Thứ Tư, 30/10/2019, 10:18 [GMT+7]

Quốc hội thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các thành viên Chính phủ tham dự các phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước chủ động đăng ký phát biểu và giải trình, làm rõ những vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành mình.
 
Trong 2 ngày 30 và 31-10 và sáng 1-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
 
Đầu giờ sáng đã có 105 đại biểu đăng ký phát biểu. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp đề nghị các đoàn đông đại biểu như Hà Nội, TP.HCM sẽ có 3 đại biểu phát biểu, với các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An sẽ có 2 đại biểu ở vòng phát biểu ban đầu.
 
Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các thành viên Chính phủ tham dự đầy đủ các phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước tại Hội trường từ ngày 30/10 - 1/11/2019.
 Quốc hội thảo luận tình hình phát triển kinh tế, xã hội
Quốc hội thảo luận tình hình phát triển kinh tế, xã hội
Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ chủ động đăng ký phát biểu và giải trình, làm rõ những vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành mình được đại biểu Quốc hội nêu tại các phiên thảo luận.
 
Năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu
 
Ngày 21-10, báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết năm nay, Việt Nam sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
 
“Dự kiến đây là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch” – Thủ tướng nói đồng thời cho biết tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng. Đời sống của nhân dân trên mọi miền đất nước đều chuyển biến rõ nét.
 
Các tổ chức quốc tế uy tín và nhiều quốc gia, đối tác đánh giá cao và khẳng định Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng trong khu vực, toàn cầu. Nước ta được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018. Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá năng lực cạnh canh của Việt Nam cải thiện vượt bậc trên cả 3 trụ cột thể chế, cơ sở hạ tầng và kỹ năng, xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018.
 
Tăng GDP thuộc nhóm đầu khu vực và thế giới
 
Theo báo cáo của Chính phủ thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt khá cao, năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện; kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới.
 
Năng suất lao động tăng 5,9%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 42,7%. Mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng; đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng tăng.
 
Nhiều địa phương nỗ lực phấn đấu vươn lên, thu hút mạnh các nguồn lực, đạt tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp quan trọng cho kết quả chung của cả nước.
 
Tổng thu NSNN vượt 3,3% dự toán; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt 26,6%; bội chi NSNN khoảng 3,4% GDP; nợ công giảm còn 56,1% GDP (năm 2016 là 64,6% GDP). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước khoảng 33,8% GDP; tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng lên 45,3%, theo đúng định hướng tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội.
 
Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 9 tháng đạt 14,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất khẩu vẫn tăng khoảng 7,9%; xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh; xuất siêu năm thứ tư liên tiếp. Xử lý nghiêm nhiều vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại.
 
.

Nguồn: CAND

.