Văn hóa - Giáo dục
Bác Hồ với phụ nữ Nghệ An
(Congannghean.vn)-Trong hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc cũng như trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt ra mục tiêu giải phóng giai cấp gắn với giải phóng phụ nữ. Sinh thời, Người luôn đánh giá cao vai trò của phụ nữ. Người từng nói: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”... Với quê hương xứ Nghệ, Người luôn dành tình cảm sâu nặng, yêu thương vô hạn với phụ nữ.
Tuổi thơ của Bác gắn liền với những làn điệu dân ca của bà, của mẹ. Hình ảnh người bà, người mẹ lam lũ, tần tảo, hy sinh vì chồng, vì con đã in sâu trong tâm trí Người. Bởi thế, Người luôn yêu thương, kính trọng phụ nữ. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, vị cha già dân tộc luôn quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ, nhìn thấy sức mạnh to lớn của họ đối với phong trào cách mạng. Bác cũng là người tiếp thêm sức mạnh cho chị em vùng dậy đấu tranh, đánh đuổi quân xâm lược.
Bác Hồ tặng hoa phong lan cho 3 nữ dân quân tự vệ Liên khu IV - Ảnh tư liệu |
Chị em phụ nữ Nghệ An đã nhiều lần vinh dự nhận được thư khen, động viên của Bác. Ngày 1/5/1949, Người gửi thư cho Hội mẹ chiến sỹ Liên khu IV, trong đó có đoạn: “Các chiến sỹ thì sẵn sàng hy sinh gia đình, hy sinh tính mệnh để giết giặc cứu nước..., các bà thì thương yêu săn sóc chiến sỹ như con cháu ruột thịt. Thế là các cụ, các bà cũng trực tiếp tham gia kháng chiến”. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, Nghệ An chịu sự bắn phá ác liệt ngày đêm của địch, nhằm cắt đứt các tuyến giao thông, ngăn chặn nguồn tiếp viện từ hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam.
Các đội thanh niên xung phong Nghệ An đã không quản mưa bom, bão đạn sửa cầu, làm đường, làm những cọc tiêu sống dẫn đường cho xe qua, đảm bảo giao thông thông suốt. Trong lá thư gửi Đội Thanh niên xung phong 333 ngày 27/1/1969, Bác viết: “Các cháu gái đã dũng cảm chiến đấu, tích cực lao động, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đảm bảo cầu đường được thông suốt luôn... Các cháu xứng đáng là những thanh niên ưu tú của nhân dân Việt Nam anh hùng”. Người còn căn dặn: “Giặc Mỹ đã thua to, nhưng chúng vẫn rất ngoan cố. Vì vậy, các cháu phải nêu cao ý chí chiến đấu, tinh thần cảnh giác cách mạng; luôn luôn đoàn kết, ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hoá để ngày càng tiến bộ; đem hết nhiệt tình, tài năng của tuổi trẻ cống hiến thật nhiều cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước”.
Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Người chỉ về thăm quê được 2 lần. Vào năm 1957, dù chỉ về thăm quê trong một thời gian ngắn nhưng Bác đã dành thời gian để trò chuyện với các chị em phụ nữ. Bác biểu dương các chị em biết làm kinh tế, tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống. Lần đó, Bác còn biểu dương chị Trương Thị Tâm ở huyện Nghĩa Đàn, một mình nuôi hàng trăm con gà, vừa làm ruộng, chăn nuôi, chị vừa làm công tác xã hội, hội phụ nữ. Người cũng thẳng thắn nhắc nhở những địa phương làm chưa tốt cần phải cố gắng hơn và động viên các cháu gái đi học, cố gắng học hành.
Vào năm 1962, Bác đến thăm Nhà máy Cơ khí Vinh, ân cần hỏi thăm, động viên, đồng thời nhắc nhở các nữ công nhân ở đây tiếp tục cố gắng, có nhiều sáng kiến hơn trong công việc... Bác cũng không quên nhắc nhở, đề nghị các cấp lãnh đạo địa phương, đơn vị quan tâm đến phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển. Ghi nhận những thành tích, đóng góp của phụ nữ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, Người tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Đây chính là lời khẳng định của Bác về vai trò, vị trí không thể thiếu của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Đến tận cuối cuộc đời, Bác vẫn dành tình cảm, sự quan tâm đặc biệt cho các thế hệ phụ nữ và gửi gắm niềm tin yêu, mong chị em thực sự được bình đẳng, tiến bộ. Trong Di chúc, Bác viết: “Đảng, Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng có thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Dù Bác đã đi xa nhưng những lời căn dặn của Người với chị em phụ nữ chính là định hướng, là nguồn cổ vũ to lớn để phụ nữ Việt Nam nói chung và chị em phụ nữ Nghệ An nói riêng vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng. Chị em phụ nữ ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí cũng như có nhiều đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực xã hội, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác trao tặng.
(Trong bài có sử dụng tài liệu “Hồ Chí Minh toàn tập”, “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh")
Huyền Thương