Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201205/19953-gap-dai-ca-tung-hien-nhat-khu-397583/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201205/19953-gap-dai-ca-tung-hien-nhat-khu-397583/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Gặp đại ca từng 'hiền nhất khu' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 04/05/2012, 16:47 [GMT+7]
19953

Gặp đại ca từng 'hiền nhất khu'

Khi chưa bị bắt, Cường “Chưởng” là một trong những “đại ca” có số ở xứ Thanh. Do cạnh tranh trong việc mở quán xá, Cường có nhiều kẻ thù, mà một trong những kẻ thù không đội trời chung là Phương “cu tý” - cũng là một “đại ca” nổi tiếng ở đất Thanh Hóa. Các cuộc đọ súng vì thế đã diễn ra liên miên khiến người dân nơi đây vô cùng kinh hãi. Bây giờ thì Cường “Chưởng” đang thụ án trong trại giam với cái “án chữ” dài dằng dặc, tạm thời gọi là “súng gươm đã vứt bỏ”, Cường nói rằng, ngày xưa em hiền lắm, hiền nhất khu, cả ngày chỉ ở nhà nấu cơm, rửa bát...

 

Lê Khắc Cường, tức Cường “Chưởng”, sinh năm 1982, ở khu Đông Bắc Ga, TP Thanh Hóa, bị truy tố về một loạt các tội: giết người, tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép, cố ý gây thương tích, và bị phạt án tù chung thân.

Oan gia ngõ hẹp

Cuộc đọ súng đêm 30/6/2008 giữa các nhóm giang hồ đã làm náo loạn xứ Thanh. Khi đang chở bạn gái đi chơi, Cường bất ngờ gặp nhóm Toàn “khả” (khi ấy nhóm Toàn “khả” đang lùng sục nhóm Ba Duy để giải quyết mâu thuẫn). Nhìn thấy Cường “Chưởng”, vốn có mâu thuẫn từ trước, Toàn “khả” hô cả bọn đuổi theo Cường lùa đánh. Cường “Chưởng” chở bạn gái chạy trối chết về nhà mình ở khu Đông Bắc Ga và gọi điện cho 3 “anh em” là Hợp “cán”, Việt và Hòa rồi mang theo 1 khẩu tiểu liên AK cưa báng với 13 viên đạn giao cho Hợp, đích thân Cường cầm khẩu K54, với 4 viên đạn. Cả nhóm lên 2 xe máy đi tìm nhóm Toàn “khả”.

Vòng vèo qua mấy con phố thì hai bên gặp nhau. Không nói không rằng, Cường “Chưởng” rút súng bắn thẳng vào nhóm Toàn “khả”, Hợp “cán” cũng vội vàng rút AK bắn bị thương 2 kẻ trong nhóm đối địch. Nhóm Toàn  thấy súng nổ và người đổ vật xuống thì hoảng hốt bỏ chạy, Cường hô đồng bọn đuổi theo. Đúng là “oan gia ngõ hẹp”, chưa kịp mát ga thì lại đụng tiếp nhóm Hoà “khoai”. Rất may, cơn thịnh nộ của Cường được xả bằng súng nhưng nhóm Hòa “khoai” không có ai bị thương.

Trong khi đó, một nhóm giang hồ khác đang chờ nhóm Toàn đi tới để giải quyết ân oán, thấy tiếng nẹt pô xe máy của nhóm Cường, cứ ngỡ là đối thủ đã tới, nhóm này xông ra với dao kiếm sáng loáng trên tay. Cường  và Hợp chĩa ngay súng vào đám ong ve nhốn nháo xả cho đến khi hết đạn khiến một đối tượng chết tại chỗ, nhiều người khác bị thương.

Kẻ bị thiệt mạng thực ra là bạn của Cường chứ không hề có mâu thuẫn gì với anh ta. “Thằng Tuyên là bạn của em. Đúng là chuyện chả ra đâu vào với đâu, anh em không có mâu thuẫn gì với nhau, toàn chuyện hiểu lầm, cuối cùng lại gây ra hậu quả chết người” – Cường than thở.

Tôi hỏi Cường: “Có phải vì anh nhiều kẻ thù nên đi đâu cũng có người rình bắn?”, Cường thở dài: “Em làm quán xá, mà người ta cũng làm nên cạnh tranh nhau. Nhà mình có khách, nhà họ không có, thế là sinh chuyện, họ cứ đến quấy rầy mình, chứ em cũng muốn được yên ổn mà làm ăn lắm chứ, hơi đâu vác súng suốt ngày ra đường làm chi cho mệt”.

Mâu thuẫn giữa Cường “Chưởng” và các băng nhóm giang hồ xứ Thanh bắt đầu từ khi Cường tham gia vào lĩnh vực quán xá. Mở vũ trường “Vùng trời xanh” mới được một thời gian ngắn thì theo lời Cường nói, quán của anh ta liên tục bị nhóm của Phương “cu tý” đến quấy rối (Phương “cu tý” cũng mở quán như Cường). Đã hai lần Cường bị nhóm của Phương truy sát nhưng đều bắn trượt. “Bọn nó còn định đốt ô tô của em mấy lần, sau này khi em bị bắt, khai ra các vụ đó thì Công an họ mới làm rõ. Em mở quán bar con con chứ có phải vũ trường đâu, dư luận cứ ồn lên thế chứ vũ trường gì lại có 180 mét vuông” - Cường giãi bày.

Phương  là một nhân vật cũng có số má ở đất Thanh Hóa. So với Cường thì cũng chưa biết “mèo nào cắn mỉu nào”. Cường có đông đàn em, Phương cũng có nhiều đệ tử không kém. Phương vốn trước đây là giọng hát được ưa chuộng ở các phòng trà, nhưng sau này đi theo nghề kinh doanh nhạy cảm, Phương cũng nhiều súng ống không kém Cường. Sàn nhảy Vùng trời xanh thực chất chỉ là một sân khấu nhỏ, vừa để biểu diễn ca nhạc, vừa làm nơi nhảy nhót của đám thanh niên. Cũng kinh doanh mô hình giải trí như Cường, Phương có vũ trường “Blue”. Các trận “tỉ thí” giữa hai băng nhóm này xảy ra như cơm bữa. 

 “Trước đây, em hiền nhất khu”

Cường nói thế. Tôi bảo với anh ta: “Khi người ta còn bé, ai chả hiền”. “Không, em nói thật đấy, hồi em mới lớn có quậy phá nên cũng bị mang tiếng nhiều. Thực ra em bị bọn nó o ép nhiều quá, một đằng là mạng sống của mình, là nồi cơm của mình, nay nó đòi chém, mai nó đòi giết. Tính em rất hiền, không thích đánh nhau, nhưng nếu người ta đến quấy thì mình phải đánh lại” – Vậy là, chỉ trong một thời gian ngắn, băng nhóm của Cường “Chưởng” và băng nhóm của Phương “cu tý” đã đụng độ với nhau ít nhất 18 lần.

Làm “anh” của hàng chục đối tượng, thế nên việc lớn nhỏ gì cũng tới tay Cường hết. Đối với một “đại ca” thì việc đàn em bị bắt nạt, o ép, là một điều không bao giờ chấp nhận được, điều đó khác gì bị qua mặt, bị phá giá. Và, cũng chỉ vì để giữ giá, giữ nồi cơm của mình, Cường đã chỉ đạo đàn em gây ra nhiều vụ cố ý gây thương tích. Một đàn em của Cường là Nguyễn Thế Việt bị một kẻ tên Cường “chíp” đuổi đánh.

Để trả thù cho đàn em, Cường “Chưởng” đã cùng đàn em dùng dao kiếm xông vào một quán cà phê trên đường Đinh Công Tráng để tấn công Cường “chíp”. Một trận mưa dao ập xuống người Cường “chip”. Chưa đủ, đối tượng này còn bị nhóm Cường “Chưởng” đưa lên đồi thông đánh tiếp. Khi Cường “chip” nằm gục xuống rồi, nhóm Cường “Chưởng” mới chịu đưa vào bệnh viện điều trị. Theo tài liệu của cơ quan Công an, từ năm 2006 đến khi bị bắt, Lê Khắc Cường đã chỉ đạo đồng bọn gây ra 6 vụ cố ý gây thương tích. Nhóm của Cường mỗi khi “xuống đường” luôn mang theo hàng nóng và dao kiếm thường đựng trong bao. Mỗi khi gây ra vụ nào đó, cả bọn thường bịt mặt bằng khẩu trang để tránh nhận dạng.

Là con trai thứ hai trong gia đình có ba chị em, Cường chỉ học hết lớp 7 là nghỉ. Bố của anh ta vốn là thương binh nặng, nhiễm chất độc da cam, mẹ là công nhân về hưu. Ngay từ nhỏ, Cường đã thích kinh doanh quán xá. Sau khi nghỉ học, được bố mẹ đầu tư cho cửa hành kinh doanh băng đĩa, nhưng chỉ được một thời gian ngắn là cửa hàng này đóng cửa. Cường lại mở tiếp quán cà phê nho nhỏ, thấy đông khách, anh ta tiếp tục mở rộng hơn, dưới hình thức vũ trường, quán bar. Chính từ hoạt động kinh doanh này, Cường thường xuyên va chạm với các đối tượng cộm cán khác. Để “giữ nồi cơm” và “giữ mạng mình” (như cách Cường nói), anh ta đã đi sai đường hết lần này đến lần khác.

Thời gian này, Cường bảo, anh ta đang phải điều trị dưới bệnh xá vì bệnh thận và bệnh thiểu năng tuần hoàn não, do di chứng chất độc da cam từ người cha. Đứa em trai của Cường cũng bị ảnh hưởng, vừa đi học vừa phải vào viện chữa bệnh. “Người ta cứ nói em là thiếu gia, chứ thực tế thì em cũng hoàn cảnh lắm. Trước đây ở trong khu, em hiền nhất xóm, suốt ngày chỉ ở nhà nấu cơm, quét dọn” – Cường phân trần. Trên gương mặt đàn ông khá ưa nhìn, đôi mắt Cường ướt rượt, ngậm ngùi kể về cô người yêu nay đã đi lấy chồng.

Tính ra, Cường bị bắt đã gần 5 năm nay, mà án của anh ta còn rất dài, thế nên việc người yêu đi lấy chồng cũng là lẽ thường tình, Cường không trách gì cô gái, chỉ ngậm ngùi tự trách mình: “Vào trong này rồi, mọi chuyện sẽ phôi phai hết, đặc biệt là chuyện tình cảm. Nếu như trước đây mình sống, đối xử với anh em, bạn bè tốt thì người ta còn đi lại với mình, chứ nếu để lại dư âm xấu thì dần dần sẽ chẳng còn ai”. Tôi hỏi: “Vậy hiện tại, bạn bè có còn đến thăm anh không?”. Cường vui hẳn: “Có chứ chị. Thỉnh thoảng, anh em vẫn vào thăm em”.

“Đại ca” khét tiếng xứ Thanh một thời giờ nói năng nhỏ nhẹ, có phần khiêm tốn chứ không còn vẻ hung hăng thuở nào. Cường bảo, thời nông nổi qua lâu rồi, mấy năm qua, đã quá đủ thời gian để anh ta chiêm nghiệm lại những việc mình làm, chẳng qua cũng là do thiếu suy nghĩ vì tuổi trẻ bồng bột, chứ nếu suy nghĩ được chín chắn thì đâu đến nỗi giờ phải trả giá bằng cái án tù dài dằng dặc trong trại giam.

Điều Cường buồn nhất bây giờ là sức khỏe của người cha thương binh nặng ngày một yếu, người mẹ vốn đã vất vả cả đời giờ lại loay hoay chăm sóc chồng. Có thằng con trai, tưởng để nương tựa lúc tuổi già, ai ngờ lại phải chăm sóc ngược. Mỗi tháng một lần, bố mẹ Cường lại khăn gói vào trại thăm con. Những lần nhìn theo bóng dáng người mẹ khuất dần sau cánh cửa trại giam, trái tim kẻ giang hồ từng một thời làm bạn với súng đạn ấy lại như bị ai bóp nghẹt.


CSTC
.