Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201206/20639-con-ac-mong-cua-mot-hu-tuc-396994/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201206/20639-con-ac-mong-cua-mot-hu-tuc-396994/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cơn ác mộng của một hủ tục - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 03/06/2012, 15:03 [GMT+7]
20639

Cơn ác mộng của một hủ tục

Già làng K'gõ, 70 tuổi, người Mạ: "Làng không còn sợ ma chạ nữa rồi"
Nếu như người Raglai ở vùng rừng núi Ninh Thuận, Khánh Hòa… gọi những bóng ma chuyên hại người là ó ma lai thì người Mạ và S'tiêng ở tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là tại xã vùng sâu Tà Lài (huyện Tân Phú) gọi ó ma lai là… ma chạ. Chạ là bóng ma hủ tục hãi hùng khiến dân làng ai cũng khiếp sợ và chính từ nỗi sợ hãi ấu trĩ ấy, người ta vì muốn diệt trừ ma đã gây nên tội ác giết người dã man không khác gì thời Trung cổ với các hình thức chôn sống, chặt đầu. Giữa rừng già thâm u, nhắc chuyện ma chạ, không ít những người già ở Tà Lài, rùng mình khi bóng ma quá khứ hiện về trong tâm trí họ.

 

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Chủ nhiệm Nhà Văn hóa Tà Lài, cho biết: "Sau khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), Pháp mở chiến dịch khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng trong cả nước và đặc biệt tại Nam Bộ rất khốc liệt. Khi ngục Tà Lài được xây dựng xong, Pháp đã giải nhiều đảng viên, người yêu nước mà chúng bắt bớ được về biệt giam tại chốn lao ngục nơi thâm sơn cùng cốc mà chúng tin rằng đã vào thì không có đường ra. Thế nhưng vào ngày 27/3/1943, đồng chí Trần Văn Giàu đã cùng 10 đồng chí khác vượt ngục Tà Lài thành công, khiến giặc Pháp ngỡ ngàng".

Từ vùng rừng heo hút, thâm u ngày nào, Tà Lài nay đã thay da đổi thịt, được quy hoạch khá chỉn chu, đường trải nhựa dẫn vào tận trung tâm các buôn làng. Qua cầu treo vững chãi bắc ngang sông Đồng Nai, chúng tôi đi vào địa phận ấp 4, thế giới của đồng bào bản địa, nơi từ nhiều đời qua, 2 tộc người anh em Mạ và S'tiêng cùng chung sống, cùng yêu thương và kiên cường trước mọi hành động ruồng bố, tìm giết của giặc. Những ngày ở nơi này, qua tiếp cận với người làng, chúng tôi ghi nhận được rất nhiều chuyện lạ liên quan đến phong tục tập quán của tộc người chốn rừng sâu, đặc biệt là những chuyện liên quan đến loài ó ma lai mà đồng bào gọi là chạ.

"Người Mạ và người S'tiêng mình gọi ma là chạ, gọi chao-chạ là người ma. Chao-chạ đáng sợ lắm, nó không thích ai, muốn hại ai là người đó đau bệnh uống thuốc gì cũng không hết,  ai chữa cũng không được. Nó làm cho người ta chết đau đớn lắm!".

Ở tuổi ngoài 70 nhưng già làng K'Gõ, người Mạ, vẫn còn minh mẫn và tráng kiện. Lục lọi trong trí nhớ già nua của mình, già làng K'Gõ khẽ rùng mình khi nhớ lại những bóng hình, câu chuyện của một thời quá vãng ấu trĩ lẫn tàn khốc. Ông hướng ánh mắt nhăn nheo, đỏ đục về khoảnh rừng phía trước, chỉ tay về phía ấy và nói: "Ngày trước người Mạ mình ở cánh rừng bên đó, ai cũng sợ chao-chạ, sợ nó còn hơn sợ sấu (cá sấu), sợ cọp". Hỏi lý do vì sao, già làng K'Gõ, giải thích: "Vào rừng, xuống sông gặp sấu gặp cọp mình có thể chạy, có thể bắn giết nó. Mà nếu bị nó tấn công thì cũng chỉ bị thương hoặc chết một người. Chao-chạ mà ghét ai, hại ai thì làm cho nhà người ta nghèo khổ, làm cho con trâu con heo chết hết. Làm cho người ta cùng anh em họ hàng đau bệnh chữa không hết, rồi chết".

Xuyên suốt buôn làng, trong từng lời kể, hồi ức của người già, chạ (con ma) mà dẫu chưa từng có ai nhìn thấy thực sự nhưng nỗi khiếp sợ ăn sâu vào xương tủy, tâm khảm thì quá rõ ràng. "Nghe ông già mình kể lại, chạ ác độc lắm. Nếu biết mình bị chao-chạ hại, phải tìm nó, phải giết nó mình mới được sống" - cụ bà tên Thị Lệch, thả hồn về quá khứ: "Chạ có tài phép muốn biến thành gì cũng được. Khi nó biến thành con trâu, con bò, lúc nó biến thành người, biến thành chàng trai, cô gái như người thật, chẳng ai nghi ngờ hay biết nó là chao-chạ. Nên bà con dân làng sợ chạ lắm!".

Người Mạ và cả S’tiêng ở Tà Lài tin rằng chạ là những hồn ma chết bờ chết bụi không được chôn cất, không được làm lễ bỏ mả, nên linh hồn vất vưởng hóa thành ma, chuyên đi bắt hại người. Lại có người tin rằng chạ thực chất là những người bình thường chơi ngải, gọi là ngải ma. "Người có ngải ma nói gì, biểu gì người khác cũng nghe, cũng tin. Biểu làm gì người khác cũng làm. Mà ngải ma thường chỉ khiến người ta làm điều xấu, điều ác" - ông  K'Yếu, nguyên cán bộ Nhà Văn hóa Tà Lài, nói.

 

Người làng S'tiêng kể chuyện người ma (chao-chạ).

Cũng theo lời của K'Yếu, song hành với thế giới người sống là thế giới ma, tồn tại một lực lượng ma quỷ luôn tìm cách hại con người, làm cho con người bị ốm đau, hao tốn tài sản và… sau cùng là cái chết. "Ma chạ có dáng như người ta nhưng có phép thuật làm hại người khác. Chạ đội lốt người cũng có thể lấy chồng lấy vợ như người bình thường. Có khi chạ sống trên rừng, sống trên cây, sống trong buôn làng ma hay trà trộn vào buôn làng, dòng họ nào đó". Hỏi chạ có thể hại người như thế nào, những người già nói nó hút máu, nó ăn óc người, ăn thịt trẻ em, ăn xác chết…

Như vậy mới thấy ma chạ trong quan niệm của người Mạ không như ó ma lai trong tâm trí của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Ninh Thuận… là bóng ma bay lượn chuyên rút ruột người. Ma chạ như lời kể của những người già là người bình thường, sống được trong thế giới người, lẫn vào người rất khó nhận biết. Cũng theo tâm tình của ông K'Yếu, vì sợ chạ hóa thành người ma mà ngày trước, con trai con gái khi đến tuổi lấy chồng lấy vợ không dám lấy người ở làng khác, họ khác. Điều này đồng nghĩa với việc trai gái Mạ hay S'tiêng chỉ lấy người có mối liên hệ họ hàng, dòng tộc. Chính hiện tượng hôn nhân đồng huyết ấy đã khiến nhiều đứa trẻ chào đời èo uột, chết non. Bóng ma ảo đã gây nên thảm họa thật!

Cứ như thế, trong một thời gian dài, chính niềm tin và sự khiếp hãi về chạ, về chao-chạ ấy đã chi phối thái độ, cách ứng xử tàn bạo của người bản địa ở Tà Lài khi nghi ngờ người thân mình bị chạ hãm hại hay nghi ai đó là chao-chạ. Các già làng kể rằng khi bị chao chạ làm cho đau bệnh, người bệnh (dù còn sống hay đã chết) và người thân của anh ta đều phải nhờ thầy cúng cúng ma rất tốn kém. Có gia đình vì cúng chạ mà cùng kiệt… Sau giai đoạn cúng ma, nếu vẫn chưa hết bệnh, nếu bệnh vẫn ngày càng nặng hơn và nếu như gia đình, dòng họ có thêm người bệnh thì người ta chỉ còn cách tìm diệt ma để trừ hậu họa. Cũng từ đây tội ác man rợ được… bắt đầu!

"Nếu một người bị nghi là chạ, anh ta sẽ bị dân làng giết chết, giết cả dòng họ anh ta bằng cách đào hố chôn sống, chặt đầu, nói chung là diệt tận gốc. Nghe ông nội mình kể ở dưới Định Quán (huyện Định Quán, Đồng Nai) có người nọ bị làng kết tội là chao-chạ mà cả gia đình anh ta bị chặt đầu, chôn sống. Hồi năm 1978-1979, ở bên Bù Cháp 2 có ông K'lắc là "đại tá ma lai". Ông này lúc nào cũng đeo khẩu súng ma bên người dùng để bắn linh hồn người ta. Sau đó ông này và gia đình nghe đâu bị giết để trừ hậu họa" - ông K'yếu, thì thào kể chuyện và bật mí: "Cũng có làng Mạ hay làng S'tiêng nói rằng chạ hay chao-chạ là những người lạc rừng, những người bị Pháp bắt phu bỏ trốn do đói quá đã ăn ngải độc rồi thành ma. Ngải ma hay giục người ta ăn thịt người. Ngày trước có ông Út Soai dùng ngải ma khiến được cọp, bắt nó đi săn người về cho mình ăn thịt".

Chuyện kể của K'Yếu nghe qua thật rùng mình kinh hãi, tưởng như chuyện hoang đường nhưng trong báo cáo tham luận tại Hội thảo văn hóa dân gian trong quá trình phát triển miền Đông Nam Bộ, TS Lê Phong (Trường đại học Đà Lạt) cũng nhắc đến cái cách mà người ta trừng phạt, tiêu diệt người bị nghi là ma lai. Chuyện được ghi lại từ lời kể của ông H.M.D., Chủ tịch Mặt trận huyện ĐT là người Churu ở rể xứ Mạ rằng chính ông D. đã tận mắt chứng kiến một người giết người bị nghi là ma lai bằng cách chặt đầu". Chủ tịch xã N.V.S. kể một người tên K'G đã từng giết ma lai trong rừng và báo là giết Fulro. Một nhóm khác đã nhét một bà già vào bao tải thả trôi sông Đạ Đờng vì nghi bà cụ là… chao-chạ...

 

Cầu treo Tà Lài dẫn vào buôn làng Mạ và S'tiêng ở bên kia sông Đồng Nai.

Quay trở lại câu chuyện ma chạ ở Tà Lài. Chúng tôi được ông K'Yếu và những người già khác bật mí bên cạnh hình thức chặt đầu, chôn sống, dân làng còn diệt ma bằng nhiều cách như cúng giải ma cho người có ma, nhờ thần giúp tiêu diệt ma, đổi chỗ nằm, dùng chó săn ma hay lập mưu cho ma uống rượu độc, ăn cơm bỏ thuốc độc trong tiệc cưới, tiệc kết nghĩa…

Điều đáng ghê sợ hơn cả là gắn liền với nỗi khiếp sợ ma chạ là nỗi ám ảnh của ai đó bỗng dưng bị kết tội… ma. Điều này đồng nghĩa với việc bất kỳ ai cũng có thể bị quy kết là chao-chạ và cũng không loại trừ khi thù ghét nhau, người này vu cho người kia là người ma. Cụ bà Thị Lệch  kể: Hai người cãi nhau, hôm sau 1 trong 2 người ấy bỗng dưng đau bệnh, hay súc vật bệnh chết, thế là người có xích mích với người gặp nạn bị gia đình người gặp nạn kết tội là "chạ" và rắp tâm trả thù. Sợ đòn thù ấy, gia đình người bị kết tội phải cầu cứu thầy cúng nhờ giải oan.

Được thể thầy cúng sẽ bày vẽ đủ màn cúng Yàng (thần linh) tốn kém. Nếu gia đình bị nghi ngờ không làm theo yêu cầu, chỉ đạo của thầy cúng thì sẽ bị ông bà thầy phật lòng, kết là ma và sẽ bị làng xử tội. Và khi đã bị phán quyết là chạ, người bị nghi ngờ cùng người thân khó thoát khỏi cái chết hãi hùng, bi thảm. Cũng vì sợ chạ hại, sợ bị kết tội là chao-chạ nên mọi người sống không dám để xích mích lẫn nhau, thường chỉ quần tụ dưới hình thức dòng họ, lấy người cùng họ để tránh chuyện hại nhau.

Chuyện về cơn ác mộng ó ma lai trong đời sống của người Mạ và S'tiêng ở Tà Lài là thế. Nghĩa là vì xích mích, bất đồng, ganh ghét hay đơn thuần nghi ngờ theo kiểu suy diễn "tôi với anh không ưa nhau, tôi hay vợ con tôi đau bệnh là do anh dùng ngải ma hại tôi nên anh là chao-chạ" mà người ta vô tư kết tội người khác. Nhưng theo tâm sự của ông K'Yếu, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết thì sau này, phần đông đồng bào Mạ và S'tiêng cũng hiểu được rằng chạ hay chao-chạ là bóng ma không có thật, rằng nó chỉ là sản phẩm của những thầy cúng tà tâm, muốn khẳng định quyền lực, khống chế tinh thần người khác bằng cách gieo rắc sự sợ hãi.

"Ngày trước cùng với già làng, thầy cúng có uy nhất làng. Nó nói ai là ma thì người đó là ma. Nó ghét ai thì nó tìm cách hại người ấy. Biết người mình không thích có xích mích với người khác, nó sẽ tìm cách bỏ thuốc độc vào thức ăn, vào nguồn nước uống của gia đình người đó. Bỗng dưng phát bệnh, tất nhiên người kia sẽ nghi ngờ kẻ có gây hấn với mình "làm thuốc", dùng ngải ma hại mình nên báo sự việc với thầy cúng. Chỉ chờ đến đây, thầy cúng sẽ hành hạ người nó ghét. Nếu người đó không biết điều, không nghe lời sai bảo của nó, không cúng heo, mổ trâu thì nó sẽ nói người đó là ma và sẽ mượn dân làng giết chết họ, giết cả vợ con họ. Sau khi giết người ta xong, thầy cúng cho người bị chạ "hại" uống thuốc giải của nó, người đó hết bệnh ngay. Càng như thế người ta càng tin tưởng thầy cúng lắm, sợ thầy cúng lắm!".

Chạ hay chao-chạ nay chỉ còn là bóng hình của quá khứ. Cộng đồng người Mạ và S'tiêng ở Tà Lài giờ đây khi đau bệnh đã biết đến trạm xá để các bác sĩ chữa trị chứ không còn hoảng sợ, phó thác sinh mạng mình vào tay thầy cúng hay phải tìm cho ra bằng được con ma núp bóng người hãm hại mình. Ông K'Yếu nói rằng hai, ba năm trước, làng vẫn có người tin có ma chạ nhưng đó chỉ là một vài người già, là những người thiếu hiểu biết.

"Bây giờ, muốn nói ai là chạ phải có bằng chứng, bằng không làng sẽ phạt nặng. Để tránh trường hợp đứa trai ăn nằm với con gái người ta nhưng không chịu cưới vì nghi đứa gái đó là chạ, nếu đứa trai không đưa ra được chứng cứ, nó phải cưới đứa gái, rồi phải nộp phạt cho nhà gái, nộp phạt cho làng ít nhất 1 con trâu vì cái tội đổ bậy đó" - K'Yếu, quả quyết!


ANTG
.