Văn hóa - Giáo dục
Đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy trong trường học
(Congannghean.vn)-Sau 3 năm triển khai thí điểm giảng dạy tại 8 trường THPT, 3 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên cả nước, bắt đầu từ năm học 2013 - 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đưa nội dung phòng, chống tham nhũng (PCTN) vào chương trình GD&ĐT, bồi dưỡng.
Theo Chỉ thị, việc đưa nội dung giảng dạy PCTN vào chương trình GD&ĐT, bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh bậc THPT về mục đích, yêu cầu của công tác PCTN; trang bị cho học sinh các khái niệm, biểu hiện của tham nhũng; nguyên nhân, tác hại của tham nhũng đối với xã hội. Ở tỉnh ta, sau khi Chỉ thị 10/CT-TTg được ban hành, Sở GD&ĐT đã ban hành Công văn số 150/SGD&ĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện việc tích hợp, lồng ghép nội dung giảng dạy PCTN vào môn Giáo dục công dân (GDCD), tổ chức tập huấn cho lãnh đạo và giáo viên giảng dạy môn GDCD.
Học sinh Trường THPT Hà Huy Tập, TP Vinh trong giờ GDCD với nội dung phòng, chống tham nhũng |
Bắt đầu từ học kỳ 2 năm học 2013 - 2014, Sở đã triển khai đưa nội dung PCTN được tích hợp, lồng ghép vào môn GDCD với thời lượng 6 tiết, được phân bổ trong 3 năm học (từ lớp 10 đến lớp 12) tới 90 trường THPT, 21 trung tâm giáo dục thường xuyên. Tùy thuộc vào điều kiện của các trường, ban giám hiệu nhà trường sẽ chủ động xây dựng chương trình, lựa chọn những nội dung thích hợp đưa vào phân bổ trong chương trình học.
Bên cạnh việc lồng ghép, tích hợp nội dung PCTN vào môn GDCD, các trường còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, xây dựng các chương trình sân khấu hóa để tuyên truyền PCTN với một số hình thức như: Báo cáo chuyên đề, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về PCTN, lồng ghép nội dung PCTN vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt chính trị đầu tuần, đầu năm, xây dựng chuyên mục PCTN trên trang thông tin của trường…
Đây là nội dung mới và tương đối khó, lại được áp dụng vào môn GDCD, là một môn học chưa được chú trọng nhiều nên khi triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, việc đưa nội dung PCTN vào trường học là rất cần thiết và hữu ích cho các em học sinh, bởi nó giúp các em nhận thức và có thái độ đúng đắn về vấn đề PCTN, từ đó hình thành cho học sinh lối sống chính trực, trong sáng, dám nghĩ, dám làm, hướng tới trở thành công dân có nhân cách tốt.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, đội ngũ giáo viên phụ trách môn GDCD cùng với ban lãnh đạo các trường đã từng bước khắc phục khó khăn, tìm kiếm nhiều tài liệu về PCTN, những ví dụ thực tế để đưa vào bài giảng, qua đó giúp học sinh cảm thấy hứng thú hơn. Mặc dù số lượng tiết học không nhiều nhưng qua các tiết học, các học sinh đã được trang bị các kiến thức, hiểu biết về tham nhũng… Em Nguyễn Thị Thắm, học sinh lớp 10 Trường THPT Phan Thúc Trực, huyện Yên Thành chia sẻ: “Đây là nội dung khá mới mẻ, nhưng em và các bạn không cảm thấy khô khan, khó hiểu vì hình thức giảng dạy rất hấp dẫn. Các thầy cô thường đưa ra những dẫn chứng cụ thể xoay quanh cuộc sống hàng ngày. Thêm vào đó, trường còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích, giúp chúng em hiểu thêm về thực trạng tham nhũng và hướng học sinh tới việc trở thành một công dân tốt”.
Thầy Hoàng Minh Lương, Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập, TP Vinh cho biết: “Trước thực trạng PCTN là vấn đề nóng của xã hội, là chủ trương cấp bách của Đảng, Nhà nước thì việc đưa nội dung này vào giảng dạy là hết sức cần thiết. Sau 2 năm triển khai đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại nhà trường, bước đầu đã mang lại kết quả khả quan. Học sinh tiếp cận với các kiến thức mới nhưng không hề bỡ ngỡ, bởi sự tận tâm và luôn đổi mới cách thức giảng dạy của các thầy cô”. Tuy nhiên, theo thầy Lương, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giảng dạy nội dung này, các giáo viên cần tăng tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong giảng dạy, không nên quá bám sát, phụ thuộc vào nội dung sách giáo khoa.
Qua 2 năm học triển khai đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các trường THPT trong tỉnh đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc ngăn chặn, đấu tranh với nạn tham nhũng trong cán bộ, giáo viên và học sinh. Để nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác này, ngành GD&ĐT cần tiếp tục tập huấn cho cán bộ, giáo viên đang trực tiếp triển khai thực hiện về nội dung, phương pháp giảng dạy. Đồng thời, tăng cường các buổi sinh hoạt chuyên đề về pháp luật, khuyến khích những tác phẩm có nội dung lên án về hành vi tham nhũng trong các cuộc thi, hội diễn văn nghệ của trường.
Đặng Duyên