Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201507/dai-ngo-nghe-nhan-dung-bat-nghe-nhan-phai-cho-624850/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201507/dai-ngo-nghe-nhan-dung-bat-nghe-nhan-phai-cho-624850/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đừng bắt nghệ nhân phải chờ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 22/07/2015, 10:34 [GMT+7]
Đãi ngộ nghệ nhân

Đừng bắt nghệ nhân phải chờ

(Congannghean.vn)-Sau khi được tôn vinh là nghệ nhân dân gian (NNDG), bằng tài năng và tâm huyết của mình, những nghệ nhân dân gian tiếp tục có nhiều cố gắng trong gìn giữ và trao truyền những giá trị văn hoá lịch sử cho các thế hệ. Thế nhưng, họ không hề được hưởng một chế độ chính sách nào. Hầu hết họ đều ở tuổi “gần đất xa trời”, sống dựa vào con cháu, nhiều người có cuộc sống rất chật vật. Cho đến thời điểm này, mới chỉ có tỉnh Bắc Ninh có quy định chế độ đãi ngộ đối với NNDG trong khi chờ quy định chính thức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đãi ngộ để nghệ nhân tiếp tục cống hiến còn quan trọng hơn là tôn vinh rồi để đấy. 
 
Trong số 737 hồ sơ đề nghị xét danh hiệu nghệ nhân ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đợt này, Nghệ An có 21 người. Đó là những nghệ nhân có nhiều cống hiến, có công gìn giữ và lưu truyền dân ca ví, giặm. Con số này cho thấy, chúng ta có rất nhiều “báu vật sống” trong loại hình di sản phi vật thể này. 
Nghệ nhân Trần Văn Tư năm nay 88 tuổi                        là người được đề nghị phong tặng danh hiệu NNƯT đang sống nương nhờ con cháu
Nghệ nhân Trần Văn Tư năm nay 88 tuổi là người được đề nghị phong tặng danh hiệu NNƯT đang sống nương nhờ con cháu
Trên thực tế, chúng ta còn rất nhiều nghệ nhân. Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An và Hà Tĩnh có gần 100 câu lạc bộ (CLB) dân ca với 803 nghệ nhân, nghệ sỹ, nhạc sỹ chuyên nghiệp. Trong đó Nghệ An có 92 CLB, bình quân mỗi CLB gồm 20 người và có từ 1 - 3 nghệ nhân. Nghệ nhân Trần Văn Tư, Chủ nhiệm CLB ví phường vải Kim Liên, huyện Nam Đàn năm nay đã 88 tuổi. Cụ là một trong 21 người được đề nghị phong tặng danh hiệu NNƯTđợt này. Cụ Trần Văn Tư được phong tặng danh hiệu NNDG năm 2008. Thời điểm đó có 8 người được phong tặng, cùng với danh hiệu, mỗi nghệ nhân được tặng số tiền 900.000 đồng.
 
Từ đó đến nay, nghệ nhân Tư không hề được hưởng bất cứ một chế độ hay hỗ trợ gì thêm, ngoại trừ những buổi biểu diễn, liên hoan đã có kinh phí tập luyện, biểu diễn. Nghệ nhân Tư cho biết: “Khi được công nhận danh hiệu NNDG, chúng tôi được kêu gọi, vận động phát huy tính tự giác về quê hương gìn giữ, bảo tồn và truyền dạy dân ca ví, giặm. Nếu như tỉnh không vận động thì chúng tôi vẫn làm bằng trách nhiệm, tình yêu và tâm huyết với dân ca mà không đòi hỏi một chế độ nào. Nhưng nếu tỉnh quan tâm, có chế độ hỗ trợ cho các nghệ nhân thì đó sẽ là nguồn động viên tinh thần, khích lệ mọi người”. 
 
Ai cũng biết rằng, bản chất của việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể là nhằm tôn vinh những đóng góp của họ đối với cộng đồng. Tuy nhiên, nếu có quy định cụ thể về các chế độ đãi ngộ phù hợp với thực tiễn cuộc sống thì các nghệ nhân dân gian mới có thể yên tâm cống hiến, truyền dạy và lưu giữ các giá trị văn hóa trong các loại hình nghệ thuật dân gian của lĩnh vực văn hóa phi vật thể. NSƯT Nguyễn Ngọc Ất, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy dân ca ví, giặm chia sẻ, trên thực tế, mặc dù không được Nhà nước trả lương nhưng phía tỉnh và Sở cũng rất quan tâm tới các nghệ nhân. Tuy nhiên, để có một chế độ hỗ trợ thì rất khó bởi không có kinh phí. Ngay cả đời sống của anh chị em nghệ sỹ, diễn viên cũng đang gặp nhiều khó khăn. Nếu như đợt này, các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNƯT thì họ sẽ được hưởng chính sách, chế độ của Nhà nước. 
 
Bộ LĐ-TB&XH đã chính thức lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân (NNND) và NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Dự thảo Nghị định quy định trợ cấp sinh hoạt hàng tháng (dự kiến sẽ có 3 mức: 1.100.000 đồng, 900.000 đồng và 700.000 đồng/người/tháng), bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng… đối với nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.
 
Cụ thể, các NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn là những người thuộc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức lương cơ sở do Chính phủ quy định, gồm: Người từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam hoặc từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ sống độc thân...  Theo thống kê, hiện có khoảng 75,3% nghệ nhân ở độ tuổi nghỉ hưu, 50% nghệ nhân thuộc dân tộc thiểu số, 60% nghệ nhân sinh sống gắn với nông nghiệp nên phần lớn không có đối tượng làm việc và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Do đó, chính sách này chưa thể lấp đầy “lỗ hổng” đãi ngộ nghệ nhân. Với các nghệ nhân cao tuổi thuộc diện lao động tự do (chiếm số đông), các khoản bảo hiểm y tế hay bảo hiểm xã hội cho họ vẫn chưa được xem xét. Và những gì chúng ta đang làm mới chỉ dừng lại ở việc phong tặng danh hiệu, mang tính động viên tinh thần.
 
Theo kế hoạch, sẽ có công bố chính thức về việc xét tặng danh hiệu NNƯT vào tháng 9/2015. Ước tính, trong số các nghệ nhân trên toàn quốc hiện đã và đang được xét tặng danh hiệu NNƯT, có khoảng 560 người thuộc diện được hưởng trợ cấp nói trên. Và dù có được tôn vinh NNƯT thì nhiều nghệ nhân ở tuổi xế chiều vẫn phải chật vật mưu sinh. Nếu như không sớm có chính sách đãi ngộ những “báu vật sống” này thì e sẽ không kịp, bởi họ không có thêm thời gian để chờ.
.

Huyền Thương

.