Văn hóa - Giáo dục

Những trang sách hướng thiện

11:01, 11/11/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Sau giờ lao động, cải tạo, các phạm nhân đang thi hành án tại Trại giam số 3 lại vào thư viện đọc sách. Những tủ sách “lưu động” được đặt ngay trong buồng giam để phục vụ nhu cầu đọc của phạm nhân và luôn được “quay vòng” sang các phân trại khác. Những trang sách không chỉ giúp họ được tiếp cận với thông tin, tri thức mà còn gieo cả những ước mơ, khát vọng hướng thiện vào những tâm hồn đã từng lầm lạc.

Phạm nhân Nguyễn Hữu Vinh đang thụ án tại Trại giam số 3, Tổng cục VIII, Bộ Công an vừa giành được giải Nhất trong Hội thi tuyên truyền giới thiệu kể chuyện theo sách. Tham gia hội thi với bài thuyết trình “Học Bác lòng ta trong sáng hơn”, anh đã giới thiệu đến mọi người tập sách những câu chuyện về Bác.

Với anh, những trang sách về Bác càng làm anh thấm thía hơn những lỗi lầm mình đã gây ra để rồi có cơ hội soi lại mình, chuyên tâm cải tạo để sớm được trở về với xã hội, từng bước làm lại cuộc đời. Sau giờ lao động, anh Vinh dành phần lớn thời gian rảnh rỗi để tìm đọc những cuốn sách về Bác.

Còn với phạm nhân Phạm Xuân Dinh, từ ngày thư viện hoạt động, ngày nào anh cũng đọc sách. Vì trước đây công tác trong ngành nông nghiệp nên Dinh luôn có sở thích tìm hiểu những cuốn sách hướng nghiệp về sản xuất. Với những kiến thức thu được trong sách cộng với kinh nghiệm vốn có, Phạm Xuân Dinh đã mạnh dạn đề xuất và giúp đỡ cán bộ quản giáo việc tổ chức lao động sản xuất tại khu vực từ việc chăn nuôi, trồng trọt...

Cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh tổ chức cho phạm nhân đọc sách tại thư viện
Cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh tổ chức cho phạm nhân tìm kiếm loại sách phù hợp tại thư viện

Các anh Vinh và Dinh chỉ là hai trong số hàng nghìn phạm nhân đã tìm được niềm vui, ý nghĩa cuộc sống thông qua những cuốn sách. Những cuốn sách đã chạm được đến góc khuất tâm hồn của mỗi phạm nhân, giúp họ có thêm nghị lực để vượt qua những khó khăn, trở ngại.

Dẫu bàn tay đã từng “nhúng chàm” nhưng sâu thẳm trong tâm hồn, họ luôn mong muốn được trở về nẻo thiện, sống cuộc sống như những người bình thường. Qua từng trang sách, các phạm nhân như tìm lại được chính mình, được giãi bày những tâm tư, tình cảm và nguyện vọng với người thân, gia đình và xã hội.

Thực hiện chương trình phối hợp giữa Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Bộ Công an về việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trong các trại tạm giam, trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Thư viện tỉnh Nghệ An đã chủ trì, phối hợp với các trại tạm giam, trại giam và trung tâm lao động xã hội trên địa bàn xây dựng tủ sách cho phạm nhân, học viên.

Theo đó, các trại giam thực hiện việc xây dựng các thư viện cho phạm nhân. Hàng tháng hoặc hàng quý, Thư viện tỉnh luân chuyển các đầu sách về cho trại giam. Những đầu sách này đã được phân loại và chọn lọc trên cơ sở khảo sát nhu cầu đọc của phạm nhân; trong đó chủ yếu được chia làm 3 mảng: Sách hướng nghiệp, sách giáo dục đạo đức, pháp luật, rèn luyện kỹ năng sống và dòng sách tiểu thuyết, văn học... Ở Trại tạm giam Công an tỉnh, thư viện nằm ngay tại hội trường.

Phạm nhân Trần Văn Sinh được giao nhiệm vụ phục vụ quản lý thư viện cho biết: Thư viện mở cửa vào cuối buổi để phục vụ mọi người. Ở đây thiếu thông tin nên mọi người rất thích đọc sách và có ý thức bảo quản sách, mượn trả đúng quy định”.

Còn tại Trại giam số 6 và Trại giam số 3 thuộc Bộ Công an hiện đang giam giữ hàng nghìn phạm nhân thì tủ sách được xây dựng ở các buồng giam. Phạm nhân có thể đọc vào bất kỳ thời điểm nào. Sau khi các phạm nhân đọc xong, số sách này được “quay vòng”, chuyển đi cho những phân trại khác.

Vì thế, các phạm nhân luôn được đọc những loại sách mới, với đầy đủ chủng loại. Trong dịp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21/4, nhiều phạm nhân đã trực tiếp gặp cán bộ Thư viện tỉnh bày tỏ mong muốn được cấp thêm nhiều loại sách.

Ông Dương Duy Tiến, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An cho biết: “Việc xây dựng tủ sách cho phạm nhân được triển khai thực hiện rất hiệu quả. Mục đích của chương trình này không chỉ dừng lại ở việc nâng cao đời sống tinh thần cho phạm nhân mà còn khơi gợi sự hướng thiện trong con người họ, hướng họ đến với những điều nhân văn của cuộc sống, từ đó phấn đấu lao động, cải tạo tốt. Trong thời gian tới, Thư viện tỉnh sẽ dựa trên kết quả khảo sát của các đơn vị để cung cấp nhiều đầu sách hơn, qua đó đáp ứng nhu cầu đọc của phạm nhân”.

Huyền Thương

Các tin khác