Thứ Sáu, 19/06/2020, 09:42 [GMT+7]

Ấn-Trung lần đầu tiên đổ máu sau 45 năm: Vì đâu nên nỗi?

Ấn Độ và Trung Quốc từng xảy ra một cuộc chiến tranh quy mô cùng vô số cuộc va chạm, đụng độ, xung đột dọc theo Đường Kiểm soát thực tế (LAC) được xem như biên giới giữa hai nước, song việc đây là cuộc đụng độ gây chết người lần đầu tiên sau 45 năm qua đã phần nào cho thấy mức độ nghiêm trọng tới mức nào.

 

Binh sĩ 2 nước Ấn Độ và Trung Quốc triển khai hai bên đường LAC

Đốm lửa nhỏ trên “thùng thuốc súng” LAC

Hiện cả Ấn Độ và Trung Quốc cùng đổ lỗi cho nhau trong cuộc đụng độ đêm 15-6 vừa qua nằm trên Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) giữa Ấn Độ-Trung Quốc tại thung lũng Galwan. Với 23 sĩ quan, binh sĩ phía Ấn Độ thiệt mạng, trong khi Trung Quốc không công bố con số thương vong.

Cuộc đụng độ đêm 15-6 vừa qua là cuộc xung đột chết người đầu tiên tại khu vực LAC được xem như là đường biên giới giữa hai nước kể từ năm 1975 tới nay cũng là cuộc xung đột có số thương vong rất lớn cho cả hai bên tại nơi luôn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát căng thẳng.

Tình hình căng thẳng dọc LAC giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại thung lũng chiến lược Galwan bắt đầu từ tháng 5 vừa qua khi Ấn Độ xây dựng con đường Ladakh chạy dọc theo LAC giữa hai nước. Tranh chấp chủ quyền là nguyên nhân dẫn tới cuộc chiến tranh biên giới quy mô lớn giữa Ấn Độ và Trung Quốc năm 1962 khiến hơn 2.000 binh sĩ của hai bên thiệt mạng, đồng thời cuộc chiến tranh này cũng dẫn tới LAC dài 3.488 km (theo thông tin từ phía Ấn Độ) được xem như là đường biên giới tạm thời giữa hai nước.

Trong động thái gây sức ép để buộc Ấn Độ dừng việc xây dựng con đường có thể mang lại lợi thế cho New Delhi ở thung lũng Galwan mang tầm chiến lược quan trọng, đặc biệt về mặt kinh tế và quân sự, Trung Quốc đã cáo buộc quân đội Ấn Độ xâm phạm LAC. Trung Quốc cũng đe dọa sẽ thực hiện các “biện pháp đối phó cần thiết” sau khi phía Ấn Độ bị quân đội Trung Quốc ngăn cản.

Ấn Độ lại phản bác mạnh mẽ cáo buộc của Trung Quốc và cho rằng căng thẳng tại khu vực thung lũng Galwan là do quân đội nước láng giềng gây ra. Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định, các hoạt động của quân đội nước này hoàn toàn không xâm phạm LAC và Trung Quốc mới là phía cản trở các cuộc tuần tra bình thường của quân đội Ấn Độ.

Nhằm tránh căng thẳng leo thang thành xung đột, các tướng lĩnh chỉ huy quân đội của Ấn Độ và Trung Quốc đã nhiều lần đàm phán để giải tỏa căng thẳng ở khu vực biên giới. Tuy nhiên, tương tự trong quá khứ, những nỗ lực “tháo ngòi nổ” xung đột đã không thành công, để xảy ra vụ đụng độ đêm 15-6 khiến hàng chục binh sĩ của hai bên thiệt mạng tại khu vực LAC, vụ đụng độ chết người đầu tiên kể từ cuộc phục kích của binh sĩ Trung Quốc vào năm 1975 khiến 4 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.

Tranh chấp biên giới có thể bùng nổ bất cứ lúc nào

Cho dù cả Ấn Độ và Trung Quốc sau vụ đụng độ đẫm máu đêm 15-6 đều không muốn leo thang xung đột và cùng có những động thái nhằm hạ nhiệt, song căn nguyên dẫn tới vụ xung đột đổ máu này vẫn còn nguyên đó.  Mâu thuẫn, tranh chấp lãnh thổ giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực Kashmir đã kéo dài từ khoảng 80 năm nay. 

Khu vực mà hai quốc gia đông dân nhất thế giới tranh chấp là một vùng đất rộng 38.000 km2, ở độ cao 5.000 m so với mực nước biển. Cho dù là vùng đất cao nguyên hoang vu và khô cằn, ít dân cư nhưng có  vị trí chiến lược về quân sự cũng như kinh tế giữa ba nước Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan. 

Trung Quốc cũng đòi chủ quyền đối với một khu vực có diện tích khoảng 82.000 km2 ở Đông Bắc Ấn Độ, hiện là tiểu bang Arunachal Pradesh theo cách gọi của Ấn Độ nhưng Trung Quốc thường gọi là    Zangnan (Tạng Nam). Tiểu bang Arunachal Pradesh chỉ có hơn 1 triệu dân, đại đa số gốc Tây Tạng, Miến Điện và người Thái… và chỉ có khoảng 15% số dân là người di cư từ các vùng khác của Ấn Độ, đặc biệt là hai tiểu bang lân cận Assam và Nagaland, tới đây.

Cuộc tranh chấp lãnh thổ biên giới đã dẫn tới cuộc chiến tranh lớn giữa Ấn Độ và Trung Quốc năm 1962, cuộc chiến tranh dẫn tới việc hình thành LAV với chiều dài khoảng 3.000 km. Ngay chiều dài của LAC cũng là điều tranh cãi giữa Ấn Độ và Trung Quốc khi New Delhi cho rằng đường ranh giới xem như biên giới này dài 3.488 km, còn Bắc Kinh lại nói LAC chỉ dài hơn 2.000 km và bao gồm cả một số khu vực do Ấn Độ kiểm soát ở các bang Jummu, Kasshmir, Laddkh…

Sau cuộc chiến tranh năm 1962, dù đã tiến hành hơn 20 vòng đàm phán, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về hầu hết khu vực biên giới và đây chính là một nguồn cơn căng thẳng dai dẳng trong quan hệ hai cường quốc khu vực này. Vô số vụ va chạm, đụng độ và xung đột đã nổ ra giữa hai nước dọc theo LAC, trong đó nghiêm trọng nhất là xung đột năm 1967 khiến khoảng gần 500 binh sĩ hai bên thiệt mạng (Trung Quốc khoảng 400 binh sĩ) và cuộc đối đầu căng thẳng kéo dài 73 ngày giữa binh sĩ hai bên trên cao nguyên Doklam vào năm 2017.

Vụ đụng độ khiến hàng chục binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc bị thương mới đây nhất trong bối cảnh cả hai nước đều phải gồng mình chống chọi với bao khó khăn của đại dịch Covid-19 cho thấy tranh chấp lãnh thổ biên giới thực sự là “thùng thuốc súng” nguy hiểm có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

.

Nguồn: ANTĐ