Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201506/nan-tao-hon-trong-dong-bao-dan-toc-thieu-so-khi-phep-vua-thua-hu-tuc-616405/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201506/nan-tao-hon-trong-dong-bao-dan-toc-thieu-so-khi-phep-vua-thua-hu-tuc-616405/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Khi 'phép vua' thua... hủ tục - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 18/06/2015, 09:56 [GMT+7]
Nạn tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số

Khi 'phép vua' thua... hủ tục

(Congannghean.vn)-Tự bao đời nay, đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Nghệ An vẫn còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu, khó có thể xóa bỏ triệt để, trong đó nhức nhối nhất là nạn tảo hôn - một hủ tục như đã ăn sâu vào bao thế hệ đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú… Mặc dù chính quyền và các ngành liên quan đã có những nỗ lực lớn trong việc tuyên truyền nhằm ngăn chặn nạn tảo hôn nhưng đến nay, thực trạng này vẫn đang tồn tại.
 
Nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang gây ra không ít bi kịch, làm héo tàn những “bông hoa rừng” mới chớm nở, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nòi giống cũng như các vấn đề xã hội, nhất là trong việc nâng cao chất lượng dân số ở tỉnh ta.
 
Lời ru buồn nơi bản vắng
 
Đêm ở miền biên viễn mùa này nóng nực, con người và vạn vật như đang vật lộn với cái nóng lên đến 40oC, lẫn trong tiếng chim kêu, vượn hót là lời ru con văng vẳng nghe buồn đến não lòng. Ông Lỳ Bá Dờ, Trưởng bản Nậm Tột, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong thở dài cho biết: “Đó là tiếng ru con của Xồng Y Râu, năm nay mới 16 tuổi. “Nó” là vợ của thằng Lỳ Bá Chư (18 tuổi). Chúng nó cưới nhau từ năm ngoái, nay đã có một đứa con. Gia đình nghèo lắm, vợ chồng trẻ không biết làm ăn nên con cái nheo nhóc”.
Nhiều phụ nữ vùng cao đã trở thành vợ và làm mẹ khi chưa đủ tuổi kết hôn
Nhiều phụ nữ vùng cao đã trở thành vợ và làm mẹ khi chưa đủ tuổi kết hôn
Đoạn, Trưởng bản Dờ kể, ở bản Mông này, trường hợp tuổi như Râu và Chư lấy nhau không phải là hiếm. Điều kiện khó khăn với những tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại, đeo bám người dân nơi đây, cứ lớn lên không học hành nữa thì làm quen với nhau, rồi thích ai đó là “bắt”. Trường hợp của Râu cũng không phải ngoại lệ. Nhà nghèo, lại đông anh chị em nên khi có người hỏi cưới, bố mẹ Râu ở bản Huồi Xái đã gật đầu với suy nghĩ như vậy sẽ bớt đi một khẩu phần ăn, vì đằng nào con gái mình cũng phải lấy chồng, sớm hay muộn cũng chẳng có gì quan trọng. Tư tưởng trên là cách nghĩ của phần lớn các cha mẹ có con cái trưởng thành ở vùng cao hiện nay. 
 
Chuyện của vợ chồng Chư - Râu cũng không phải là cá biệt, bởi đa phần những cặp vợ chồng trẻ ở các xã biên giới Nghệ An đều là những đôi vợ chồng tảo hôn. Cách trung tâm thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương không xa là nhà anh Lương Văn Hợi (20 tuổi) và Lô Thị Trang (15 tuổi) ở bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh. Năm 2014, hai người nên nghĩa vợ chồng, khi yêu nhau đến lúc mang bầu ở tháng thứ 5, gia đình hai bên mới biết rồi phải cho cưới. “Ngày đó, em đồng ý về làm vợ anh Hợi là bởi chúng em yêu nhau nên đồng ý làm “chuyện người lớn”. Cưới xong, chồng động viên em tiếp tục đến trường, nhưng sợ bạn bè cười chê lại phải lo chuyện sinh con nên em đã bỏ học. Giờ con em đã gần 1 tuổi, vợ chồng mới dựng ngôi nhà này để ở, ngày ngày, em theo chồng lên nương làm rẫy”, Trang cho biết. 
 
“Phép vua” thua... hủ tục
 
Cũng như người Mông vùng Tây Bắc, người Mông ở các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong có tập tục “bắt vợ”. Tập tục này là nét văn hóa lâu đời của đồng bào nơi đây, thế nhưng hiện nay đang bị lạm dụng, biến tướng. Nhiều thiếu nữ Mông ở đây chưa đủ tuổi kết hôn, thậm chí các bé gái mới 12, 13 tuổi đã bị thanh niên bản “bắt” về làm vợ. Trong những ngày “cắm bản” ở đây, điều làm chúng tôi chú ý hơn cả là trường hợp thầy giáo Xồng Bá Lữ - con trai của Chủ tịch UBND xã Mường Lống, Xồng Vả Súa, lập gia đình với người chưa đủ tuổi quy định.
 
Tuy là thầy giáo nhưng Lữ lại kết hôn với một học sinh đang học lớp 7, Trường THCS DTNT xã Đoọc Mạy. Một thầy giáo miền xuôi lên công tác ở đây cho biết, với người dân Mường Lống nói riêng, đồng bào Mông nói chung, tình trạng tảo hôn và lập gia đình với người cùng huyết thống là chuyện không mấy lạ lẫm. Qua theo dõi cho thấy, từ sau Tết 2015 đến nay, tình trạng nhiều học sinh nữ bỏ học để lấy chồng đang có xu hướng tăng.
 
Theo đại diện Phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn, phần lớn các cuộc hôn nhân này đều lén lút, họ sống với nhau đến lúc đủ tuổi đăng ký mới ra trình diện chính quyền để làm đăng ký kết hôn, trong đó có cả bộ phận đảng viên, con em cán bộ công chức. Nhiều cặp vợ chồng còn phớt lờ chuyện này, chỉ khi con cái đến trường, cán bộ Tư pháp về tận nhà “nài nỉ” mới chịu ký vào giấy đăng ký kết hôn. Thực trạng này xuất phát từ tập tục của bà con nơi đây nên rất khó để tác động, dù rằng chính quyền và các cơ quan chức năng đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, gặp gỡ nói chuyện về tác hại của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nhưng “đâu rồi lại vào đấy”.
Mới 16 tuổi nhưng thiếu phụ Lô Thị Trang ở bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương đã là mẹ                của đứa con gần 1 tuổi
Mới 16 tuổi nhưng thiếu phụ Lô Thị Trang ở bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương đã là mẹ của đứa con gần 1 tuổi
Anh Lô Văn Thuận, Bí thư Đoàn xã Tri Lễ, huyện Quế Phong cho hay: "Tri Lễ là xã biên giới, người dân chủ yếu là người dân tộc Thái và Mông, trong đó đồng bào Mông sinh sống tại 10 bản, rải rác trên các sườn núi. Thực trạng tảo hôn là vấn đề không thể giải quyết trong “một sớm, một chiều”, đặc biệt là với đồng bào dân tộc Mông có tục lệ kết hôn sớm cho con. Riêng ở các bản Mông, qua khảo sát, hiện nay có đến gần 40 trường hợp tảo hôn.
 
Trước tình trạng này, các ban, ngành của xã, trong đó Đoàn xã đã phối hợp với các ngành Tư pháp, Dân số, Phụ nữ xã thường xuyên tuyên truyền về vấn nạn này trong các đợt truyền thông về dân số, các buổi họp bản, sinh hoạt Đoàn nhưng tình trạng tảo hôn vẫn không giảm. Xã chỉ có thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ tác hại của việc tảo hôn chứ không thể ngăn cấm triệt để được. Nguyên nhân là do trình độ dân trí của bà con còn thấp kém, vẫn tồn tại tư tưởng phải cho con cái lấy vợ, lấy chồng sớm để giảm bớt “gánh nặng” cho cha mẹ và để có người phụ giúp việc nương rẫy. Mặt khác, một bộ phận thanh, thiếu niên qua quá trình tự tìm hiểu, nếu nảy sinh tình cảm thì đòi gia đình cưới, cha mẹ không thể ngăn cấm nổi. 
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các trường hợp kết hôn ở tuổi vị thành niên đều tổ chức lén lút, không thông qua chính quyền cơ sở. Trên toàn tỉnh, hầu như ở bất cứ nơi nào có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì đều diễn ra tình trạng tảo hôn, song không thể đưa ra con số thống kê chính xác. Mặc dù phát hiện có nhiều vụ tảo hôn nhưng không thể buộc chấm dứt tình trạng trên, vì thế tình trạng tảo hôn ở trẻ vị thành niên vẫn tăng qua từng năm. Hệ lụy của những cặp vợ chồng cưới nhau ở độ tuổi 15, 16, cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” là đói nghèo, con cái sinh ra còi cọc. Bố mẹ chưa trưởng thành nên ý thức, kinh nghiệm và kỹ năng chăm sóc con cái cũng vì thế mà rất hạn chế.
 
Qua khảo sát cho thấy, hiện đã có chế tài xử lý nạn tảo hôn, song chưa được cụ thể và đồng bộ hoá, chưa có văn bản hướng dẫn mà chỉ phụ thuộc vào hương ước, quy ước của thôn, bản. Việc mang thai và sinh đẻ ở lứa tuổi vị thành niên khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ sức khỏe để nuôi dưỡng bào thai sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bình thường của thai nhi, thậm chí dẫn đến tử vong.
 
Lãnh đạo Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: Việc xây dựng, triển khai mô hình can thiệp nhằm loại bỏ hoặc thay đổi tập quán lạc hậu về tảo hôn, kết hôn cận huyết thống tại một số địa phương vùng dân tộc thiểu số là vấn đề hết sức cần thiết. Điều này góp phần quan trọng và trực tiếp cải thiện chất lượng giống nòi, nâng cao chất lượng dân số. Ngoài mục đích góp phần làm giảm nhanh tỉ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của người dân thì việc triển khai mô hình còn giảm thiểu được tỉ lệ trẻ em bị dị dạng, dị tật, bệnh tật... do hậu quả của việc sinh đẻ ở lứa tuổi vị thành niên và hôn nhân cận huyết thống. Từ đó sẽ làm giảm tỉ lệ phụ nữ nạo phá thai, góp phần nâng cao sức khỏe cho phụ nữ, đồng thời thực hiện tốt chính sách dân số.

Ngày 14/4/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 498 phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực tại các vùng này.

 

.

Xuân Thống

.