Thứ Năm, 03/09/2020, 08:39 [GMT+7]

Tiếp tục mạnh tay xử lý vi phạm thương mại điện tử

(Congannghean.vn)-Bên cạnh những yếu tố tích cực như sự tiện lợi, nhanh chóng…, hình thức kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Trước tình hình đó, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) đã phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Hàng loạt hàng hóa vi phạm thương mại điện tử bị lực lượng chức năng  thu giữ trong thời gian qua
Hàng loạt hàng hóa vi phạm thương mại điện tử bị lực lượng chức năng thu giữ trong thời gian qua
Theo số liệu thống kê, bằng việc áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ cũng như sự dày công nghiên cứu để nắm rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng hoạt động kinh doanh TMĐT trên địa bàn, từ khi triển khai thực hiện Quyết định số 2981/QĐ-BCT của Bộ Công thương đến nay, Cục QLTT Nghệ An đã phối hợp với lực lượng chức năng xử lý 30 tổ chức, cá nhân vi phạm với tổng giá trị thu phạt đạt 686.320.000 đồng. 
 
Theo đó, thực hiện Quyết định số 2981 của Bộ Công Thương phê duyệt Kế hoạch tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến hết năm 2020, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc vi phạm. Điển hình, chiều 20/8/2020, bằng việc thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng xác định ông V.P.N., chủ tài khoản facebook B.C.S. đồng thời cũng là chủ cơ sở kinh doanh shop "người lớn" tại phường Hưng Dũng, TP Vinh.
 
Tiến hành kiểm tra, Đoàn phát hiện cơ sở bày bán các mặt hàng bao cao su, thuốc xịt tăng cường sinh lý nam giới không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, giấy tờ liên quan kèm theo để chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Qua làm việc, ông V.P.N. thừa nhận toàn bộ số hàng hóa trên mua trôi nổi ngoài thị trường rồi về đăng bán trên facebook để kiếm lời. Đội QLTT số 11 đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính với ông N. về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ với số tiền gần 20 triệu đồng.
 
Trước đó, sáng 18/8, Đội QLTT số 11 phối hợp với Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh hàng gia dụng tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc do bà H.T.L. làm chủ cũng là chủ tài khoản facebook N.H.. Qua đó, phát hiện cơ sở đang bày bán 600 bàn chải đánh răng hiệu BOSSI sản xuất tại Trung Quốc. Được biết, toàn bộ số hàng hóa này không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ liên quan kèm theo để chứng minh nguồn gốc hợp pháp và được bà L. mua trôi nổi ngoài thị trường, sau đó về đăng bán trên facebook cá nhân để kiếm lời. Với hành vi này, bà L. bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền gần 30 triệu đồng. Gần đây nhất, sáng 24/8, Đội QLTT số 11 Cục QLTT Nghệ An tiếp tục phối hợp với Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh xác định bà T.A., chủ tài khoản mạng xã hội facebook T.B. SHOES và cũng là chủ cơ sở kinh doanh giày dép tại đường Phan Chu Trinh, TP Vinh. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang bày bán 60 đôi dép hiệu LOUFU do nước ngoài sản xuất. Bà A. cũng thừa nhận toàn bộ số hàng trên bà mua trôi nổi trên thị trường rồi về đăng bán trên tài khoản facebook cá nhân để kiếm lời và không có hóa đơn, chứng từ kèm theo để chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Đội QLTT số 11 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nói trên để tiến hành xác minh, xử lý vi phạm hành chính theo quy định với tổng giá trị thu phạt gần 25 triệu đồng.
 
Đại diện lãnh đạo Cục QLTT Nghệ An cho biết, mặc dù thời gian qua, lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường TMĐT và đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên các hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT vi phạm pháp luật còn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp. Các đối tượng vi phạm chủ yếu là những đối tượng có trình độ, hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, thường xuyên thay đổi, lợi dụng triệt để thành tựu khoa học - kỹ thuật để thực hiện hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, các website TMĐT bán hàng vi phạm, đặc biệt là website sử dụng tên miền quốc tế như .com,.net, .org …  còn mập mờ về thông tin chủ sở hữu, được tạo ra và đóng lại trong thời gian ngắn, khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát cũng như khó xác định chứng cứ để đấu tranh, xử lý. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh hàng hóa qua mạng xã hội, sàn giao dịch điện tử xuất hiện những mô hình mới như bán hàng qua nền kinh tế chia sẻ Drop Shipping, Affilate marketing …, thuê fanpage, youtube chanel, các tài khoản mạng xã hội có tương tác tốt để thực hiện hoạt động bán hàng, vì thế đòi hỏi lực lượng chức năng cần phải tập trung nghiên cứu để có phương thức quản lý hiệu quả.
 
Trước thực trạng nói trên, trong thời gian tới, Cục QLTT Nghệ An sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ các phương thức, thủ đoạn các đối tượng thường sử dụng; đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động TMĐT. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, ngành và quần chúng nhân dân về tác hại của tình trạng buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, lợi dụng TMĐT để thực hiện các hành vi vi phạm.
 
Qua đó, tạo niềm tin trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng; đồng thời thúc đẩy TMĐT phát triển theo chiều hướng tích cực, để TMĐT thực sự là kênh kinh doanh hàng hóa uy tín, chất lượng của người tiêu dùng khi lựa chọn. Tuy nhiên, để xứ lý triệt để tình trạng vi phạm trong hoạt động TMĐT, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các ngành như QLTT, an ninh mạng, thông tin truyền thông. Trong đó, điều quan trọng nhất là Bộ Công Thương cần có kế hoạch kiểm tra, kiểm soát trên TMĐT; sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy phạm pháp luật để quy định tăng trách nhiệm của các chủ sàn giao dịch TMĐT với người bán hàng và cung cấp thông tin đầy đủ hơn để quản lý một cách hiệu quả nhất.
.

Ngọc Anh

.