Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201505/xa-hoi-luon-de-cao-vai-tro-cua-nhung-nguoi-chong-tham-nhung-605637/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201505/xa-hoi-luon-de-cao-vai-tro-cua-nhung-nguoi-chong-tham-nhung-605637/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Xã hội luôn đề cao vai trò của những người chống tham nhũng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 04/05/2015, 09:49 [GMT+7]

Xã hội luôn đề cao vai trò của những người chống tham nhũng

(Congannghean.vn)-Cá nhân lập thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng có thể nhận mức thưởng lên đến 3.000 lần mức lương cơ sở (tương đương 3,4 tỉ đồng). Đây là quy định mới tại Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-TTCP-BNV (thay thế Thông tư  03 ngày 6/5/2011), quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng vừa được Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/5/2015.
 
Phòng, chống tham nhũng là vấn đề xã hội được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Rất nhiều nghị quyết, chỉ thị được ban hành với nhiều chủ trương, chính sách cụ thể và kiên quyết đã được thực hiện nhưng tham nhũng vẫn chưa bị đẩy lùi, thậm chí còn có xu hướng lan rộng, "biến tướng" dưới nhiều hình thức. 
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An biểu dương những cá nhân có thành tích  trong phòng, chống tham nhũng
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An biểu dương những cá nhân có thành tích trong phòng, chống tham nhũng
Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2005) quy định rõ: “Công dân có quyền phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng; có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng”. Nhằm đánh giá vai trò của công dân cũng như trách nhiệm xã hội trước tệ nạn này, mỗi công dân thực sự phải là "tai, mắt", phải thực sự hiểu biết, từ đó thực hiện đúng quy định của pháp luật (trong phạm vi pháp luật không cấm); ý thức được trách nhiệm công dân trong “cuộc chiến” này. 
 
Pháp luật đã có, cơ chế cũng đã ban hành, song những năm qua, “cuộc chiến” chống tham nhũng còn gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi công dân chưa thể hiện và phát huy được vai trò "giám sát" của mình. Một trong những "rào cản" trong việc phòng, chống tham nhũng có thể là do họ đứng "ngoài cuộc" và "muốn được ngoài cuộc". Bản thân người dám đứng ra chống tham nhũng hoặc cung cấp thông tin chống lại tham nhũng luôn mang tâm lý sợ bị trả thù, sợ vi phạm các quy định, bôi nhọ người khác..., thậm chí là sợ phải "đơn phương" trong “cuộc chiến” này.
 
Do đó, nhằm nâng cao vai trò của công dân trong việc phòng, chống tham nhũng, mỗi công dân phải tự nhận thức được trách nhiệm của mình đối với xã hội, với cộng đồng và vì sự tồn vong của đất nước. Người dân cần chủ động nâng cao hiểu biết về phòng, chống tham nhũng, gắn với việc thực hiện các quyền dân chủ cơ sở. Cùng với đó, các cơ quan Nhà nước cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật đến mọi người dân. Song song với đó là các cấp, ngành cần có cơ chế tôn vinh, khen thưởng nhằm bảo vệ những người tiên phong, dũng cảm đứng ra tố cáo các hành vi tham nhũng; từng bước xây dựng "văn hoá chống tham nhũng" trong xã hội. 
 
Thông tư liên tịch số 01 giữa Bộ Nội vụ và Thanh tra Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/5 sẽ là một "hành lang pháp lý" cũng như sự "tiếp sức" quan trọng cho mỗi công dân trong “cuộc chiến” chống tệ nạn này. Theo đó, những cá nhân lập thành tích xuất sắc trong tố cáo hành vi tham nhũng và cộng tác với cơ quan chức năng xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản cho Nhà nước sẽ được khen thưởng  với 3 hình thức: Huân chương Dũng cảm, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương.
 
Ngoài mức thưởng theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng, người lập thành tích xuất sắc trong tố cáo hành vi tham nhũng còn được thưởng, trích từ Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ quản lý với các mức: Huân chương Dũng cảm thưởng bằng 60 lần mức lương cơ sở (trên 60 triệu đồng), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ thưởng bằng 40 lần mức lương cơ sở (trên 40 triệu đồng), Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương thưởng bằng 20 lần mức lương cơ sở (trên 20 triệu đồng). Trong trường hợp giúp thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở thì được xét thưởng vượt mức quy định trên đây nhưng không vượt quá 10% số tiền, giá trị tài sản thu hồi được và không vượt quá 3.000 lần mức lương cơ sở (tương đương 3,4 tỉ đồng). 
 
Cuộc đấu tranh chống lại nạn tham nhũng không hề đơn giản mà là "cuộc chiến" rất cam go, quyết liệt. Vì vậy, để thực hiện các quy định khen thưởng trên, điều quan trọng nhất là bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Bởi, nếu không bảo vệ được người tố cáo tham nhũng thì chẳng những không thể khen thưởng mà người tố cáo tham nhũng còn bị trù dập và kéo theo bao hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân mỗi người. Do đó, muốn đạt được kết quả trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, cần kết hợp đồng bộ việc bảo vệ những người tố cáo tham nhũng và chống lại mọi biểu hiện tha hóa, biến chất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó đặc biệt là những người có chức, có quyền.
.

Xuân Thống

.