Với sự phát triển mạnh và tốc độ lan truyền như vũ bão của mạng xã hội Facebook hiện nay, việc tung tin thất thiệt, thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật, thậm chí cố ý bôi nhọ, xúc phạm người khác đã và đang gây ra những hậu quả tai hại cho nhiều cá nhân, tổ chức. Mạng “ảo” nhưng hậu quả thật của Facebook đã đặt ra vấn đề cần thiết phải xây dựng quy tắc đạo đức, văn hóa ứng xử đối với những người sử dụng mạng xã hội…
“Thánh cô" viết bài bôi xấu vì ghen tị với người nổi tiếng
Ngày 16/6, Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45) - Bộ Công an cho biết, đơn vị đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án Trần Thị Hương Giang, 37 tuổi, trú ở ngõ 720 đường La Thành, phường Giang Võ, quận Ba Đình, Hà Nội có hành vi sử dụng mạng xã hội Facebook với nick name Huyen Nguyen, Tuyết Anh Trần để đăng các bài viết, hình ảnh có nội dung xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm một số người nổi tiếng trong showbiz Việt.
Trước đó, ngày 11/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) đã thi hành lệnh bắt, khám xét đối với đối tượng Giang về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258 Bộ luật Hình sự (BLHS).
Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến cho biết, từ cuối năm 2014, Trần Thị Hương Giang cùng một số đối tượng khác thành lập cái gọi là "Tập đoàn thánh bóc" trên mạng xã hội Facebook, dùng trang Facebook "Thánh cô cô bóc" đăng các bài viết, hình ảnh với mục đích bóc mẽ đời tư của người khác không thuộc phạm vi cá nhân, mà những thông tin này chưa được kiểm chứng và chưa được xác định đó là sự thật.
Cơ quan Công an đọc lệnh bắt giữ đối tượng Trần Thị Hương Giang. |
Bài viết trên trang này dùng những lời lẽ dung tục, vô văn hóa, xúc phạm nghiêm trọng đến cá nhân những người bị đưa tin là những người nổi tiếng trong giới showbiz Việt như doanh nhân Trương Thị Phượng (Phượng Chanel), Vũ Khắc Tiệp, ca sĩ Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, người mẫu Trần Ngọc Linh Chi, Xuân Lan, Nguyễn Thị Thanh Vân…
Hậu quả của các bài viết gây ra rất nghiêm trọng. Như trường hợp doanh nhân Phượng Chanel phải thuê vệ sĩ bảo vệ con 24/24 giờ. Trường hợp ca sĩ Hồ Ngọc Hà, sau khi bị đối tượng tung tin xấu trên mạng, không chỉ cá nhân cô bị ảnh hưởng, mà các nhà sản xuất mời cô đóng quảng cáo cũng bị ảnh hưởng theo. Hay trường hợp Vũ Khắc Tiệp, khi đưa người mẫu trong công ty đi tổ chức biểu diễn ở nước ngoài bị đối tượng tung tin tổ chức đường dây sex tour người mẫu… Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến khẳng định, những thông tin được đưa trên trang Facebook "Thánh cô cô bóc" là thông tin chưa được kiểm chứng, được đưa với ý đồ cá nhân.
Qua điều tra, Cơ quan Công an đã làm rõ cá nhân Trần Thị Hương Giang sử dụng các nick name: Tuyết Anh Trần, Huyền Nguyễn để tham gia viết bài trên "Tập đoàn thánh bóc". Trang Facebook này được tạo tài khoản ở nước ngoài do các đối tượng ở nước ngoài quản lý. Giang và một số đối tượng khác có được mật khẩu truy cập, sau khi viết bài, Giang sử dụng tin nhắn yahoo để gửi cho đối tượng quản lý trang Facebook ở nước ngoài, từ đó đưa lên mạng những thông tin mà Giang viết.
Theo Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến, đây là thủ đoạn để chống sự phát hiện của Cơ quan điều tra (CQĐT) và các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam. Đây là hành vi vi phạm pháp luật cần thiết phải được điều tra, xử lý bằng pháp luật Việt Nam.
Bước đầu, tại Cơ quan Công an, Trần Thị Hương Giang khai nhận mục đích sử dụng các nick name trên để viết bài trong "Tập đoàn thánh bóc" nhằm muốn nổi tiếng và giải quyết mối thâm thù cá nhân, do ghen tị với thành công của một số người làm quản lý trong giới showbiz như doanh nhân Trương Thị Phượng. Tuy nhiên, đằng sau việc viết bài bôi xấu "sao" Việt của Giang còn mục đích, động cơ nào khác vẫn đang được CQĐT tiếp tục làm rõ.
Theo Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến, ngoài Trần Thị Hương Giang thì còn một số đối tượng ở trong và ngoài nước cũng tham gia viết bài bôi nhọ. Sau khi Giang bị bắt, các đối tượng này tiếp tục đăng bài khẳng định nhân vật "Thánh cô cô bóc" đang ở Mỹ, dùng những lời lẽ bậy bạ, dung tục xúc phạm cơ quan chức năng Việt Nam. CQĐT đã làm rõ và triệu tập một đối tượng ở Hà Nội liên quan đến việc viết bài này. Những vi phạm của đối tượng này cũng đang được làm rõ để xử lý nghiêm theo pháp luật.
Những hiểm họa thật từ mạng "ảo"
Việc CQĐT bắt giữ đối tượng Trần Thị Hương Giang theo Điều 258 Bộ luật hình sự đã nhận được sự hoan nghênh, đồng tình ủng hộ cao của dư luận. Bởi trong thời gian qua, trước sự phát triển và lan truyền mạnh mẽ của mạng xã hội Facebook, không ít đối tượng đã lợi dụng Facebook để tung tin thất thiệt, đưa những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin sai sự thật, bôi nhọ, xúc phạm người khác; đăng những nội dung không lành mạnh, phản cảm, không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục của người Việt… Những thông tin xấu này cực kỳ nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu tới nhiều mặt trong cuộc sống, có thể gây nguy hại cho quốc gia và các tổ chức, cá nhân.
Cách đây chưa lâu, dư luận hết sức búc xúc và bất bình trước việc một số đối tượng liên tục đăng bài xuyên tạc, dựng chuyện, xúc phạm danh dự một nữ học sinh cấp 3 ở Đà Nẵng trên trang Facebook "Bộ mặt thật của các hot teen Đà thành" khiến em này đã tìm đến cái chết. May mắn gia đình em phát hiện kịp thời nên sự việc đau lòng đã không xảy ra. Theo gia đình N cho biết thì các đối tượng đã dựng chuyện N có con khi đang đi học, đi học kênh kiệu, chảnh chọe, không hòa đồng. Sự việc khiến N bị tổn thương tâm lý nặng nề dẫn đến hành động mua thuốc ngủ để quyên sinh. Qua điều tra, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính các đối tượng liên quan 30 triệu đồng về hành vi làm nhục, xúc phạm người khác trên mạng Internet.
Việc lợi dụng tự do ngôn luận, tự do trên mạng để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác qua Facebook hiện nay đã đặt ra vấn đề cần thiết phải xây dựng đạo đức, nhân cách và văn hóa ứng xử của người sử dụng mạng xã hội nói chung, mạng Facebook nói riêng. Mạng Facebook tưởng là "ảo" nhưng lại không "ảo" chút nào bởi việc đưa thông tin lên trang mạng là sự thật.
Pháp luật buộc chúng ta phải nhận thức hành vi lợi dụng các diễn đàn, trang mạng xã hội để nhằm mục đích bôi nhọ danh dự nhân phẩm cá nhân, tổ chức là hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại đến các quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức mà pháp luật bảo vệ.
Công dân có quyền tự do ngôn luận qua các việc đưa thông tin lên mạng xã hội nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức xã hội. Không vì muốn nổi tiếng hay vì động cơ cá nhân khác mà bất chấp các chuẩn mực pháp luật để cố tình đưa các thông tin không được kiểm chứng gây rối loạn trong xã hội.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng luật sư Nguyễn Anh - Đoàn luật sư TP Hà Nội: Facebook là trang mạng xã hội ảo, là nơi bày tỏ thông tin cá nhân và kết nối các thành viên cùng sở thích trên Internet với nhau không phân biệt không gian và thời gian. Facebook có sức lan truyền rất lớn trong xã hội bởi những thành viên có nhiều bạn bè và người theo dõi rất lớn. Bất cứ có thông tin cá nhân đưa trên Facebook đều được lan truyền ra cộng đồng mạng. Do vậy, việc đưa các thông tin lên facebook thì được coi là đưa ra cộng đồng xã hội chứ không còn là thông tin của riêng của cá nhân. Ngày nay Internet là hình thức giao tiếp rất phổ biến trong xã hội. Hành vi nói xấu, bôi nhọ, xúc phạm cá nhân, tổ chức trên Facebook thì tùy theo tính chất, mức độ, động cơ, mục đích và hậu quả gây ra thì có thể sẽ bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định của pháp luật. Luật sư Phạm Văn Huỳnh, Trưởng Văn phòng luật sư Tâm Đức, Đoàn luật sư TP Hà Nội: Qua thông tin trên báo chí cho thấy, việc CQĐT tra bắt giữ Trần Thị Hương Giang theo Điều 258 BLHS là hoàn toàn có căn cứ pháp luật, bởi đối tượng đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin của mình để đưa thông tin lên Facebook, tất nhiên là Facebook cá nhân làm ảnh hưởng đến cá nhân doanh nhân Trương Thị Phượng, làm cô Phượng mất uy tín, danh dự cũng như suy giảm tinh thần, sức khỏe. Đây là tội cấu thành hình thức với hành vi cố ý gián tiếp bằng việc lợi dụng tự do ngôn luận trên Facebook để nói xấu, xúc phạm người khác, làm tổn thất tinh thần của người bị hại, bôi nhọ danh dự. Nhất là những người bị Giang bôi xấu là người hoạt động trong giới showbiz, là người của công chúng thì mức độ ảnh hưởng càng nghiêm trọng. Hành vi phạm tội của Trần Thị Hương Giang là hành vi phạm tội gián tiếp nhưng lại gây hậu quả trực tiếp. Tội cấu thành hình thức nên hậu quả tổn thất không thể đo đếm được. Người bị hại cần đòi hỏi bồi thường tổn thất, mất mát theo Luật dân sự trong vụ án hình sự. Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến - Cục trưởng Cục C45 Bộ Công an: Hiện nay, hầu như ai cũng có trang thông tin Facebook cá nhân riêng nhưng nếu ai cũng sử dụng để đưa thông tin của người khác mà không được sự cho phép của người đó thì dẫn đến xã hội náo loạn, gây nghi kị lẫn nhau, đặc biệt gây ra những hậu quả khôn lường. Thực tế đã có những vụ việc đưa thông tin không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, làm suy giảm uy tín của những người lãnh đạo, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nhân có thể khiến họ vỡ nợ; hay việc đưa những thông tin không đúng với người hoạt động giải trí đã ảnh hưởng đến uy tín bởi họ là người của công chúng… Việc sử dụng trang mạng cá nhân không bị cấm, quyền tự do dân chủ cũng đã được quy định trong Hiến pháp. Nhưng vấn đề là trang mạng Facebook chỉ có quyền đưa thông tin của cá nhân mình, gia đình mình, được chia sẻ những thông tin bạn bè kết bạn… chứ không được lợi dụng quyền được thông tin cá nhân của mình để viết bài về người khác không đúng sự thật, không được người trong bài viết cho phép. Hiện nay có nhiều người sử dụng Facebook tự ý đưa thông tin về người khác mà chưa có kiểm chứng và không được sự cho phép của người được đưa thông tin lên mạng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và người đưa thông tin phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. |