Đặt ra câu hỏi ấy là bởi hợp đồng hiện tại giữa ông Park Hang Seo - HLV trưởng Đội tuyển bóng đá Việt Nam với VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam) sắp kết thúc, và chưa bao giờ người hâm mộ lại quan tâm đến tương lai của ông ở Việt Nam như lúc này.
Những thông tin từ các quan chức VFF cho hay hai bên sẽ sớm ngồi lại với nhau để đàm phán một hợp đồng mới, mà ở đó chắc chắn "không thể để ông Park thiệt thòi".
Ngược lại, thông qua cựu phó chủ tịch tài chính VFF Đoàn Nguyên Đức, ông Park cũng nói rằng mình mong muốn làm việc lâu dài ở Việt Nam - nơi đã giúp thương hiệu cá nhân của mình bay cao, bay xa đến bất ngờ. Một bên sẵn sàng tăng lương, một bên sẵn sàng ở lại, có vẻ như chuyện tái ký hợp đồng chỉ còn là chuyện thời gian. Vấn đề dư luận bàn tán nằm ở việc: trước thời điểm tái ký thì "giá" của ông Park là như thế nào?
Cần phải nói cho rõ, "giá" ở đây là cả giá trị lẫn giá cả - những thứ mà nếu không có những đánh giá chuẩn xác thì người ta rất khó làm việc lâu dài với nhau.
Năm 2017, trước khi chính thức ký hợp đồng làm thuyền trưởng Đội tuyển bóng đá Việt Nam, giá của ông Park chỉ ở mức trung bình. Là bởi khi đó ông đang dẫn dắt một CLB ở giải hạng Ba Hàn Quốc, và đã xác định là gần như không còn cơ hội trở lại với bóng đá đỉnh cao. Là bởi khi đó đội bóng ông đang dẫn dắt thậm chí còn phải dấn thân vào một cuộc chay trốn xuống hạng. Là bởi khi đó, với người hâm mộ bóng đá Việt Nam nói riêng và bóng đá Đông Nam Á nói chung, Park Hang Seo là một cái tên hoàn toàn vô danh.
Thời điểm ấy, khi sang Hàn Quốc chọn hai ông thầy cho Đội tuyển Việt Nam và CLB Hoàng Anh Gia Lai của mình thì phó chủ tịch tài chính VFF lúc ấy, cũng đồng thời là Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức đã nâng lên đặt xuống đủ mọi bề.
Và theo đánh giá của giới quan sát thì HLV người Hàn ngồi vào ghế thuyền trưởng Hoàng Anh thậm chí còn được đánh giá trội hơn cả HLV người Hàn ngồi vào ghế thuyền trưởng Đội tuyển. Giá trị của ông Park lúc ấy rõ ràng không cao. Nên giá cả dành cho ông (khoảng 20.000 USD/tháng, sau thuế) cũng là một mức giá hợp lý. Giả như lúc ấy, VFF mà vung tay trả ông Park 30.000 USD hay 40.000 USD/tháng mới là chuyện bất thường.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, sau 2 năm làm việc ở Việt Nam, và trước khi hai bên tái ký hợp đồng thì giá trị của ông Park đã hoàn toàn khác. Trong 2 năm qua, ông đã dẫn dắt các Đội tuyển Việt Nam (gồm Đội tuyển Quốc gia, Đội tuyển Olympic Quốc gia, U.23, U.22 Quốc gia) cả thảy 63 trận, và chỉ thua 9 trận - một chỉ số không thể tuyệt vời hơn.
Trong 2 năm qua, ông đã dẫn U.23 Việt Nam vào chung kết châu Á, Olympic Việt Nam vào bán kết châu Á, Đội tuyển Việt Nam vào tứ kết châu Á và vô địch Đông Nam Á. Còn một chỉ số nữa khiến giá trị của ông đặc biệt lên cao, đó là đã giành chiến cả 3/3 lần đối đầu với "đại địch thủ" Thái Lan, ở các cấp độ U.22, U.23 và Đội tuyển Quốc gia.
Một câu hỏi được đặt ra: Điều gì đã giúp Park Hang Seo tạo nên giá trị? Điều kiện cần nằm ở chỗ thời điểm Park đặt chân đến Việt Nam cũng là thời điểm mà hàng loạt các lò đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam bước vào giai đoạn "gặt quả” sau quá trình dài "gieo nhân".
Từ lò Hoàng Anh đến lò Hà Nội, từ lò Viettel đến lò PVF, SLNA..., hàng loạt cầu thủ tài năng, trong sáng đã trình làng. Đây là lứa cầu thủ được đào tạo bài bản nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam, và đây cũng là lứa cầu thủ trong sáng, có "chỉ số niềm tin" cao nhất mà bóng đá Việt Nam có được kể từ khi hội nhập trở lại với làng túc cầu quốc tế vào năm 1991.
Trước Park Hang Seo, những ông thầy ngoại ở Đội tuyển Việt Nam như Tavares, Calisto, Alfred Riedl không may mắn có trong tay một thế hệ cầu thủ tài năng như thế.
Nhưng vẫn những cầu thủ tài năng này, dưới thời thầy nội Nguyễn Hữu Thắng, bóng đá Việt Nam chỉ vào đến bán kết giải vô địch Đông Nam Á, và bị loại ngay sau vòng bảng môn bóng đá SEA Games. Thế nên, bên cạnh "điều kiện cần" nằm ở chất lượng cầu thủ còn có một "điều kiện đủ" nữa, nằm ở chính khả năng cầm quân của Park Hang Seo.
Phải nói, ở thời đại của mình Park đã xây dựng một lối chơi mưu mẹo, đã sử dụng nhân sự một cách quyền biến, và thường xuyên tạo được những "cú đấm bất ngờ" trong những trận đánh mang tính quyết định.
Phải phân tích cặn kẽ cả "điều kiện cần" lẫn "điều kiện đủ" trong hành trình tạo nên giá trị của Park là để thấy rằng hai bên đã gặp nhau rất đúng lúc, kịp thời. Trước đó Park từng dẫn dắt một vài CLB Hàn Quốc và thất bại vì có thể ông đã xuất hiện... không kịp thời.
Trước đó, bóng đá Việt Nam cũng thất bại dưới thời thầy nội Nguyễn Hữu Thắng vì cũng đã không có được một ông thầy cần có. Trong bối cảnh hiện nay, một bộ phận dư luận đặt ra câu hỏi: nếu Park Hang Seo đột ngột rời Đội tuyển Việt Nam để dẫn dắt Đội tuyển Thái Lan - một Đội tuyển đang khủng hoảng HLV, thì sao? Thì có thể Park sẽ nhận được một mức lương kếch sù.
Nhưng lại phải nghĩ tiếp: ở Thái Lan (giả dụ vậy) ông có thể gặp được một điều kiện cần, để hướng tới thành công? Ngược lại nếu tiếp tục ở Việt Nam, tiếp tục gắn bó với một thế hệ cầu thủ mình đã hiểu đến từng chân tơ kẽ tóc, và tiếp tục duy trì niềm cảm hứng mà mình đã tạo ra thì với ông Park, khả năng thành công thêm một chu kỳ nữa là đầy hứa hẹn.
Xét ở cả hai cấp độ là điều kiện cần và đủ, rõ ràng Park Hang Seo và bóng đá Việt Nam đã cần đến nhau, và sẽ tiếp tục cần đến nhau trong thời gian tới. Khi mà giá trị của bên A có thể được cộng hưởng và phát sáng khi tựa vào giá trị của bên B, và ngược lại thì chắc chắn câu chuyện về "giá cả" cũng sẽ dễ chịu hơn rất nhiều.
Nếu có một nền bóng đá nào đó ở Đông Nam Á mời Park vào lúc này thì với giá trị đã có của mình, Park hoàn toàn có thể hét một mức giá trên trời, để rồi sau đó sẽ phải "đánh đu" với nguy cơ thành - bại.
Nhưng với bóng đá Việt Nam, rất có thể người đại diện của Park sẽ đề xuất một mức giá mà "cả hai bên đều có thể chấp nhận được", để rồi sau đó xác suất thành công (ít nhất là trong khoảng 1,2 năm tới) sẽ được đảm bảo ở mức cao hơn. Sau giai đoạn này, một trong hai bên có tiếp tục tính toán, thay đổi gì cũng chưa muộn.
Bao giờ cũng thê,ë giá cả phải tương xứng với giá trị, trong đó có cả giá trị tự thân lẫn giá trị cơ hội. Nếu vì một lý do nào đó mà giá cả vụt hẳn lên so với giá trị thì trên bàn đàm phán chắc chắn sẽ có chuyện kẻ thắng - người thua.
Nhìn nhận như vậy sẽ thấy những suy nghĩ theo kiểu "phải tái ký hợp đồng với ông Park Hang Seo bằng bất cứ giá nào" hay "ông Park Hang Seo là vô giá" mà một vài chuyên gia bóng đá nào đó đã phát ngôn dù thể hiện được sự trân trọng với cá nhân ông Park - một sự trân trọng nên có trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhưng xét ở góc độ "đàm phán hợp đồng" thì nó chưa hẳn là những suy nghĩ lý tính.
Đúng là sau 2 năm, nhờ nhiều yếu tố cộng hưởng khác nhau mà giá trị của ông Park đã tăng lên rất nhiều, nhưng nếu dễ dãi hoặc cảm tính cho rằng nó đã tăng đến mức "vô giá" thì ở một góc độ nào đó, cần phải xem xét lại. Chắc chắn là chúng ta muốn ông Park gắn bó với mình, và chúng ta có niềm tin rằng điều đó sẽ diễn ra.
Và hy vọng là nó sẽ sớm diễn ra trong bối cảnh mà hai bên sẽ bắt tay nhau vui vẻ, hệt như ngày đầu!