Văn hóa - Giáo dục
Dân phản đối sửa chữa trường mầm non: Trẻ chịu thiệt thòi
(Congannghean.vn)-Điểm 2 Trường Mầm non Quỳnh Lập ở xóm Đồng Minh, xã Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An có hơn 70 trẻ theo học. Do nằm cách xa trung tâm xã, điều kiện đi lại khó khăn nên trường đã mượn nhà văn hóa của xóm Đồng Minh để phục vụ việc dạy và học. Không có nước sạch, không có nhà vệ sinh nên quá trình dạy học của cô và trò gặp rất nhiều khó khăn. Đầu năm học 2015 - 2016, Phòng Giáo dục thị xã đã có đề án nâng cấp, sửa chữa lớp học; thế nhưng lại vấp phải sự phản đối, cản trở của một số người dân.
Khó như đi học nhờ
Các xóm Đồng Minh, Tân Minh, Đồng Thành, xã Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An nằm cách trung tâm xã hơn 10 km. Để thuận tiện cho việc học của trẻ trong độ tuổi mầm non, Trường Mầm non Quỳnh Lập mở 2 điểm trường tại xóm Đồng Minh và Đồng Thành.
Điểm Trường Mầm non Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai tại xóm Đồng Minh chưa có công trình nước sạch, nhà vệ sinh, tường bao và sân chơi an toàn cho trẻ |
Từ năm 2001, cả hai điểm trường này đều phải mượn nhà văn hóa xóm để dạy học. Điều này nhận được sự đồng thuận của chính quyền địa phương và nhân dân xã nhà. Tuy nhiên, tại đây lại không có nước sạch và công trình vệ sinh.
Hàng ngày, các cô giáo phải khắc phục khó khăn, thiếu thốn, kiên trì bám trường, bám lớp. Các cô thường đến từ rất sớm để xin nước sạch của bà con và khiêng đồ chơi ra ngoài. Năm nào nhà trường cũng phát đồ chơi ngoài trời về cho lớp nhưng các cô không dám nhận vì không thể khiêng ra.
Ngoài ra, vì hệ thống tường bao thấp, lớp học không có bảo vệ nên không thể để bên ngoài. Vì vậy, mỗi lần đưa ra đưa vào lại rất vất vả. Cô Đặng Thị Song Lương, giáo viên dạy lớp lớn cho biết: “Năm nay, trường cấp mấy con thú nhún bằng sắt nhưng vì cồng kềnh, tôi không thể đưa ra hết nên đành để các cháu chơi trong nhà. Ngày nào chúng tôi cũng phải đến nhà người dân xin nước rồi gánh về trường. Do vậy, cả cô và trò đều phải sử dụng tiết kiệm nước đến mức tối đa”.
Hàng ngày, 2 cô giáo phải đi xin nước ở nhà người dân để các cháu sử dụng |
Năm học này, điểm trường tại xóm Đồng Minh có 2 lớp: lớp nhỡ và lớp lớn, với hơn 70 trẻ, trong đó lớp nhỡ có 46 trẻ. Vì vậy, công việc của cô Lê Thị Hoài có phần vất vả hơn. Cô Hoài mới được tăng cường về dạy tại trường hơn 1 tháng nay, thay thế một cô giáo nghỉ sinh. Thời gian mới về trường, cô gặp phải rất nhiều tình huống “dở khóc, dở cười”. “Khổ nhất là cho các cháu đi vệ sinh. Cháu nào muốn đại tiện nếu ở gần thì tôi cho về nhà, còn các cháu ở xa thì lại phải chở cháu đi và nhờ cô giáo khác quản lớp”, cô Hoài chia sẻ.
Trẻ thiệt đủ đường
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định mở rộng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, Khu kinh tế này được điều chỉnh tăng thêm khoảng 1.200 ha là toàn bộ diện tích Khu công nghiệp Hoàng Mai và Khu công nghiệp Đông Hồi. Theo đó, 3 xóm Đồng Minh, Tân Minh và Đồng Thành, xã Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An nằm trong diện quy hoạch của Khu công nghiệp Đông Hồi.
Theo quy định, đất quy hoạch không được cơi nới, xây dựng mà chỉ được phép sửa chữa, nâng cấp khi được sự đồng ý của lãnh đạo tỉnh. Giữa năm 2015, sau khi được UBND tỉnh cho phép, Phòng Giáo dục TX Hoàng Mai đã có đề án hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp 2 điểm trường mầm non với tổng kinh phí gần 750 triệu đồng.
Đến nay, điểm trường mầm non tại nhà văn hóa Đồng Thành đã hoàn thành việc nâng cấp, sửa chữa, đáp ứng các yêu cầu về hệ thống cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện học tập và vui chơi của các cháu. Tuy nhiên, tại xóm Đồng Minh, đề án này vẫn chưa được triển khai. Nguyên nhân là do vấp phải sự phản đối của một số người dân.
Ông Mai Văn Khư, Xóm trưởng xóm Đồng Minh cho biết: “Sau khi có đề án sửa chữa, chúng tôi đã tổ chức 8 cuộc họp để tuyên truyền, vận động bà con nhân dân sửa chữa nhà văn hóa để con em có nơi học tập khang trang, sạch sẽ nhưng rất nhiều lần, một vài hộ gia đình đã phản đối và cho rằng, việc mượn nhà văn hóa để dạy học làm cho nhân dân trong xóm không có nơi sinh hoạt. Trên thực tế, lớp học đã được duy trì hơn 14 năm nay và luôn nhận được sự ủng hộ từ phía người dân. Các cuộc họp của xóm đều tổ chức vào buổi tối hoặc cuối tuần, còn các hoạt động vui chơi, thể dục thể thao của bà con vẫn diễn ra bình thường, sau khi các cháu tan học lúc 16 giờ 30 phút hàng ngày”.
Ông Khư cũng cho rằng, có khả năng số người phản đối trên bị đối tượng xấu kích động, dẫn tới hành vi cản trở việc dạy và học. “Gần đây, ổ khóa của lớp học bị nhỏ keo con voi. Vì vậy, chúng tôi phải cắt khóa, còn các cô giáo phải liên tục bỏ tiền mua khóa mới”, cô Lương phản ánh.
Vì không nhận được sự thống nhất trong nhân dân nên đề án trên phải dừng lại, trong đó người chịu thiệt thòi nhất vẫn là trẻ em trên địa bàn xã. Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Quang Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập cho biết: “Vì không tìm được “tiếng nói chung” giữa 2 bên nên TX Hoàng Mai đã có chỉ đạo giao cho xóm tự vận động các nguồn lực để sửa chữa, vì nhà văn hóa đã xuống cấp, hư hỏng. Trong kỳ nghỉ hè vừa qua, đã tiến hành quét sơn, làm lại phần mái, lát gạch mới, hiện nay đang chuẩn bị xây lại tường bao và cổng trường mầm non; đồng thời huy động nguồn xã hội hóa để xây dựng nhà vệ sinh”.
Hiện, TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An đang nỗ lực để đạt các tiêu chí phổ cập giáo dục mầm non. Mặc dù chính quyền địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện nhưng công tác phổ cập giáo dục mầm non vẫn gặp nhiều khó khăn.
Theo kết quả của đoàn kiểm tra UBND tỉnh vào tháng 7 vừa qua, trong số 181 phòng học của các trường mầm non, còn có 22 phòng học tạm (chiếm 12,15%) và có đến 35 phòng học đang phải đi mượn (chiếm 19,34%). Với những vùng cách xa trung tâm không có địa điểm mở lớp, lại nằm trong phần đất quy hoạch như ở xã Quỳnh Lập thì việc học nhờ, học tạm cũng là điều khá dễ hiểu. Tuy nhiên, dù học ở đâu thì sự an toàn và việc đảm bảo các điều kiện cần thiết phục vụ việc học của các em vẫn phải được ưu tiên hàng đầu. Trên thực tế, trong khi ngành giáo dục và nhân dân trên địa bàn xã chưa tìm được “tiếng nói chung” thì người thiệt thòi nhất vẫn là các trẻ mầm non.
Huyền Thương