Thứ Tư, 23/12/2020, 09:33 [GMT+7]

Tăng cường thanh, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm dịp cuối năm

(Congannghean.vn)-Chỉ còn 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm tết của người dân tăng cao, nên đây là thời điểm mà hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) có nguy cơ trà trộn vào thị trường. Do đó, công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, đảm bảo VSATTP trên địa bàn tỉnh đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe cho người dân.
 
Kiểm tra gần 21 nghìn  cơ sở thực phẩm
 
Theo số liệu thống kê, 11 tháng năm 2020, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã tiến hành thanh, kiểm tra 20.966 cơ sở liên quan đến VSATTP. Trong đó, phát hiện 3.536 cơ sở vi phạm VSATTP. Cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt 1.342 cơ sở với số tiền xử phạt gần 3 tỉ đồng. Phạt cảnh cáo, nhắc nhở 2.194 cơ sở. Các lỗi vi phạm chủ yếu: Sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện; không thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước theo quy định; sử dụng dụng cụ chứa đồ đựng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh; sử dụng phiếu kết quả kiểm nghiệm để tự công bố sản phẩm không đủ chỉ tiêu ATTP theo quy định pháp luật; sử dụng, kinh doanh thực phẩm quá hạn sử dụng…
Lực lượng chức năng kiểm tra số thực phẩm không rõ nguồn gốc
Lực lượng chức năng kiểm tra số thực phẩm không rõ nguồn gốc
Cũng trong 11 tháng năm 2020, ngành Y tế đã kiểm tra 302 mẫu, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, kết quả có 23 mẫu không đạt VSATTP. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra 458 mẫu vật tư nông nghiệp, thực phẩm nông lâm thủy sản, kết quả có 51 mẫu không đạt. Cũng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm, với 17 người mắc. Tuy nhiên, con số này chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, vì thực tế trên thị trường vẫn còn rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm vì lợi nhuận nên “phù phép” để che mắt đoàn kiểm tra và người tiêu dùng.
 
Qua công tác phát hiện, đấu tranh cho thấy, hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh đều có vi phạm về VSATTP. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do lợi nhuận về kinh tế, nhiều đối tượng đã bất chấp pháp luật, đạo đức, sử dụng thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng và lừa dối người tiêu dùng nhằm thu lợi bất chính. Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được trên thực tiễn. Công tác phối hợp quản lý, thanh tra, kiểm tra còn nhiều bất cập. Tại các địa phương chưa có cán bộ chuyên trách, chủ yếu kiêm nhiệm, chưa đủ năng lực để giám sát chất lượng ATTP.
 
Siết chặt kiểm tra chất lượng thực phẩm
 
Thời điểm từ nay cho đến giáp Tết Nguyên đán, lượng tiêu thụ hàng hóa thực phẩm, đồ uống thường tăng cao hơn ngày thường. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao cũng kéo theo nhiều nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Cùng với đó, hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó đáng lo ngại là mặt hàng thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc. Nếu không kiểm soát tốt thì tình trạng mất an toàn thực phẩm sẽ diễn biến phức tạp.
 
Để đảm bảo ATVSTP trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân Tân Sửu 2021, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh ban hành kế hoạch và chỉ đạo tổ chức triển khai đợt thanh, kiểm tra, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng. Đồng thời chỉ đạo tất cả các tuyến huyện, xã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành địa phương để kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh đến huyện, xã, phường tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều, có yếu tố nguy cơ cao gây mất ATTP, các cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống, dịch vụ ăn uống. Đồng thời, triển khai các biện pháp đảm bảo VSATTP như: Kiểm tra, hậu kiểm về chất lượng VSATTP trong dịp Tết Nguyên đán 2021; kiểm tra điều kiện sản xuất, cơ sở chế biến, nhân viên làm việc tại các cơ sở chế biến, kinh doanh…
 
Theo bác sĩ Phạm Ngọc Quy, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh cho biết: Trong đợt này Ban chỉ đạo liên ngành ATVSTP sẽ tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán, lễ hội và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đặc biệt là kiểm tra, kiểm soát, xử lý các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm ATTP lưu thông phân phối trên thị trường và các chợ đầu mối, siêu thị. Các đoàn kiểm tra dịp này sẽ kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm ATTP lưu thông trên thị trường; kiên quyết yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn không đảm bảo ATTP phải có các biện pháp khắc phục có hiệu quả thì mới được tiếp tục hoạt động. Theo kế hoạch, từ nay đến tháng 3/2021, Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP của Nghệ An sẽ tăng cường kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, nhằm ngăn chặn thực phẩm giả, kém chất lượng lưu hành trên thị trường.
 
Bên cạnh việc tăng cường vai trò quản lý, giám sát việc thực thi pháp luật về ATTP, các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức trong dịp cuối năm. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định của pháp luật về ATTP; hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; mức xử phạt vi phạm về ATTP... Qua đó, nâng cao ý thức cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối trong lĩnh vực thực phẩm cũng như trang bị kiến thức cho người dân để tự bảo vệ mình. Quá trình kiểm tra phát hiện vi phạm, cần xử lý nghiêm minh, công khai và thích đáng đối với những hành vi vi phạm, nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về ảnh hưởng của thực phẩm bẩn. Cùng với đó, tôn vinh, quảng bá, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn.
 
Đảm bảo VSATTP nói chung, đặc biệt là VSATTP trong dịp Tết, trong từng bữa ăn sẽ góp thêm niềm vui cho mỗi gia đình. Vì vậy, bên cạnh công tác thanh, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn của các cơ quan chức năng, hơn ai hết, mỗi người tiêu dùng cần nâng cao kỹ năng lựa chọn thực phẩm, mua những mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng góp phần trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
.

Cao Loan

.