần lớn các loại nhạc cụ dân tộc được chế tạo từ các nguyên liệu dễ tìm. Có thể thấy, nhạc cụ dân tộc đã lưu giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, phục vụ nhu cầu thưởng thức loại hình văn hóa dân gian của cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết nhạc cụ dân tộc lại không được sử dụng thường xuyên.

Thực tế, cùng với dòng chảy của thời gian, sự phát triển của xã hội hiện đại, văn hóa các dân tộc không chỉ khép kín mà có sự giao thoa. Hiện nay, văn hóa đồng bào các dân tộc chịu ảnh hưởng không nhỏ của nền văn hóa phương Tây.

Ngày xưa, trong mỗi nếp nhà, người dân đều lưu giữ một nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình, nhưng giờ đây, hầu như không còn nữa. Có chăng mỗi bản làng chỉ lưu giữ một bộ nhạc cụ để phục vụ cho những ngày lễ hội mà ít khi được sử dụng hoặc đã dần bị mai một. Những nghệ nhân biết sử dụng nhạc cụ rất ít, người biết chế tác các loại nhạc cụ dân tộc cũng không nhiều, trong khi một bộ phận giới trẻ ngày nay thường không mặn mà với nhạc cụ truyền thống. Nhiều loại nhạc cụ theo thời gian đã hư hỏng. Muốn có một bộ nhạc cụ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng thì đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn...

Để nhạc cụ được bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cần tạo không gian sinh hoạt văn hóa như thành lập các câu lạc bộ, duy trì tổ chức các hội thi, hội diễn, ngày hội văn hóa... Ngoài ra, cần có biện pháp khôi phục các loại nhạc cụ truyền thống đang có nguy cơ bị mai một bằng cách mở lớp dạy chế tạo và sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc cho các câu lạc bộ dân ca. Đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền để lớp trẻ hiểu được ý nghĩa của các loại nhạc cụ dân tộc, qua đó có ý thức bảo vệ và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Phan Tuyết

Các tin khác