Thứ Ba, 07/01/2020, 08:59 [GMT+7]

Vì sao thân với Nga-Trung, Iran vẫn 'đơn độc' trong cuộc chiến với Mỹ?

Tham gia cuộc tập trận hải quân đầu tiên với Nga-Trung nhưng dường như Iran không thể trông cậy vào 2 đồng minh này trong cuộc đối đầu với Mỹ.

Iran “nhiều thù ít bạn”

Một vài ngày trước khi Mỹ không kích giết chết Chỉ huy Lực lượng tinh nhuệ Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) - ông Qassem Soleimani, Chỉ huy lực lượng hải quân Iran đã tới giám sát cuộc tập trận chung đầu tiên của Iran cùng với Nga và Trung Quốc trên Ấn Độ Dương và Vịnh Oman.

vi sao than voi nga-trung, iran van

Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

"Ngày hôm nay, kỷ nguyên của những hành động tự do của Mỹ tại khu vực đã kết thúc và họ phải rời khu vực này", Chuẩn Đô đốc Hossein Khanzadi tuyên bố khi 1 tàu khu trục có tên lửa dẫn đường của Trung Quốc, 1 tàu khu trục Nga và 12 tàu chiến khác tuần tra chung trên Biển Arab.

Tuy nhiên, thay vì rời đi, Tổng thống Trump hiện đang cử nhiều lính Mỹ hơn tới Trung Đông để đối phó với Iran. Về phía Nga và Trung Quốc, 2 nước này hầu như không thể hiện dấu hiệu gì cho thấy họ sẽ tham gia vào cuộc xung đột ngày càng khó đoán định này.

Điều đó tức là bất chấp những cuộc thảo luận sôi nổi về việc cái chết của Tướng Soleimani có thể gây nên Thế chiến III, ngày nay, Iran không thể “trông cậy” vào bất cứ nước nào ngoài "tự lực cánh sinh" và dựa vào mạng lưới bán quân sự cùng lực lượng ủy nhiệm dòng Shiite của nước này ở Trung Đông trong cuộc đương đầu với Mỹ.

"Về mặt chiến lược, Iran là một trong những quốc gia đơn độc nhất thế giới. Nước này có nhiều quốc gia trên thế giới là kẻ thù và chỉ có thể dựa vào một người bạn duy nhất là chính quyền Tổng thống Assad ở Syria", chuyên gia nghiên cứu về Iran Karim Sadjadpour tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế ở Washington nhận định.

Về phía Nga, nhà phân tích Sadjadpour cho biết thêm: "Nước này có thể nhận được những lợi ích nhất định từ một Iran chống Mỹ, bị cô lập và không thể xuất khẩu các nguồn năng lượng".

Trong khi một số nhà quan sát nhận định rằng Bắc Kinh và Moscow sẽ hài lòng khi Mỹ bị cuốn sâu hơn vào cuộc khủng hoảng Trung Đông bởi điều đó sẽ khiến họ "rảnh tay" hơn khi không phải đối phó với Washington, song Nga và Trung Quốc không có dấu hiệu gì cho thấy họ sẽ tham gia vào cuộc đối đầu nhiều rủi ro Mỹ - Iran này.

"Nga không có dấu hiệu gì, dù là nhỏ nhất cho thấy nước này sẽ tham gia vào những căng thẳng giữa Mỹ và Iran, cũng như đang nỗ lực để tránh càng xa việc này càng tốt, mặc dù Moscow sẽ tiếp tục thể hiện thái độ ủng hộ Iran bằng những tuyên bố rất hùng hồn", ông Ruslan Pukhov - Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ, một think tank tại Moscow nhận định.

Ít nhất là về ngắn hạn, điều này sẽ đem lại lợi ích cho Nga: giá dầu tăng và Iran - một đối tác đang rơi vào tình thế vô cùng khó khăn sẽ buộc phải trở nên hợp tác nhiều hơn", chuyên gia này bình luận thêm.

Không trông cậy được vào đồng minh

Iran dường như hiểu rõ về tình thế cô lập của mình, kể cả trong những tuyên bố với thái độ đầy thận trọng sau cái chết của Tướng Soleimani. Người phát ngôn Lực lượng Vũ trang Iran - Chuẩn tướng Abolfazl Shekarchi cho biết ngày 4/1 rằng nước này sẽ trả thù Mỹ bằng những biện pháp "cứng rắn" nhưng Tehran "không vội" trong quyết định này. Đây là một dấu hiệu cho thấy Iran muốn tránh căng thẳng leo thang ngay lập tức bởi điều này có thể khiến Tehran rơi vào cuộc chiến toàn diện với Washington.

"Iran đang nói về một sự đáp trả, một hành động trả thù chứ không phải việc khơi mào một cuộc chiến", nhà phân tích Abas Aslani tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Trung Đông tại Tehran cho biết.

Ông Aslani cũng nhận định: "Nếu một cuộc xung đột trực tiếp bùng nổ, tôi không nghĩ Iran sẽ mong đợi Nga và Trung Quốc tham gia vào cuộc chiến với Mỹ. Sự giúp đỡ mà 2 nước này dành cho Iran là điều khác, chẳng hạn như sự hỗ trợ về mặt chính trị hay sự ủng hộ trong một số tổ chức quốc tế. Liệu Nga và Trung Quốc có cung cấp cho Iran một số vũ khí thiết bị hay không vẫn còn là một câu hỏi".

Iran chắc chắn đang vô cùng cần các thiết bị quân sự tân tiến để thay thế những chiến đấu cơ, tàu thuyền và xe tăng đã lỗi thời nhưng Nga và Trung Quốc đều không thể cung cấp các thiết bị này một cách hợp pháp khi mà lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc lên nước Cộng hòa Hồi giáo này vẫn còn.

Nga từng cung cấp cho Iran một hệ thống phòng không S-300 vào năm 2016 nhưng động thái này xảy ra sau 6 năm Moscow trì hoãn hợp đồng trên và chỉ diễn ra khi nước này ngày càng xa cách với phương Tây sau vụ sáp nhập Crimea.

 Nga-Trung-Iran: Chỉ là “tam giác quyền lực” biểu tượng ở Trung Đông?

Trong những phản ứng chính thức, cả Nga và Trung Quốc đều chỉ trích cuộc không kích giết chết Tướng Soleimani của Mỹ nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó và 2 nước này không hứa hẹn thêm bất kỳ điều gì với Iran.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong một cuộc điện đàm ngày 3/1 với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nói rằng việc giết chết Tướng Soleimani "vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của luật pháp quốc tế" và hối thúc Washington "giải quyết mọi vấn đề trên bàn đàm phán".

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sau đó cũng khẳng định với người đồng cấp Iran rằng Bắc Kinh lên án "hành động phiêu lưu quân sự của Mỹ" và Trung Quốc sẽ tiếp tục "đóng vai trò xây dựng trong việc đảm bảo hòa bình và an ninh trong vùng Vịnh".

Mặc dù Trung Quốc khẳng định sẽ đầu tư hàng trăm tỷ USD vào cơ sở hạ tầng dầu khí của Iran song cho tới nay, các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ với Iran đã khiến các kế hoạch này chững lại.

Nga và Iran từng hợp tác với nhau ở Syria nhưng khi chính quyền Syria dần ổn định và Moscow tìm thấy tiếng nói chung trong nhiều vấn đề với Thổ Nhĩ Kỳ những tháng gần đây, các lợi ích của Moscow và Tehran bắt đầu trở nên chia rẽ. Không những vậy, Nga và Trung Quốc còn duy trì mối quan hệ thân thiết với 2 "kẻ thù không đội trời chung" của Iran trong khu vực là Saudi Arabia và Israel.

"Không có ai ở Nga thực sự quan tâm về Iran và cũng không có ai coi Iran là một đối tác, do đó, nước này chắc chắn không phải một người bạn mà Moscow sẵn sàng hy sinh", ông Alexander Gabuev, chuyên gia tại Trung tâm Carnegie Moscow cho biết.

Nhà phân tích này cũng cho biết thêm, cả Nga và Trung Quốc đều kín đáo "mừng thầm" khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng với hy vọng một cuộc xung đột ở Trung Đông sẽ khiến 2 nước này "bận rộn" trong một vài năm tới và do đó, Washington sẽ xao lãng khỏi những vấn đề lợi ích cốt lõi của họ tại Đông Âu và châu Á.

Mặc dù Trung Quốc hiện là khách hàng mua dầu lớn nhất ở Trung Đông song các chuyên gia về an ninh và chính sách đối ngoại của nước này trong một thời gian dài đã tính tới việc Bắc Kinh nên kiềm chế để tránh can thiệp vào khu vực đầy bất ổn này, một phần là bởi dòng chảy dầu mỏ vẫn tiếp tục bất chấp những cú sốc về chính trị trong những thập kỷ gần đây ở Trung Đông.

"Vai trò của Trung Đông đang giảm đáng kể trong đại chiến lược của Trung Quốc", Niu Xinchun, Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Đông tại CICIR - một think tank thuộc Bộ An ninh Quốc gia của Trung Quốc viết trong một báo cáo chính sách năm 2017. Nhiều quốc gia Trung Đông đã rơi vào những cuộc nội chiến triền miên và dần mất đi ảnh hưởng đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Sự tham gia của Trung Quốc trong cuộc tập trận hải quân hồi tháng 12/2019 với Iran "mang tính biểu tượng nhiều hơn là thực chất", ông Zhu Feng - Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Nanjing nhận định.

"Tôi không cho rằng Trung Quốc có bất kỳ lợi ích nào khi tham gia vào những vòng xoáy căng thẳng ở đây", nhà phân tích này bình luận thêm.

Dù vậy, tuy Iran hầu như nhận được rất ít sự hỗ trợ trực tiếp từ Moscow và Bắc Kinh song về lâu dài thì mọi thứ có thể sẽ khác, giáo sư thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Johns Hopkins và từng là cựu cố vấn cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ Vali Nasr nhận định.

Chuyên gia này cho rằng: "Những điều Mỹ đang làm là đẩy Nga, Trung Quốc và Iran dần xích lại với nhau. Họ đang đứng chung trên một con thuyền khi cùng phải đối phó sức ép từ phía Mỹ"./.

 

.

Nguồn: Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Wall Street Journal