Thứ Ba, 14/07/2020, 08:38 [GMT+7]

Vụ bán dâm 30 nghìn USD: Cần phạt thật nặng cả người mua và người bán

Mới đây, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã bắt quả tang 3 người mẫu, hoa hậu đang bán dâm với giá từ 18.000-30.000 USD tại TPHCM. Vụ việc đang gây xôn xao dư luận bởi số tiền ‘khủng’ cho một đêm với các người đẹp.
 
Đáng nói, một trong những người đẹp tham gia bán dâm trong đường dây vừa bị triệt phá là Hoa hậu người Việt tại Úc và được cho là sinh ra trong gia đình có điều kiện với trình độ học vấn cao.
 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và Phát triển, Chủ tịch Quỹ Văn hiến Việt Nam cho biết, việc xuất hiện nhóm đối tượng được coi là “có học và sang trọng” cũng đi bán dâm, trong đó phải kể đến những người mẫu, hoa hậu và những nữ sinh mới bị phát giác trong thời gian gần đây đã làm thay đổi nhận thức của các nhà nghiên cứu về mại dâm.
GS.TS Lê Thị Quý. Ảnh NVCC
GS.TS Lê Thị Quý. Ảnh NVCC
Trước đây, nhiều người quan niệm rằng, chỉ những người nghèo, cùng đường mới phải bán dâm kiếm sống, bây giờ bán dâm còn có những kẻ thừa tiền nhưng ăn chơi sa đọa, bất chấp hậu quả mà họ gây ra cho gia đình và xã hội. Là con người có nghĩa là chúng ta ngoài hình hài là nam hay nữ, chúng ta còn mang một cốt cách văn hóa. Hàng triệu năm phát triển đã giúp chúng ta thoát khỏi phần ‘con’ là không sinh hoạt tình dục kiểu bầy đàn, hoặc biết che kín cơ thể bằng quần áo - Những điều mà chúng ta gọi là “nhân cách”. Nhưng vẫn còn sót một số người thích phơi thân trên truyền thông để kiếm tìm lời bình phẩm hoặc “fan” hâm mộ. Tồi tệ hơn, họ sẵn sàng bán thân xác của mình, "phè phỡn" với đồng tiền kiếm được bằng chính giá trị nhân cách rẻ mạt của mình.
 
“Về bản chất, tôi cho rằng: Những người này sống trong xã hội nhưng không có trách nhiệm với gia đình, với những người xung quanh, chỉ nghĩ đến bản thân và những thú vui sa đọa. Nhiều người đã giàu sang rồi nhưng vẫn cần và bất chấp để kiếm những đồng tiền mà người đời nói là bẩn thỉu, làm tha hóa xã hội. Đừng nói rằng ‘tiền tôi kiếm được’, “cơ thể tôi thì tôi có thể tự do”. Con người sống trong một xã hội phải biết tôn trọng xã hội và nền văn hóa của đất nước, cộng đồng . Không thể và không được chà đạp lên tất cả giá trị văn hóa, xã hội”, GS. Lê Thị Quý nói.
 
Thực tế, những người này không thể gọi là “người đẹp” vì cái đẹp là bao gồm cả hình thể và đạo đức. Mất đạo đức là không đẹp. Hơn nữa họ bán dâm là vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục. Theo GS. Lê Thị Quý, các cô gái kiếm tiền bằng thân xác thì sẽ có suy nghĩ về cuộc đời, nhân cách, giá trị gia đình khác hẳn những người khác. Chẳng hạn, từ việc bán dâm, các cô gái sẽ coi rẻ người yêu, gia đình của mình. Các cô đang coi rẻ giá trị tình dục, tình yêu và cả giá trị của bản thân mình, tất cả chỉ là tiền.  Nếu cô nào đó là người có ăn học, có bằng cấp thì càng đáng xấu hổ hơn.
 
Về phía người mua, cần phải xem họ là ai? Họ có phải là những kẻ khuyết tật về tình dục hay nhút nhát đến mức không thể có bạn tình ? (Như một vài quan điểm cho mại dâm hợp pháp để phục vụ nhóm người này). Cần phải xem tiền ở đâu ra để họ vung cho những cuộc chơi đàng điếm, băng hoại đạo đức xã hội đến như vậy. Trước đây đã có nhiều cuộc điều tra đã lôi ra ánh sáng những kẻ tham nhũng, ăn cắp tiền của của Nhà nước và nhân dân từ các cuộc chơi như vậy. Bởi những người kiếm tiền chân chính, người ta sẽ không dễ dàng bỏ ra một số tiền lớn để làm những việc băng hoại đạo đức như vậy. Những người này có thể vỗ ngực khoe khoang về thành tích qua đêm với hoa hậu nhưng không thể có được sự tôn trọng từ người khác và pháp luật.
 
 Đáng nói, lối sống lệch lạc của nhóm người này đã làm ảnh hưởng không nhỏ một bộ phận giới trẻ, thể hiện sự xuống dốc của đạo đức xã hội dẫn đến việc dư luận bức xúc lên án.
 
Hiện nay, theo GS. Lê Thị Quý, phương pháp xử lý mại dâm của chúng ta là chưa thích hợp. Cần xử lý mạnh tay với khách làng chơi. Những cô gái có danh tiếng, giàu có mà bán dâm cũng đưa họ vào nhóm này, không nên chỉ giúp đỡ và giáo dục như đối với phụ nữ bán dâm nghèo. Truyền thông cần nêu rõ những hình thức xử lý nhóm người này để người dân được biết. “Nếu chỉ nói hiện tượng mà không thấy hình phạt thì người ta không sợ. Cần công khai hình phạt”, GS Quý nói.
 
Bên cạnh đó, theo GS. Lê Thị Quý, các cuộc thi hoa hậu bây giờ quá tràn lan, một số tờ báo vì câu view mà đăng tải, thậm chí ca ngợi những hình ảnh hở hang cũng như cuộc sống giàu có của những hoa hậu, người đẹp, vẽ nên những cuộc sống có thể khiến nhiều người lầm tưởng. Báo chí như vậy cũng cần xem xét lại quan điểm trong trách nhiệm đưa tin và giáo dục thanh thiếu niên.
 
GS Lê Thị Quý cũng cho biết, ngay cả ở những nước “cởi mở” nhất đối với mại dâm, thì hiện tượng này cũng vẫn được xem là một sự sai lệch chuẩn mực xã hội, là tệ nạn xã hội, làm băng hoại xã hội. 
 
Theo GS. Lê Thị Quý, giải quyết mại dâm không thể trong một thời gian ngắn. Phải giải quyết tận gốc và đồng bộ. Đó là phát triển kinh tế lành mạnh và bền vững để mở ra các cơ hội giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là nữ thanh niên, không để họ phải ở trong những bước đường cùng buộc phải làm mại dâm. Cần có các chính sách và họat động cứu trợ xã hội kịp thời với các trường hợp người nghèo, người gặp rủi ro, thiên tai và các tai nạn khác. Cần giáo dục cho thanh niên và xã hội về những giá trị cao đẹp của cuộc sống, giá trị của con người có đầy đủ nhân phẩm. Con người hoạt động tình dục theo cách có văn hóa, chứ không phải chỉ để thỏa mãn tính dục, có nghĩa là con người có đầu óc, tình cảm, hoạt động tình dục trong yêu thương, tôn trọng người khác chứ không phải chỉ dùng vài đồng tiền là có thể mua được tất cả.
.

Nguồn: Tiengchuong.vn

.