Thứ Tư, 29/05/2019, 08:29 [GMT+7]

Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

Chiều 28/5/2019, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Tại phiên họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trình bày Tờ trình về Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Quốc hội đã nghe Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Quốc hội đã nghe Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ: Tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” và tại Điều 23 Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Tuy nhiên, hiện nay, công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân được thực hiện theo các văn bản dưới luật là chưa phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp. Do vậy, việc ban hành Luật này để đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp năm 2013. Cùng với đó, thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật có nội dung liên quan đến hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của công dân… nên cần thiết phải ban hành Luật này để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật...

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, xuất phát từ yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý xuất nhập cảnh và triển khai Đề án sản xuất, phát hành hộ chiếu có gắn chíp điện tử đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc xây dựng, ban hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam sẽ cụ thể hóa các chủ trương, chính sách trên, và cũng nhằm tạo thuận lợi hơn cho công dân trong hoạt động xuất nhập cảnh; tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động cấp, quản lý và sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Dự thảo Luật gồm 06 chương 40 điều, trong đó có nhiều điểm mới tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong quá trình xuất cảnh, nhập cảnh. Về giấy tờ xuất nhập cảnh, theo Dự án Luật gồm 03 điểm mới, trong đó đáng chú ý, Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm (để phù hợp với Luật Căn cước công dân), có loại gắn chíp điện tử và không gắn chíp điện tử; người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn không quá 05 năm (không gắn chíp điện tử). Thay cho việc cấp giấy thông hành cho công dân Việt Nam ra nước ngoài ngắn hạn phải về nước vì nhiều lý do khác nhau như hiện nay bằng việc cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn để thể hiện sự bảo hộ của Nhà nước đối với công dân trong mọi trường hợp, không phát sinh thêm mẫu mới...

Tại phiên họp, thay mặt Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP-AN) của Quốc hội, đồng chí Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN đã trình bày Báo cáo kết quả thẩm tra Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Theo đó, Ủy ban QP-AN nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và nhấn mạnh: Việc ban hành Luật này nhằm quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và các trường hợp hạn chế quyền công dân trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ trong quản lý xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm QP-AN và hội nhập quốc tế; khắc phục những bất cập, hạn chế trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh đối với công dân Việt Nam thời gian qua...

Đối với các nội dung khác, Ủy ban QP-AN đề nghị tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể, chặt chẽ hơn để vừa bảo đảm QP-AN, vừa bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân...

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận tại Tổ của Quốc hội về Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận tại Tổ của Quốc hội về Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

* Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và một số dự án luật khác.

Tại Tổ 16, Bộ trưởng Tô Lâm đã nhấn mạnh thêm một số điểm mới của Dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; trong đó nêu rõ, Dự án Luật đã cụ thể hoá, thể hiện một bước tiến rất dài trong việc thực hiện quyền tự do, dân chủ của người dân được quy định trong Hiến pháp; trừ một số trường hợp, còn lại đại đa số người dân đều được cấp hộ chiếu, đều có quyền xuất cảnh, nhập cảnh.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng chỉ rõ, Dự án Luật đã hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Nếu như trước đây việc cấp hộ chiếu phải mất rất nhiều thời gian, thủ tục giấy tờ, công đoạn phức tạp thì Dự thảo Luật đã khắc phục được những điểm hạn chế, tạo thuận lợi nhất cho người dân, thậm chí không cần phải có giấy tờ mà chỉ cần bản khai điện tử thể hiện rõ pháp nhân thì người dân sẽ được cấp hộ chiếu một cách xác thực. Bên cạnh đó, các cơ quan xuất nhập cảnh cũng không cần lưu giữ tại kho các hồ sơ, bản khai bằng giấy của người dân mang đến nộp như trước đây, mà việc lưu trữ thông tin sẽ được thay thế bằng hệ thống công nghệ mới.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định với Dự thảo Luật trên, người dân có quyền lấy hộ chiếu ở bất cứ đâu theo nguyện vọng của mình (quy định trước đây là đi theo hộ khẩu, đi theo nơi cư trú). Đồng thời, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ, quy trình mới trong cấp hộ chiếu không chỉ tạo điều kiện cho người dân mà còn tạo điều kiện cho cả cơ quan quản lý, cấp phép, kiểm soát xuất nhập cảnh. Nếu hộ chiếu có gắn chíp điện tử thì người dân có thể nhanh chóng qua cửa kiểm soát tự động mà không cần tốn thời gian để làm các thủ tục hành chính như trước đây; góp phần giúp lưu lượng người đi qua cửa khẩu một cách nhanh nhất, phù hợp với tình hình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam hiện nay...

Qua thảo luận tại Tổ, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự đổi mới trong công tác xuất nhập cảnh, phù hợp với xu hướng quốc tế và tình hình hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam hiện nay. Qua đó, đa số các đại biểu bày tỏ sự đồng tình, nhất trí với Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

.

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công an

.