Văn hóa - Giáo dục

Phải luôn hiểu lịch sử dân tộc!

10:10, 01/11/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Sau một thời gian Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến về góp ý dự thảo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể, mới đây, Bộ đã công bố một số nội dung dự thảo chương trình GDPT tổng thể. Đáng chú ý trong đó có môn Lịch sử sẽ là môn tự chọn, mặc dù Lịch sử vẫn là môn học bắt buộc trong chương trình GDPT. Điều này khiến không ít giáo viên và người dân lo ngại.

Trong thời gian lấy ý kiến góp ý dự thảo, rất nhiều nhà giáo, chuyên gia lịch sử đề xuất Lịch sử phải là môn học bắt buộc trong nhà trường. Điều này hoàn toàn đúng, bởi lịch sử là nền tảng cơ bản, là giá trị văn hóa cốt lõi của mỗi quốc gia, dân tộc, là cơ sở để bồi dưỡng, phát huy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc. Đó cũng là điều mà nền giáo dục quốc gia nào cũng hướng tới.

Học sinh Trường THCS Cửa Nam tìm hiểu về các sự kiện lịch sử
Học sinh Trường THCS Cửa Nam tìm hiểu về các sự kiện lịch sử

Thời gian vừa qua, đã có rất nhiều ý kiến phản đối việc Bộ GD&ĐT xây dựng môn Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc THPT. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển vừa có báo cáo tổng hợp và tiếp thu, giải trình các ý kiến.

Theo chương trình tổng thể, ở bậc THPT, môn Công dân với Tổ quốc là một trong 4 môn học bắt buộc, tích hợp của 3 phân môn: Đạo đức - Công dân, Lịch sử và Quốc phòng - An ninh; đáp ứng yêu cầu cơ bản của chương trình GDPT mới là định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; định hướng giá trị công dân, hội nhập quốc tế; tuân thủ Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh.

Các kiến thức phổ thông nền tảng được hoàn thành ở cấp tiểu học và THCS, ở cấp THPT là định hướng nghề nghiệp, có ít môn học bắt buộc. Điều này có nghĩa, Lịch sử sẽ là nội dung giáo dục bắt buộc đối với bậc THPT. Ngoài ra, các em còn được tự chọn môn học này ở môn Khoa học xã hội. Đồng thời, nội dung này còn được giáo dục tích hợp trong các môn học khác.

Tuy nhiên, điều mà các nhà giáo và nhiều người lo ngại là, với nội dung bắt buộc trong một môn tích hợp thì liệu có thể đưa hết kiến thức Lịch sử vào chương trình hay không. Và liệu học sinh có mặn mà trong việc lựa chọn môn Lịch sử.

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, TP Vinh cho rằng: “Dù là tích hợp hay liên môn thì môn Lịch sử là môn học mang tính đặc thù, không thể dạy theo chương trình tổng hợp mà phải là môn học độc lập. Nếu để Lịch sử là môn học tự chọn thì ít nhiều sẽ làm cho giới trẻ không hiểu về lịch sử dân tộc”.

Nếu như nói rằng, việc các em học sinh không thích học lịch sử là hoàn toàn không đúng. Trong dịp kỷ niệm 85 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh, tới tham quan Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, tôi bắt gặp một nhóm học sinh Trường THCS Cửa Nam, TP Vinh vào Bảo tàng. Cô thuyết minh viên nói rằng, những học sinh này tuần nào cũng đến đây và rất thích nghe, tìm hiểu về những câu chuyện lịch sử.

Qua trò chuyện nhận thấy, các em khá am hiểu về lịch sử, nhất là quá trình đánh giặc ngoại xâm của ông cha. Tôi hiểu rằng, không phải các em không yêu lịch sử, chỉ có điều phương pháp dạy sử truyền thống khiến các em ngày càng xa rời môn học này. Thay vì “cô đọc, trò chép”, nếu như học sinh được trải nghiệm bằng cách tham quan các bảo tàng, địa chỉ đỏ, khu di tích thì có thể, các em sẽ khắc sâu hơn và có hứng thú với những câu chuyện, nhân vật lịch sử.

Trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 vừa qua, trong 3 môn thi tự luận khối C, Lịch sử là môn thi có số lượng điểm 0 nhiều nhất. Những bài thi Lịch sử đã phần nào phản ánh thực tế “dân ta không biết sử ta” của một bộ phận học sinh. Còn nhớ trong một chương trình truyền hình, khi được hỏi về vị vua Quang Trung - Nguyễn Huệ, những câu trả lời ngô nghê của các em đã khiến mọi người sửng sốt.

Thiết nghĩ, không biết sẽ còn bao nhiêu kiến thức lịch sử bị nhầm lẫn và quên lãng như thế khi mà môn học này vẫn còn bị xem là môn phụ.

Huyền Thương

Các tin khác