Nông thôn bây giờ đã hầu hết là nông thôn mới, nhưng làm sao để cái mới ấy là thực chất chứ không phải chỉ là vỏ bọc mới là vấn đề đáng lưu tâm. Đặc biệt trong đó chính là tư tưởng của bộ phận cán bộ trong nông thôn mới hiện nay.
Nhiều năm nay, chúng tôi không nhớ được mình đã viết bao nhiêu bài báo với mong muốn lãnh đạo Trung ương quan tâm hơn đến những thành trì đang có nguy cơ khiến niềm tin bị hao mòn, đó chính là chính quyền cơ sở. Niềm tin của đại bộ phận nhân dân vào Đảng, vào Nhà nước, vào Chính phủ có khởi nguồn cơ bản từ việc tiếp xúc với chính quyền cơ sở. Thật may mắn khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi tiếp xúc cử tri Hải Phòng để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 vừa qua đã nhấn mạnh, 'Tôi đã từng nói: không được xuất hiện lớp lý trưởng mới trong nông thôn. Cán bộ phải sát dân hơn, hiểu dân hơn, lắng nghe nhân dân hơn. Đừng để cái sảy nảy cái ung!' |
Có thể nói, phong trào xây dựng nông thôn mới nhiều năm qua đã thật sự làm thay đổi bộ mặt của đa số nông thôn trên khắp cả nước hiện nay. Sự hiện hữu của những con đường bê tông thay thế dần những con đường đất nhỏ bé, lầy lội; là đèn đường nông thôn đã thắp sáng những đêm tối trời; là cổng chào, là trường học, trạm xá, nhà văn hóa,… khang trang được xây dựng lên.
Trong tất cả những sự đổi mới đó của nông thôn, điều mà người ta mong chờ thay đổi nhất là ở những ông quan, là hệ thống hành chính công ở địa phương. Nông thôn mới thì tư tưởng của lớp cán bộ nông thôn cũng phải đổi mới. Đây mới là điều quan trọng hơn những cổng chào cao vút.
Còn nhớ cũng hơn 5 năm trước, chúng ta có chính sách đưa 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch UBND xã trên khắp cả nước với mong muốn tạo ra một luồng gió mới, một động lực mới phát triển nông thôn. Đó là một chủ trương rất hay dù hiệu quả thật sự từ chương trình này còn là điều cần bàn!
Minh họa: Ngô Xuân Khôi. |
Cán bộ xã phường là nơi gần dân nhất, là đại điện của bộ mặt Nhà nước tại địa phương. Với tính chất đặc biệt đó, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã vài lần nhắc đến việc “không được xuất hiện lớp lý trưởng mới trong nông thôn” trong những lần về làm việc với địa phương.
Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri ở Hải Phòng, Thủ tướng đã nhắc lại điều này một lần nữa. Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu, “Cán bộ phải sát dân hơn, hiểu dân hơn, lắng nghe nhân dân hơn. Đừng để cái sảy nảy cái ung!”.
Người ta hay nói, cán bộ là đầy tớ của nhân dân, phải tận tâm phục vụ, cho dù trong thực tế rất có thể không nhiều cán bộ nghĩ thế, người dân thì lại càng không dám nghĩ như vậy. Song về cơ bản, một cán bộ hưởng lương Nhà nước bằng tiền đóng thuế của nhân dân thì trách nhiệm phải phục vụ nhân dân, đó chưa kể là những quy định về trách nhiệm của mỗi người cán bộ.
Câu hỏi đặt ra là cán bộ xã phường có sát dân, hiểu dân và lắng nghe nhân dân chưa? Câu trả lời là có và đồng thời cũng là chưa!
Với câu trả lời chưa, chúng ta có nhiều ví dụ để chứng minh điều đó. Đó là tình trạng về những ông quan xã tham ô, quan liêu,… bị phát hiện, xử lý vẫn còn xuất hiện trên báo chí thời gian vừa qua. Nó cho thấy lo lắng của Thủ tướng về tình trạng những “lý trưởng mới” hoàn toàn có lý do khi mà trong giai đoạn nông thôn mới hiện nay, những cán bộ nông thôn mang bộ mặt ấy vẫn còn nhiều.
Hẳn người ta không quên những chuyện con gà cấp cho người nghèo “chạy” vào nhà quan xã; chuyện người dân nhận tiền ủng hộ lũ lụt phải... trích phần trăm “chè nước”; chuyện quan xã lập hồ sơ khống để chiếm tiền hỗ trợ nông dân vì thiên tai, dịch bệnh,… Có nơi, những ông quan đã ăn chặn từ gói mì tôm của dân!
Thú thật là không biết những ông quan đó nghĩ gì, có phải do túng thiếu quá mà trở thành vô liêm sỉ như thế hay không? Chứ dân mình khốn khó, hoạn nạn, thân làm cán bộ phải thương và lo cho dân không hết, nhưng đằng này lại “ăn không từ một thứ gì”. Có lẽ, trong mắt những cán bộ đó không hề có nhân dân.
Rồi đến chuyện có vài địa phương mà cả họ hàng hàng chục người đều làm cán bộ xã, mà rất hay là khi kiểm tra ra thì hầu hết đều đúng quy trình! Thử hỏi với một bộ máy chính quyền nông thôn kiểu gia đình trị như vậy, niềm tin của nông dân biết tựa vào đâu?
Không chỉ có lạm quyền, tham ô, một số trường hợp còn nhũng nhiễu dân. Cách đây chưa lâu, một gia đình ở Tân Uyên, Bình Dương đi đăng ký khai tử cho đứa con gái 12 tuổi của mình nhưng lại bị chính quyền làm khó, không cấp. Gia đình phải cầm hồ sơ đến rồi về 3 lần chỉ vì những lý do “hồ sơ công an thiếu mộc treo”, “Cơ quan Công an không ghi rõ tử vong tại đâu” và lần cuối khi người nhà bổ sung đầy đủ theo yêu cầu nhưng vẫn phải… “cầm hồ sơ về đi”.
Đến một việc cỏn con như vậy mà phải đợi đến Thủ tướng chỉ đạo giải quyết thì mới thấy rằng, có một bộ phận quan chức địa phương hiện nay coi mình như là một “ông vua con”. Họ nhũng nhiễu, hạch sách người dân của mình đủ đường.
Qua vụ việc đó cũng để thấy rằng, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến cán bộ công quyền ở địa phương trong cách phục vụ nhân dân. Những ông quan tưởng mình là “vua con” một cõi, cậy chuyện “xa mặt trời” mà làm càn thì chắc chắn sẽ bị xử lý.
Rồi mấy năm gần đây, liên tiếp có nhiều vụ nông dân mình vỡ nợ vì canh tác. Chuyện là theo đặc tính, nông dân hay trồng trọt, chăn nuôi theo phong trào mà không có định hướng, đến khi thương lái không mua do dư thừa nguồn cung thì cũng là lúc người nông dân thất thu, ôm nợ. Dưa hấu, chuối, thanh long,.. từng rơi vào tình cảnh phải được “giải cứu”.
Nhưng ai sẽ giúp người nông dân có những định hướng, khuyến cáo đó trong canh tác? Người gần dân nhất chính là những cán bộ khuyến nông địa phương. Song, phải chăng nhiều nơi họ đã “bỏ quên” chuyện này hoặc là cách tuyên truyền không hiệu quả khiến cho hiệu quả canh tác cứ trúc trắc trục trặc, mất mùa thì được giá, được mùa thì mất giá,…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ, cán bộ phải làm sao gần dân hơn, lắng nghe dân hơn, hiểu dân hơn để từ đó có thể phục vụ nhân dân được tốt hơn. Khi đời sống mọi mặt của nhân dân được nâng cao, nông thôn mới khi đó mới thật sự là nông thôn mới chứ không chỉ là cổng chào, là đường to.
Còn lâu lâu hữu sự nhân dân đến chính quyền nhưng gặp phải cán bộ quan liêu, hống hách thì hỏng. Cán bộ mà tham ô của dân “không chừa một thứ gì” thì dân sống ra sao? Cán bộ địa phương là người gần dân nhất, họ không thương dân, chăm lo cho dân thì người dân biết nhờ vào đâu khi gặp chuyện đây?!